17:21 17/11/2021

Chiếc ghế Giám đốc Sáng tạo của Bottega Veneta thuộc về ai?

Minh Nguyệt

Cho đến nay, tin tức Daniel Lee rời khỏi Bottega Veneta vẫn khiến nhiều người cảm thấy sốc. Không chỉ giúp hồi sinh nhà mốt Ý, ông còn là người tiên phong tạo phong cách hoàn toàn mới cho Bottega, với rất nhiều kiểu dáng dẫn đầu xu hướng...

Sau khi Daniel Lee ra đi, rất nhiều đồn đoán về sự kế nhiệm của Matthieu Blazy đã xuất hiện. Blazy là gương mặt tiêu biểu  tại Bottega Veneta từ giữa năm 2020, chỉ sau Daniel Lee. Chưa kể, nhà Kering luôn có truyền thống khá thành công trong việc khai thác những nhà thiết kế chưa từng được chú ý đến, lấy ví dụ kinh điển là Alessandro Michele của Gucci.

Không chỉ vậy, Blazy cũng không hẳn là một cái tên lạ lẫm với giới sáng tạo thời trang. Người đàn ông 37 tuổi từ nước Bỉ này từng tốt nghiệp trường nghệ thuật La Cambre ở Brussels và trở thành NTK mảng thời trang nam tại nhà mốt Raf Simons. Sau đó, ông đầu quân về Maison Margiela, đảm nhận thiết kế chính cho dòng “Artisanal” và dòng Ready-to-wear nữ. Năm 2014, ông là NTK cấp cao của Céline dưới thời Phoebe Philo, sau đó tiếp tục đồng hành cùng NTK Raf Simons tại nhà mốt Calvin Klein từ năm 2016 đến 2019.

Matthieu Blazy được giới mộ điệu và truyền thông biết đến đầu tiên thông qua một bức ảnh chụp chung với NTK Raf Simons vào năm 2014, được nhà báo Suzi Menkes đăng lên Instagram, nói rằng Blazy là nhà thiết kế chính của Maison Margiela, thương hiệu vốn rất kín tiếng về các nhà thiết kế. Menkes viết chú thích cho bức ảnh: “Show diễn đã đưa nhà thiết kế Matthieu Blazy ra khỏi bóng tối”. Cũng từ đó Matthieu Blazy đã dần khẳng định danh tiếng của mình.

Năm 2020, ông chính thức được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Thiết kế dòng Ready-to-wear tại Bottega Veneta. Có thể thấy, gu thẩm mỹ và tầm nhìn của NTK vô cùng hiện đại, trẻ trung và mạnh mẽ, phù hợp với tinh thần của thương hiệu. Do đó, thông tin chính thức về việc bổ nhiệm Matthieu Blazy trở thành tân Giám đốc Sáng tạo của nhà mốt đã có hơn 55 năm lịch sử đã không khiến giới mộ điệu bất ngờ. 

Matthieu Blazy trở thành tân Giám đốc Sáng tạo của Bottega Veneta.
Matthieu Blazy trở thành tân Giám đốc Sáng tạo của Bottega Veneta.

Francois-Henri Pinault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kering, cho biết: “Việc nâng tầm một gương mặt thuộc tập đoàn cho thấy chúng tôi đang thực hiện một sự thay đổi tinh tế tại Bottega Veneta, thay vì tái xây dựng hoàn toàn như một thói quen. Những đôi bốt Puddle biểu tượng của Daniel Lee chắc chắn sẽ vẫn còn, cùng với họa tiết intrecciato ngoại cỡ vốn tạo nên nét đặc sắc của các mặt hàng thủ công lâu đời của thường hiệu… Tôi tin rằng, kinh nghiệm dày dặn và nền tảng văn hóa rộng lớn của Matthieu Blazy sẽ giúp ông phát huy động lực sáng tạo của mình cho nhiệm vụ nối tiếp di sản của Bottega Veneta”.

Trước đó,  nhà thiết kế Daniel Lee bất ngờ chính thức tuyên bố sẽ chia tay thương hiệu Bottega Veneta sau 3 năm nắm giữ cương vị Giám đốc Sáng tạo. Có thể nói, Bottega Veneta là cột mốc sự nghiệp khó quên của Daniel, khi ông lần đầu tiên nắm giữ vai trò Giám đốc Sáng tạo, sau khi bị thất sủng tại Celine, trong vị trí giám đốc trang phục nữ dưới thời Phoebe Philo. Bộ sưu tập runway đầu tiên của Daniel tại Bottega Veneta cũng gặp nhiều đánh giá trái chiều khi bị so sánh với những bộ sưu tập trước có sự đóng góp của Daniel tại Celine.

Thế nhưng, dòng phụ kiện của Daniel Lee lại là một sức hút hoàn toàn khác. Chiếc túi Pouch, do Daniel thiết kế, đã mở đầu cho xu hướng túi da có cấu trúc mềm mại; thiết kế giày mũi vuông tạo nên thẩm mỹ hoàn toàn mới về phom dáng giày. Tại Giải thưởng Thời trang 2019, được tổ chức ở London vào tháng 12, Daniel được đề cử cho bốn giải thưởng cao nhất, và chiến thắng tất cả.

Trong năm 2020 - 2021, Bottega Veneta đi theo hình thức giới thiệu bộ sưu tập riêng rẽ, trong từng không gian riêng tư gọi là salon. Thậm chí, dưới thời Daniel Lee, Bottega Veneta còn chủ trương xóa hẳn tài khoản mạng xã hội của mình. Gần đây nhất, Daniel vừa ra mắt bộ sưu tập Salon 03 tại Detroit, với hơi hướng vị lai đậm nét với những phom dáng, thiết kế và chất liệu độc đáo như mọi khi.

Trong khoảng thời gian đại dịch vừa qua, không ít các thương hiệu đều chịu ảnh hưởng về doanh số, và nhà Kering không là ngoại lệ. Tuy nhiên, Daniel Lee lại thể hiện phong độ cực tốt ở Bottega Veneta với chiến lược marketing và gu thẩm mỹ riêng biệt. Thậm chí, doanh thu quý 3 năm 2021 của nhà mốt còn tăng 8.9% so với năm 2020. Và thương hiệu đặc biệt thịnh hành tại thị trường châu Mỹ và Tây Âu.

Thiết kế giày mũi vuông trở thành dấu ấn của Daniel Lee.
Thiết kế giày mũi vuông trở thành dấu ấn của Daniel Lee.

Chính vì thế, cùng với sự ra đi đột ngột của Daniel Lee, nhiều nghi vấn về việc liệu nhà thiết kế có mâu thuẫn với ban lãnh đạo, hoặc ông đã có cho mình một bến đỗ mới. Daniel Lee chỉ chia sẻ đơn giản: “Thời gian của tôi tại Bottega Veneta là một trải nghiệm đáng kinh ngạc. Tôi rất biết ơn vì đã làm việc với một đội ngũ đặc biệt và tài năng. Bản thân tôi mãi mãi biết ơn tất cả những người đã góp phần tạo nên tầm nhìn chung của thương hiệu. Cảm ơn Francois-Henri Pinault vì sự hỗ trợ và cho tôi cơ hội trở thành một phần trong câu chuyện của Bottega Veneta”.

Giờ đây, không ít người thuộc giới thời trang đều ủng hộ Blazy có thể đưa thương hiệu trở lại “đường đua” một cách trơn tru. Bộ sưu tập đầu tiên của Matthieu Blazy cho Bottega Veneta sẽ được trình diễn tại Tuần lễ thời trang Milan vào tháng 2 năm 2022.