19:30 20/05/2014

Chi vượt ngân sách vì những việc “không quan trọng”

Nguyên Anh

Nhiều hạn chế trong thu chi ngân sách đã được Uỷ ban Tài chính Ngân sách chỉ ra trong báo cáo thẩm tra

Theo Uỷ ban tài chính Ngân sách, trong điều kiện thu ngân sách tăng 
thấp, chỉ 1,9% thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều
 vượt dự toán.
Theo Uỷ ban tài chính Ngân sách, trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp, chỉ 1,9% thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán.
Mặc dù tình trạng chi vượt chế độ, tiêu chuẩn, định mức đã dần được khắc phục, công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường, nhưng sai phạm này đang có dấu hiệu gia tăng tại các địa phương.

Nhận xét trên được đưa ra trong báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách 2012 của Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội, chiều 20/5.

Theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp, chỉ 1,9%, thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán, trong đó có 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30% so với dự toán đầu năm.

Bên cạnh đó, một số địa phương chi hỗ trợ không đúng chế độ quy định, một số địa phương hụt thu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, chi thường xuyên năm 2012 vượt dự toán nhưng một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực ngân sách, như: chi giáo dục đào tạo và dạy nghề, chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ…

Đây là các khoản chi trong nhiều năm liên tục không đạt dự toán và đã được Quốc hội thường xuyên đề cập trong các kỳ họp.

“Đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá sâu sắc nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp khắc phục tình trạng này, kể cả tính hợp lý về tỷ lệ % các khoản chi này trong tổng chi ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội, sớm nghiên cứu sửa đổi, ban hành các định mức, chế độ chi phù hợp và hiệu quả hơn”, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nêu ý kiến.

Trong khi đó, qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội nhận thấy chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều.

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2012 là 268.812 tỷ đồng, tăng 49,3% so với dự toán.

Còn theo báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 179/2011 của Thủ tướng Chính phủ như: điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư so với quyết định ban đầu phê duyệt dự án; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn...

Bên cạnh đó, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành còn lớn, trong đó có nhiều bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng trên 1.000 tỷ đồng, cùng khá nhiều công trình, dự án chậm tiến độ với xu hướng tăng so với các năm trước. Các sai phạm vẫn xảy ra trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn yếu kém, gây thất thoát, lãng phí ngân sách.

Ngoài ra, theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, việc chi cho chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả chưa cao, chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Thẩm tra báo cáo bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 theo báo cáo quyết toán của Chính phủ là 154.126 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP. Các tỷ lệ dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia so với GDP được bảo đảm an toàn trong phạm vi giới hạn cho phép.

Theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, có ý kiến cho rằng, số bội chi ngân sách như báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết tình hình bội chi như: chưa tính đủ số hoàn thuế VAT phát sinh trong năm, nợ đọng xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn lớn chưa thu hồi.
 
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ bội chi ngân sách tính trên GDP có giảm so với dự toán (4,8%) nhưng số bội chi ngân sách lại tăng 13.926 tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội quyết định.