10:36 24/07/2008

Chính thức công bố chỉ số giá tháng 7

Anh Quân

CPI tháng 7 lần đầu tiên xuống dưới mức 2%, chỉ tăng 1,13% so với tháng trước đó

Việc giảm tốc độ tăng với một biên độ lớn, CPI tạo thành xu hướng giảm sâu của hai tháng liên tiếp gần đây (tháng 5 tăng 3,91%, tháng 6 tăng 2,14%) - Ảnh: SGTT.
Việc giảm tốc độ tăng với một biên độ lớn, CPI tạo thành xu hướng giảm sâu của hai tháng liên tiếp gần đây (tháng 5 tăng 3,91%, tháng 6 tăng 2,14%) - Ảnh: SGTT.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng bảy trong bối cảnh lo ngại về lạm phát đang tăng cao sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh.

Theo đó, CPI tháng 7 lần đầu tiên xuống dưới mức 2%, “nằm” ở mức đáng mơ ước khi chỉ tăng 1,13% so với tháng trước đó.

Đây là mức tăng thấp nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, “rơi” sâu so với mức thấp kỷ lục của tháng sáu là 2,14%, đưa mức tăng giá tiêu dùng của tháng này so với cùng kỳ năm trước xuống còn 21,28%.

Việc giảm tốc độ tăng với một biên độ lớn, CPI tạo thành xu hướng giảm sâu của hai tháng liên tiếp gần đây (tháng 5 tăng 3,91%, tháng 6 tăng 2,14%).

Trong giỏ hàng hóa, dịch vụ tính CPI tháng này, diễn biến giá các mặt hàng đều ở mức tương đối ổn định hoặc dao động biên độ nhỏ. Tình hình giá cả tháng này đã tạo tâm lý tốt cho người tiêu dùng khiến tâm lý đầu cơ không còn.

Xu hướng giảm này được tạo thành bởi động lực chính từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi chỉ tăng 0,99% so với tháng trước đó. Trong nhóm này, hàng hóa tạo thành lực kéo CPI của các tháng trước thì nay lại trở thành tác nhân kìm nén giá tiêu dùng khi giảm 0,37% so với tháng 6.

Trong 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tháng này chỉ có 1 nhóm tăng 2% là dược phầm và y tế. Có 5 nhóm tăng từ 1,02% đến 1,67% so với tháng sáu. 4 nhóm còn lại tăng dưới 1%.

Nhóm phương tiện đi lại, bưu điện sẽ chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu trong những tháng tới, nhưng tháng này chỉ tăng 0,55% so với tháng sáu. Riêng dịch vụ bưu chính viễn thông vẫn nằm trong các hàng hóa, dịch vụ giảm giá khi đạt mức tăng âm 0,5% so với tháng trước.

Trái lại, tỷ giá VND so với USD và giá vàng tháng này vẫn tiếp tục đà tăng của tháng trước: chỉ số giá vàng tăng 3,2% (tháng trước là 4,8%), chỉ số giá USD tăng 1,83% (tháng trước là 1,63%).

CPI tháng này tăng đều ở khu vực nông thôn và thành thị, tương ứng với các con số là 1,16% và 1,10%. Tuy nhiên, giữa các vùng vẫn có độ “vênh” khá lớn.

Tăng thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với chỉ số giá đạt mức tăng 0,69% so với tháng trước, chỉ bằng một phần ba chỉ số giá khu vực tăng cao nhất của vùng duyên hải miền Trung là 1,93%.