Chưa thể kết luận số lượng thí sinh trúng tuyển là vượt quá chỉ tiêu
Thực tế đã có trường thông báo số thí sinh trúng tuyển gấp 3-4 lần chỉ tiêu đã xác định, nhưng khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ đạt được 30% chỉ tiêu...
Trong đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 vừa qua, một số cơ sở đào tạo đã đưa ra danh sách trúng tuyển với số lượng lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố nhiều lần.
DANH SÁCH TRÚNG TUYỂN VƯỢT CHỈ TIÊU CÔNG BỐ
Tại khu vực phía Nam, nhiều trường đã xác định số thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu, thậm chí có ngành chiếm hơn 1/2 tổng chỉ tiêu của một trường đại học. Chẳng hạn như Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tuyển 1.800 chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo với 4 phương thức tuyển sinh. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 có 793 chỉ tiêu.
Cụ thể, theo công bố của trường này ngành Quản trị kinh doanh có số lượng thí sinh trúng tuyển là 943 em, trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ là 60, cao gấp gần 16 lần.
Ngành Công nghệ thông tin của trường cũng lấy số thí sinh trúng tuyển là 445 cao gấp 8 lần so với chỉ tiêu đã được xác định là 55; có 573 thí sinh trúng tuyển ngành Quản lý đất đai nhưng chỉ tiêu chỉ là 125 gấp hơn 4,5 lần.
Còn với Trường đại học Công đoàn, danh sách trúng tuyển đại học chính quy năm 2021 bằng phương thức xét tuyển đã có số thí sinh trúng tuyển vượt rất xa so với chỉ tiêu được công bố trong đề án tuyển sinh.
Đơn cử, ngành Công tác xã hội, số thí sinh trúng tuyển là 446/200 chỉ tiêu; ngành Xã hội học là 405/200, vượt hơn 100%. Các ngành như Bảo hộ lao động, Quan hệ lao động đều vượt 80%; các ngành khác thấp hơn, nhưng có thể thấy 100% các ngành của Trường đại học Công đoàn đều có thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu.
Tương tự, Trường đại học Lao động - Xã hội cơ sở tại Hà Nội có 11/12 ngành lấy số thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu từ 1,4 - 3,9 lần; cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cả 10 ngành đào tạo tại đây đều có số lượng trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu, trong đó, ngành Kinh tế lấy gấp 3,3 lần.
Nói về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục, cho rằng dẫn đến tình trạng “tràn chỉ tiêu” ở một số cơ sở giáo dục đại học là do cả yếu tố khách quan và chủ quan: Năm nay số lượng thí sinh tăng hơn so với năm trước, cộng với dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương nên không ít người lao động mất việc làm. Điều này khiến thí sinh quyết định nhập học, chứ không lựa chọn đi làm ngay như một số năm trước. Chưa kể, có khoảng 10% học sinh ở các thành phố lớn, có học lực tốt nhưng không đi du học được do ảnh hưởng của Covid-19.
Ngoài ra, cũng cần phân biệt số thí sinh gọi trúng tuyển và số thí sinh nhập học/chỉ tiêu là hai thông số khác nhau. Các cơ sở giáo dục đại học có thể gọi thí sinh trúng nhiều. Nhưng kết quả thí sinh đến xác nhận nhập học mới là quan trọng. Tuy nhiên, việc gọi vượt bao nhiêu để vừa đủ luôn là một bài toán khó.
SẼ TÍNH ĐẾN TỶ LỆ THÍ SINH NHẬP HỌC TRƯỜNG KHÁC
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến thời điểm này, chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh thông báo trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là tuyển vượt quá chỉ tiêu theo quy định.
Theo phân tích kết quả tuyển sinh hàng năm, chỉ có các trường thuộc khối ngành Công an, Quân đội là đảm bảo số thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học 100%. Còn đa số, các trường khác sẽ có một tỷ lệ nhất định thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Cụ thể đã có trường thông báo số thí sinh trúng tuyển gấp 3-4 lần chỉ tiêu đã xác định, nhưng khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ đạt được 30% chỉ tiêu. Vì vậy, các trường sẽ thông báo dự phòng một lượng thí sinh nhất định do phải tính đến tỉ lệ thí sinh sẽ nhập học vào các trường khác.
Mặt khác, do dịch bệnh phức tạp nên nhiều trường xét tuyển bằng nhiều phương thức như: kết quả học tập trung học phổ thông, thi đánh giá năng lực..., nhưng không đạt được chỉ tiêu như đã xác định. Vì vậy, đã điều chỉnh chỉ tiêu sang xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Một số trường có thể thông báo số thí sinh trúng tuyển gấp 3-4 lần chỉ tiêu đã xác định, nhưng khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ đạt được 30% chỉ tiêu; nhiều ngành không có thí sinh hoặc rất ít thí sinh trúng tuyển, nhập học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, cho đến thời điểm này, số thí sinh chính thức nhập học nếu xét tất cả các phương thức tuyển sinh trên toàn hệ thống chưa tới 62% tổng chỉ tiêu.