Chưa đến 40% người cao tuổi Việt Nam có lương hưu, trợ cấp
Hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, người có công. Số còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình…
Theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), ước tính số lượng đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và người có thu nhập thấp ở nước ta hiện có hơn 25% dân số.
THU NHẬP CỦA NGƯỜI CAO TUỔI PHẦN LỚN DỰA VÀO CON CÁI
Trong đó, có khoảng 12 triệu người cao tuổi; 7,06 triệu người khuyết tật; 10 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần; 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 2,23% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo; 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và 1,5 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm.
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, và dự báo đến năm 2035, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 20% dân số.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn thu nhập của người cao tuổi chủ yếu là từ hỗ trợ của con cái và từ việc làm hiện tại của họ.
Phần lớn người cao tuổi là đối tượng lao động tự làm hoặc lao động gia đình không được trả lương, trong khi tỷ lệ lao động làm công ăn lương thấp, họ tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương.
Thực tế, hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình...
Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, chuyên gia Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để hướng tới phát triển bền vững bao trùm, toàn diện trong đó có thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và dịch chuyển công bằng, Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội.
Đặc biệt, quan tâm đến người yếu thế: người khuyết tật, người cao tuổi, lao động di cư…
HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI VIỆC LÀM, ĐẢM BẢO AN SINH CHO CÁC NHÓM YẾU THẾ
Đề cập đến vấn đề này tại Hội thảo “Thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng” vừa diễn ra, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trường Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong sau Nam Phi và Indonesia tham gia vào Tuyên bố Chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) với một loạt quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu, nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư nhân trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Việc tham gia JETP thể hiện nhận thức mạnh mẽ của hệ thống chính trị Việt Nam về sự cần thiết phải thúc đẩy hành động hướng tới các mục tiêu và mục đích dài hạn của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước khí hậu Glasgow,…
Tuy nhiên, theo ông Lưu Quang Tuấn, quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường carbon có thể tạo ra những tác động không công bằng giữa các ngành, cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh.
Đơn cử như, tác động đến việc dịch chuyển việc làm, mất việc làm, sự thiết hụt kỹ năng của người lao động, sự không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh. Đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập thấp nhất có thể chịu tác động lớn từ chuyển đổi năng lượng và các nỗ lực giảm lượng khí thải, ví dụ như khả năng chi trả năng lượng xanh, sạch…
Trước những thực tế như trên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lưu Quang Tuấn cho rằng, việc xây dựng các chính sách chuyển đổi năng lượng và giảm lượng khí thải nhà kính cần đảm bảo hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của chính sách đến các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, nữ giới, lao động kỹ năng thấp…
“Trong thực tế thực hiện, sẽ vẫn có những nhóm người dân không thể theo kịp quá trình chuyển đổi năng lượng và vận hành thị trường carbon nên sẽ bị rủi ro không có việc làm, mất việc làm. Do vậy, đòi hỏi phải có chính sách an sinh xã hội cũng như các chính sách hỗ trợ để họ tiếp cận được năng lượng sạch; hỗ trợ chuyển đổi việc làm, phát triển sinh kế bền vững và tạo việc làm thỏa đáng, việc làm xanh”, ông Lưu Quang Tuấn cho hay.
Cùng với đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các kỹ năng mới, nên hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng như giáo dục đào tạo phải có sự điều chỉnh, đổi mới để đáp ứng nhu cầu mới.
Ngoài ra, cũng rất quan trọng là chúng ta cần dự báo được số việc làm mới tạo ra cũng như mất đi của nền kinh tế trong tiến trình chuyển đổi này.
Trên cơ sở xác định được lợi thế so sánh của các ngành/lĩnh vực kinh tế của đất nước để xác định sẽ phát triển ngành/lĩnh vực kinh tế nào thì sẽ mua tín chỉ carbon, để việc chuyển đổi sang kinh tế xanh của ngành/lĩnh vực này có thể chậm hơn nhằm phát huy tối đa lợi ích kinh tế.
Ngược lại, sẽ phát triển các lĩnh vực, ngành kinh tế, vùng nào để có thể bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế cũng như hoán đổi mua/bán tín chỉ carbon giữa các ngành/lĩnh vực kinh tế.
Trong khi đó, bà Ingrid Christensen, Giám đốc văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá, đây là “cơ hội vàng” để Việt Nam có thể đảm bảo, nâng cấp vấn đề về an sinh xã hội, chuyển đổi việc làm xanh...
Tuy nhiên, cần trang bị cho người lao động các kỹ năng để chuyển đổi việc làm theo hướng phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.