19:12 29/11/2023

Khoảng 8 triệu người cao tuổi không có lương hưu và khoản trợ cấp nào

Nhật Dương

Cả nước hiện có trên 14 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, song đến nay mới chỉ khoảng 6,1 triệu người có lương hưu, hưởng trợ cấp hằng tháng khác. Như vậy, vẫn còn khoảng 8 triệu người không có lương hưu và không được hưởng bất kỳ chính sách trợ cấp nào, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu.

KHOẢNG TRỐNG CHÍNH SÁCH VỚI HÀNG TRIỆU NGƯỜI KHÔNG CÓ LƯƠNG HƯU

Trong số này, khoảng 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với mức bình quân 4,2 triệu đồng/tháng. Khoảng 1 triệu người hưởng trợ cấp người có công; 1,8 triệu người hưởng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi với mức 360.000 đồng/tháng.

Như vậy, vẫn còn khoảng trên 8 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Bộ cho rằng, đây là khoảng trống chính sách.

Để khắc phục những bất cập này, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Cùng với đó, trong thời gian hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Đồng thời, bổ sung quy định người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng. Thời gian, mức hưởng tùy thuộc vào thời gian đóng, mức đóng bảo hiểm xã hội của họ.

Chia sẻ ý kiến về nội dung này tại, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quá trình tổng kết thi hành 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cơ quan soạn thảo ghi nhận vẫn còn hàng triệu người sau tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ 80 tuổi không được hưởng lương hưu và cũng không được hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng, hay trợ cấp hằng tháng.

“Đương nhiên những người này cũng không có bảo hiểm y tế dẫn đến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, chắc chắn số người sau tuổi nghỉ hưu nhưng chưa tới 80 tuổi sẽ tiếp tục gia tăng do quá trình già hóa dân số Việt Nam diễn ra rất nhanh”, ông Giang nói.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cơ quan soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất hai cơ chế. Cụ thể, ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo trợ cấp cho những người hạ từ 80 xuống 75 tuổi, trước mắt có ít nhất khoảng 1 triệu người cao tuổi sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng.

Đối với những người dưới 75 tuổi nhưng trên tuổi nghỉ hưu thì trong dự thảo luật lần này, cơ quan soạn thảo thiết kế bổ sung quy định liên kết tầng giữa trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản.

“Cơ quan soạn thảo tính toán, nếu một người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 5 năm, thì số tiền đóng góp trong thời gian này đủ để chi trả trợ cấp xã hội trong khoảng 15 năm. Nói cách khác, những người này sẽ được hưởng trợ cấp xã hội ngay từ khi 60 tuổi thay vì phải chờ đến 75 tuổi mà ngân sách không phải chi thêm. Cùng với việc được hưởng trợ cấp xã hội sớm, họ còn có bảo hiểm y tế hằng tháng”, ông Giang thông tin.

Theo ông Giang, hiện nay trợ cấp người cao tuổi trong Luật Người cao tuổi có hai nhóm đối tượng, gồm người cao tuổi và người cao tuổi đặc thù (hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù). Ở lần sửa đổi này, chỉ tách người cao tuổi từ Luật Người cao tuổi sang Luật Bảo hiểm xã hội, nhóm còn lại vẫn giữ nguyên.

“Khi đưa sang Luật Bảo hiểm xã hội, lợi ích lớn nhất là người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác sẽ được hưởng ngay từ khi 75 tuổi chứ không phải chờ đến 80 tuổi”, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Phạm Trường Giang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khi đưa đối tượng người cao tuổi từ Luật Người cao tuổi sang hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ đảm bảo sự kết nối và tính thống nhất, đồng bộ hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Điều này cũng giúp cho việc quản lý tốt hơn và đảm bảo quyền lợi của người cao tuổi.

TIẾN TỚI MỌI LAO ĐỘNG CÓ VIỆC LÀM, THU NHẬP ĐỀU THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

Để hướng đến mọi người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu đều được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hằng tháng, các chuyên gia cũng cho rằng cần tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội.

Tiến tới mở rộng mọi đối tượng có việc làm, thu nhập đều được tham gia bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu. Ảnh minh họa - N.Dương.
Tiến tới mở rộng mọi đối tượng có việc làm, thu nhập đều được tham gia bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu. Ảnh minh họa - N.Dương.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, xu hướng tại các nước trên thế giới hiện nay quy định, ai có thu nhập thì đều tham gia bảo hiểm xã hội. Vì thế, nếu chúng ta tăng cường quản lý được thu nhập thì sẽ càng có nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội, như vậy càng có nhiều sự chia sẻ hơn.

Tuy nhiên, ngoài nguồn lực của nhà nước cũng cần tính đến các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ đóng cho những đối tượng chưa có điều kiện tham gia.

Còn theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, mở rộng đối tượng tham gia đối với khu vực không chính thức cũng là nội dung quan trọng để hướng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Tuy nhiên việc thực hiện sẽ không dễ dàng.

Vì vậy, trong chiến lược phát triển bảo hiểm xã hội trong thời gian tới cần thiết phải nghiên cứu cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, giải pháp mở rộng đối tượng, dần tiến đến toàn bộ người có việc làm, có tiền lương, tiền công, thu nhập đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trước đó, giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hôm 23/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước mắt kỳ này Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của nhà nước.