Chứng khoán Hàn Quốc "rút phích", thị trường Nhật giảm mạnh nhất gần 40 năm, đồng yên tăng dữ dội
Giới đầu tư cổ phiếu khắp châu Á tháo chạy vì lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể đang rơi vào một cuộc suy thoái và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phạm một sai lầm lớn khi đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất...
Chứng khoán Nhật Bản đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) trong phiên giao dịch 5/8, nối tiếp xu hướng bán tháo vào tuần trước bằng cú giảm hơn 12% của hai chỉ số Nikkei 225 và Nasdaq. Sắc đỏ cũng phủ nhuộm tất cả các thị trường chứng khoán chủ chốt khác của khu vực châu Á trong ngày đầu tuần, trong khi đồng yên tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.
Lúc đóng cửa, Nikkei giảm 12,4%, còn 31.458,42 điểm. Đây là phiên giảm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ “ngày thứ Hai đen tối” hồi năm 1987. Xét về giá trị tuyệt đối, cú giảm 4.451,28 điểm của Nikkei trong phiên này là lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của chỉ số.
Topix mất 12,23% đóng cửa ở mức 2.227,15 điểm.
Với phiên giảm này, cả Nikkei 225 và Topix đều đã chìm vào thị trường đầu cơ giá xuống - trạng thái được xác định bởi mức giảm 20% kể từ đỉnh gần nhất là mức cao kỷ lục thiết lập vào hôm 11/7. Đến hiện tại, Nikkei đã để mất toàn bộ thành quả tăng giá từ đầu năm đến nay.
Giá cổ phiếu của những công ty thương mại lớn như Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Marubeni đồng loạt giảm trên 14%. Trong đó, Mitsui chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi” khoảng 20%.
Trước phiên giảm nay, Nikkei 225 và Topix giảm tương ứng 5% và 6% trong phiên ngày thứ Sáu.
Các thị trường lớn khác của khu vực châu Á đều ghi nhận mức giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8,1% trước khi giao dịch bị ngưng 20 phút do mức giảm quá lớn khiến cơ chế tự ngắt của sàn giao dịch được kích hoạt. Chỉ số Kosdaq của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm 11,71%.
Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia đóng cửa với mức giảm 3,7%; Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,2%; và Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục sụt hơn 1,4%.
Giới đầu tư cổ phiếu khắp châu Á tháo chạy vì lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể đang rơi vào một cuộc suy thoái và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phạm một sai lầm lớn khi đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất.
Do đã tăng giá mạnh gần đây, vàng - một “vịnh tránh bão” truyền thống - có những thời điểm bị nhà đầu tư bán mạnh để huy động tiền mặt bù lỗ cho danh mục cổ phiếu. Lúc hơn 14h chiều theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco giảm hơn 15 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York, tương đương giảm gần 0,7%, giao dịch ở mức 2.427,8 USD/oz.
Tại thị trường Mỹ, mối lo suy thoái đang khiến các chỉ số tương lai sụt sâu, báo trước một phiên giao dịch nhiều sóng gió vào đêm nay theo giờ Việt Nam. Dow Jones tương lai có lúc sụt khoảng 500 điểm, tương đương giảm 1,2%; S&P 500 tương lai giảm 2,6% và Nasdaq tương lai mất 4,8% điểm số.
Trái lại, hai đồng tiền yên Nhật và franc Thụy Sỹ đang là những “hầm trú ẩn” được ưa chuộng. Các nhà giao dịch tiếp tục rút mạnh khỏi vị thế bán khống yên Nhật do đặt cược rằng Fed sẽ phải giảm mạnh lãi suất, qua đó rút ngắn nhanh chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản.
Đồng USD có thời điểm giảm giá 2,2% so với yên Nhật, còn 143,1 yên đổi 1 USD. Đồng euro giảm 1,9% so với yên Nhật, còn 156,35 yên đổi 1 euro. So với đồng franc Thụy Sỹ, đồng USD có lúc giảm 0,9%, xuống mức thấp nhất 6 tháng với 0,8485 franc đổi 1 USD.
Triển vọng lãi suất Fed giảm nhanh, cộng thêm việc nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tụt mạnh, đang gây áp lực giảm lên đồng USD. Lúc hơn 14h chiều theo giờ Việt Nam, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 1,2%, giao dịch ở mức 103,22 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt xuống mức 3,723% thấp nhất kể từ giữa năm 2023. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm 17 điểm cơ bản, còn 0,785% do thị trường cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khó sớm tăng lãi suất thêm lần nữa trong năm nay.
Báo cáo việc làm tháng 7 gây lo ngại của Mỹ do Bộ Lao động nước này công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước đang đặt ra khả năng Fed phải giảm nhanh và mạnh lãi suất để cứu tăng trưởng kinh tế.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed giảm lãi suất trong 3 cuộc họp cuối cùng của năm nay, diễn ra vào các tháng 9, 11 và 12, đều đang ở mức 100%. Thậm chí, nhiều nhà phân tích dự báo Fed sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong các cuộc họp này, thay vì mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Theo dự báo, đến cuối năm 2025, lãi suất Fed sẽ hạ về mức 3%.
“Chúng tôi đã tăng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới thêm 10 điểm phần trăm lên 25%”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho biết, đồng thời dự báo Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9-11-12, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm.
“Cơ sở cho dự báo này của chúng tôi là tăng trưởng việc làm của Mỹ hồi phục trong tháng 8 và Fed sẽ cho rằng mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm là đủ để ứng phó với bất kỳ rủi ro suy thoái nào. Nếu chúng tôi sai và báo cáo việc làm tháng 8 tiếp tục cho thấy sự suy yếu, thì Fed có thể giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9”, báo cáo viết.
Ngân hàng JPMorgan Chase thậm chí còn bi quan hơn, dự báo khả năng kinh tế Mỹ suy thoái là 50%. “Fed bây giờ đã chậm thấy rõ trong việc giảm lãi suất. Chúng tôi dự báo Fed sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, tiếp đó là 0,5 điểm phần trăm nữa vào tháng 11”, nhà kinh tế Michael Feroli của JPMorgan Chase nhận định.
Dịch chuyển về kỳ vọng lãi suất đang gây áp lực mất giá lên đồng USD. Tuy nhiên, phó kinh tế trưởng Jonas Goltemann của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho rằng nếu thị trường ngày càng tin rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, đồng USD sẽ tăng mạnh trở lại nhờ nhu cầu phòng ngừa rủi ro.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang gia tăng đặt cược rằng các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ hành động theo Fed, giảm lãin suất nhanh và mạnh.