Hướng đến một thị trường mỹ phẩm phát triển bền vững và an toàn
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có mỹ phẩm, qua thương mại điện tử đang diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh thành trên cả nước…
Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của phụ nữ Việt Nam ngày càng cao. Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của các chị em, nhiều đối tượng kinh doanh đã bất chấp các quy định của pháp luật, sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ... trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh hàng cấm, hàng lậu vận chuyển qua các hình thức chuyển phát, giao hàng nhanh.
Mới đây, ngày 14/10, Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm Cerina không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Công ty TNHH MTV sản xuất dược - mỹ phẩm GAMMA. Nguyên nhân dẫn đến quyết định thu hồi là do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, có chứa thành phần 2-phenoxyethanol không được kê khai trong công thức sản phẩm. Bên cạnh đó, thông tin về tên và địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm cũng không chính xác.
Đây chỉ là một trong rất nhiều mỹ phẩm kém chất lượng đã được cơ quan chức năng phát hiện và đưa ra cảnh báo trong thời gian qua. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay, Cổng Thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược đã đưa ra 11 công văn về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tương tự tại tỉnh Hải Dương, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương ngày 8/11 cho biết tài khoản Facebook cá nhân "Thúy Hường (kho buôn Quảng Châu)" và tài khoản Zalo cá nhân có tên "Thúy Hường" cùng gian hàng TikTok Shop "Shop Thúy Hường" thường xuyên đăng hình, bài viết, clip để chào bán các sản phẩm mỹ phẩm, phụ kiện làm đẹp. Kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh này, Đội QLTT số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã phát hiện có 2.304 tuýp kem nền (mỹ phẩm), hiệu SVMI, loại 30ml/tuýp và 11.000 cái kẹp mi mắt (phụ kiện làm đẹp) không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tổng trị giá trên 45 triệu đồng...
Tại tỉnh Tiền Giang, trong tháng 10/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã xác minh đối với một số cá nhân sử dụng tài khoản Facebook trưng bày, giới thiệu mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Qua đó, đoàn kiểm tra ghi nhận 1 cơ sở kinh doanh 50 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm là hàng hóa nhập khẩu, không hóa đơn chứng từ.
Còn tại Bến Tre, đầu tháng 10/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 cũng phát hiện 1 cơ sở đang kinh doanh online mỹ phẩm. Trên sản phẩm không ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không hóa đơn, chứng từ kèm theo với tổng giá trị hàng hóa 31,9 triệu đồng...
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lậu và mỹ phẩm kém chất lượng tràn lan trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...) đã gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, gây hỗn loạn thị trường, làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào những thương hiệu uy tín, ảnh hưởng trực tiếp đến những người kinh doanh chân chính. Sự “phát triển” của các sản phẩm kém chất lượng không chỉ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn đẩy các doanh nghiệp sản xuất có tâm vào tình thế khó khăn, bị động.
Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận nhiều ca bệnh bị biến chứng vì sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm mua trên mạng mà chưa có sự kiểm chứng về nguồn gốc sản phẩm. Theo Bác sỹ Phan Ngọc Huy, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, những biến chứng thường gặp của các bệnh nhân sau khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thường bị viêm da tiếp xúc dị ứng với biểu hiện bong tróc vảy, đỏ da, ngứa. Trong trường hợp nặng, làn da có thể bị viêm tiết dịch dễ dẫn đến nhiễm trùng và tạo sẹo xấu…
Có thể thấy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát người bán, chất lượng sản phẩm và đánh giá người bán và đánh giá sản phẩm, công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn và mua sản phẩm phù hợp. Về phía người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái và phản ánh/tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm.
Bộ Y tế do đó đã đề xuất xây dựng dữ liệu quốc gia về mỹ phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin tổng thể quản lý và truy xuất nguồn gốc mỹ phẩm. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý mỹ phẩm do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo vừa được Bộ Tư pháp công bố. Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất xây dựng mã định danh mỹ phẩm bằng việc xây dựng lại cấu trúc số tiếp nhận phiếu công bố để xác định xuất xứ mỹ phẩm, phân loại mỹ phẩm.
Bộ đề xuất quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong việc nhãn bao bì ngoài phải được in mã vạch (Bar Code), mã QR (Quick Response) hoặc mã Data Matrix Code (DMC) nhằm quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc. Bộ Y tế lý giải, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một số hình thức kinh doanh mới trong lĩnh vực mỹ phẩm như bán hàng online trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử về mỹ phẩm, phương thức đa cấp… ngày càng phát triển, gây khó khăn cho quản lý.
"Việc giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử cũng như việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm", Bộ Y tế nêu thực tế.
Hiện nay, mỹ phẩm không có thông tin số tiếp nhận phiếu công bố, không có thông tin về tên, địa chỉ nhà sản xuất trên nhãn (trên nhãn chỉ có thông tin về nước sản xuất và tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường) gây khó khăn xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khi cần truy vết, kiểm tra, xác minh. Hơn nữa, Bộ Y tế cho rằng cần thiết phải xây dựng dữ liệu quốc gia về mỹ phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin tổng thể quản lý và truy xuất nguồn gốc mỹ phẩm.
Bên canh đó, trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày trước Quốc hội tờ trình của Chính phủ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đáng chú ý, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Theo đó, dự Luật Quảng cáo sửa đổi đề xuất quy định người nổi tiếng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung... trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, đồng thời cần có chế tài nghiêm khắc hơn với các KOL, KOC để họ ý thức được trách nhiệm trước công chúng.