18:39 12/04/2024

Chủ động làm tốt công tác truyền thông để minh bạch kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Đỗ Như

Ngày 12/4, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì hội nghị...

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOET.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOET.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhận định, mặc dù năm nay là năm cuối cùng của kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi không hề thay đổi, bất cứ sai sót nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi, vì vậy, tất cả các đơn vị tham gia tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý 5 nhóm vấn đề trong tổ chức Kỳ thi năm nay. Trước hết là làm tốt công tác chỉ đạo. Theo Thứ trưởng, từ cấp Trung ương là Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cho đến các tỉnh, thành phố, các sở Giáo dục đào tạo cần chỉ đạo sâu sát, toàn diện. Cụ thể là kịp thời thành lập bộ máy để lãnh đạo, chỉ đạo kỳ thi. Sau khi thành lập bộ máy, cần phải có hệ thống văn bản chỉ đạo, với tinh thần chung nhất là tuyệt đối không chủ quan.

Đồng thời, các địa phương, Sở Giáo dục đào tạo tiến hành công tác kiểm tra toàn diện và trọng điểm. Cần tiến hành kiểm tra sớm, tổng kết, nêu lên những vấn đề còn vướng mắc, chủ quan, để các đơn vị còn lại rút kinh nghiệm và thực hiện tốt.

Thứ trưởng cho biết, kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, số lượng thầy cô giáo tham gia rất lớn, số lượng thí sinh hàng triệu em, ngành giáo dục cần sự phối hợp của ngành công an, quân đội, thanh tra, y tế, giao thông,…. Để công tác phối hợp cần nhịp nhàng, thông suốt, việc phân công nhiệm vụ phải rõ chức trách nhiệm vụ, rõ sản phẩm, rõ thời gian. Thành viên trong Ban chỉ đạo đại diện các Sở, ngành cần có kế hoạch cụ thể để đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi.

Thứ trưởng yêu cầu tất cả các cán bộ, viên chức tham gia kỳ thi này đều phải được tập huấn và học quy chế, thuộc rõ chức trách nhiệm vụ, để không một cán bộ nào không học quy chế, lơ là trong thực hiện. Đồng thời cần dự báo tình huống bất thường có thể xảy ra và biện pháp sẵn sàng xử lý tình huống.

Về công tác chuẩn bị nhân lực, Thứ trưởng cho rằng đây là khâu hết sức quan trọng quyết định đến thành bại của kỳ thi. Các đơn vị cần rút kinh nghiệm, bài học từ những năm trước, lựa chọn kĩ lưỡng về con người và phải vận hành nhịp nhàng, thử nghiệm trong khâu chuẩn bị.

Theo Thứ trưởng, bài học kinh nghiệm cho thấy, mọi sai sót xảy ra đều do không nghiêm túc, thực hiện không đúng quy chế, bỏ qua quy trình, vì thế, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế, đúng hướng dẫn trong mọi khâu, mọi sự thay đổi khi thực hiện phải có quyết định của Ban chỉ đạo…

Thứ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo của các Sở Giáo dục đào tạo chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin công khai, minh bạch về kỳ thi với tinh thần để phụ huynh, xã hội, ban ngành hiểu về kỳ thi, đồng thuận trong thực hiện.

Qua truyền thông, cần phổ biến về điểm mới của quy chế, khuyến cáo những mức độ vi phạm nào sẽ đến mức xử lý hình sự để tất cả mọi người không muốn, không dám và không thể vi phạm. Đồng thời, qua truyền thông, xã hội có thể thấy được sự chu đáo, nghiêm túc trong chuẩn bị kỳ thi; các tổ chức xã hội có thể từ đó để hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, học sinh nghèo tham gia kỳ thi được hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay, Ban chỉ đạo tiếp tục quán triệt tinh thần “4 Đúng - 3 Không” để các đại biểu nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong quá trình tổ chức kỳ thi. 

4 Đúng là “Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường”.

3 Không là “Không lơ là, chủ quan; Không căng cứng, áp lực thái quá; Không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường”.

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh ba mục tiêu tổ chức kỳ thi.

Thứ nhất là nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phô thông 2018.

Thứ hai là lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Thứ ba là cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, trên tinh thần giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe lãnh đạo Cục A03, A06 Bộ Công an trao đổi về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi; hướng dẫn phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong kỳ thi; chia sẻ cách làm hay của các địa phương qua hơn 70 đợt tập huấn vừa qua để không chỉ thí sinh, phụ huynh mà toàn xã hội nâng cao nhận thức chấp hành quy chế, góp phần nâng cao tính chủ động trong việc phòng ngừa vi phạm, tạo sự ổn định cho thí sinh tham gia kỳ thi.