07:29 30/05/2023

Chú trọng đào tạo nhân lực đường sắt tốc độ cao, nhân lực kết cấu hạ tầng giao thông

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải định hướng xây dựng phát triển nhân lực ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chú trọng đào tạo nhân lực đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, nhân lực kết cấu hạ tầng giao thông...

Bộ Giao thông vận tải tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhân lực ngành giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bộ Giao thông vận tải tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhân lực ngành giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-BGTVT về tăng cường công tác quản lý các trường, học viện thuộc Bộ.

Một số trường, học viện thuộc Bộ Giao thông vận tải bao gồm: Học viện Hàng không Việt Nam; Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I, II, III, IV, V, VI.

PHỐI HỢP TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC TRƯỜNG, HỌC VIỆN PHÁT TRIỂN

Liên quan đến việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, cho biết trong thời gian qua đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, hệ thống các trường, học viện thuộc Bộ từng bước được sắp xếp, tinh gọn; mô hình quản trị và phương thức quản lý được đổi mới; chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giao thông vận tải và đất nước.

 

Tuy nhiên, “bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục đặc biệt là công tác tuyển sinh, công tác cán bộ, liên kết đào tạo, quản lý sử dụng tài sản... vẫn chưa phát huy được vị thế, vai trò của các cơ sở giáo dục, đào tạo đối với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành giao thông vận tải”, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận.

Để tăng cường công tác quản lý nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường, học viện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải hiện nay và trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng và Thanh tra Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nắm bắt tình hình tổ chức, hoạt động của các trường, học viện để tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất để Bộ thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, học viện phát triển.

Trong đó, Vụ Tổ chức cán bộ tiếp tục tham mưu, rà soát kiện toàn hệ thống các trường, học viện đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển ngành giao thông vận tải và quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

"Phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải xây dựng định hướng phát triển nhân lực ngành giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển các lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được cấp có thẩm quyền phê duyệt", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn và tổng hợp kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm và giai đoạn của các trường, học viện.

Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho Vụ Tài chính tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các trường, học viện trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, đặc biệt là quản lý, sử dụng tài sản công, thu học phí... theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các trường, học viện về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo chức năng, nhiệm vụ.

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các trường, học viện trong các hoạt động khoa học và công nghệ, môi trường; đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Vụ Hợp tác quốc tế tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các trường, học viện trong các hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo, đặc biệt là các chương trình hợp tác trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên với các cơ sở đào tạo nước ngoài.

Vụ Quản lý doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu thực hiện các thủ tục để chuyển các doanh nghiệp là công ty cổ phần có vốn góp nhà nước tại các trường đại học do Bộ Giao thông vận tải đang làm đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quản lý theo quy định.

CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO CÁC NGÀNH, NGHỀ CỐT LÕI

Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ đạo các trường, học viện trực thuộc Bộ tiếp tục rà soát, thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; chú trọng và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, giáo viên, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đội ngũ cán bộ, viên chức.

Chủ động rà soát, ban hành hệ thống văn bản nội bộ của trường, học viện theo thẩm quyền, đặc biệt là quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, trong đó phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu, các tổ chức, đoàn thể khác trong nhà trường và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức này theo quy định và theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

“Rà soát, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo các ngành, nghề cốt lõi, phục vụ ngành giao thông vận tải; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành giao thông vận tải theo định hướng phát triển giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt lưu ý đào tạo nhân lực đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, nhân lực kết cấu hạ tầng giao thông...”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển sinh, đào tạo, đặc biệt về công khai, minh bạch trong các bước từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ; tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Chỉ thị số 05/CT-BGTVT ngày 8/5/2023 về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và các chỉ đạo của Bộ trong công tác đào tạo về lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa và các lĩnh khác.

Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt trong công tác rà soát, chuẩn bị và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; nghiên cứu lập và triển khai kế hoạch bổ sung, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết bị đối với các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, ngành, nghề trọng điểm (nếu có) đã quá hạn, bị xuống cấp...

Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phí và lệ phí, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí..., đặc biệt là sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh liên kết; công tác tổ chức bộ máy kế toán hạch toán thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về kế toán.