Chỉ trong hơn một tháng đầu năm 2025, các quỹ ETF đã rút ròng hơn 1.000 tỷ đồng
Trong tháng 2/2025, giá trị rút ròng qua các quỹ ETF là 465 tỷ đồng. Từ đầu năm 2025, tổng giá trị rút ròng ghi nhận hơn 1 nghìn tỷ đồng.
![Ảnh minh họa.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/10/etf-1.png)
Trong tuần từ 3/2 – 7/2, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam duy trì trạng thái rút ròng mạnh với hơn 452 tỷ đồng, đây là mức rút ròng cao nhất theo tuần tính từ đầu năm. Động thái rút ròng diễn ra ở 11/19 quỹ chủ yếu ở quỹ VanEck Vietnam ETF
Trong tháng 2/2025, giá trị rút ròng qua các quỹ ETF là 465 tỷ đồng. Từ đầu năm 2025, tổng giá trị rút ròng ghi nhận hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF bao gồm ETF nước ngoài và trong nước đạt 55,2 nghìn tỷ đồng trong tuần từ 3/2 – 7/2, giảm 0,6% so với tuần 21/1 – 24/1. Cần lưu ý đây là tổng giá trị tài sản ròng chỉ tính cho thị trường Việt Nam.
Các quỹ ETF ngoại tiếp tục bị rút ròng mạnh hơn 317 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu ở quỹ VanEck Vietnam ETF (-317 tỷ đồng). Quỹ đến từ Mỹ này bán ròng mạnh các cổ phiếu VHM, VIC, VNM, HPG, và VCB. Tương tự, 2 quỹ tham chiếu chỉ số FTSE Vietnam Index là Fubon FTSE Vietnam ETF và quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF ghi nhận bị rút ròng lần lượt hơn 76 tỷ đồng và 49 tỷ đồng.
Lực rút ròng mạnh ở các quỹ ETF nội ghi nhận hơn 135 tỷ đồng, đây là tuần thứ 3 liến tiếp dòng tiền ở trạng thái âm. Áp lực rút ròng tập trung chủ yếu ở quỹ VFM VN30 ETF với hơn 116 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ VFM VNDiamond ETF cũng bị rút ròng nhẹ hơn 16 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có động thái rút ròng trong dòng vốn của nhà đầu tư Thái Lan thông qua hình thức DRs ở quỹ VFM VN30 ETF. Trong tuần từ 3/2 – 7/2, nhà đầu tư tiếp tục bán ròng mạnh 2,9 triệu chứng chỉ lưu ký (DR), tương đương 2,3 tỷ đồng.
Riêng trong ngày 10/2/2025, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng hơn 12 tỷ đồng và không có động thái bán ròng cổ phiếu.
![Chỉ trong hơn một tháng đầu năm 2025, các quỹ ETF đã rút ròng hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/10/screen-shot-2025-02-10-at-20-14-11.png)
Trong khi đó, theo số liệu từ SSI Research, các quỹ ETF duy trì trạng thái rút ròng trong tháng đầu tiên của năm 2025 với tổng giá trị -616 tỷ đồng, đây cũng là tháng thứ 15 liên tiếp các quỹ ETF rút ròng khỏi Việt Nam. Áp lực rút vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF ngoại, đáng chú ý có quỹ VanEck (-423 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam (-88 tỷ đồng), Fubon (-58 tỷ đồng).
Các quỹ ETF nội có sự phân hóa: quỹ DCVFM VN30 (-122 tỷ đồng) bị rút ròng 3 tháng liên tiếp, trong khi DCVFM VNDiamond (+54 tỷ đồng) và MAFM VN30 (+56 tỷ đồng) tiếp tục ghi nhận dòng vốn mua ròng tích cực.
Trong năm 2025, dòng vốn từ các Quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều. Dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Fed và áp lực tỷ giá, chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế, hay số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ khá hạn chế.
Điểm tích cực là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế.
SSI Research kỳ vọng việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Lưu ý rằng các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn.