Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong lúc chờ đàm phán trần nợ, giá dầu đi lên
Nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước khi đón báo cáo lạm phát Mỹ và trong lúc chờ kết quả cuộc đàm phán trần nợ ở Nhà Trắng...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (9/5), khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước khi đón báo cáo lạm phát Mỹ và trong lúc chờ kết quả cuộc đàm phán trần nợ ở Nhà Trắng. Giá dầu thô giằng co và cuối cùng chốt phiên trong trạng thái tăng nhờ kỳ vọng vào việc Chính phủ Mỹ có kế hoạch mua dầu cho dự trữ chiến lược (SPR).
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 56,88 điểm, tương đương giảm 0,17%, còn 33.561,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,46%, còn 4.119,17 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,63%, còn 12.179,55 điểm.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ sẽ được Bộ Lao động nước này công bố vào ngày thứ 4. Nhà đầu tư chờ xem liệu lạm phát có tiếp tục dịu đi hay không - nhân tố có ảnh hưởng lớn đến các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, giới chuyên gia dự báo CPI tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Sau báo cáo CPI sẽ đến báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố vào ngày thứ Năm.
“Tôi cho rằng số liệu CPI sẽ nói với chúng ta một điều là con đường đi tới sự bình thường hoá sẽ không dễ dàng”, chuyên gia Adam Phillips của EP Wealth nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed đã đạt được những tiến bộ rõ rệt kể từ khi tốc độ tăng giá đạt mức cao nhất hơn 4 thập kỷ vào mùa hè năm ngoái, nhưng ông Phillips không cho rằng số liệu CPI sắp công bố sẽ có nhiều thay đổi tích cực. “Báo cáo đó sẽ không làm thay đổi nhận định của chúng tôi về Fed. Thị trường có thể phản ứng vì bây giờ, họ phản ứng với bất kỳ thứ gì liên quan tới lạm phát. Nhưng xét cho cùng, báo cáo này sẽ không thay đổi được các toan tính của Fed”, vị chuyên gia viết.
Cuộc đàm phán về trần nợ quốc gia của Mỹ làm gia tăng sự thận trọng trên thị trường. Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các nhà lãnh đạo khác của Quốc hội Mỹ đã có một cuộc gặp tại Nhà Trắng. Nếu các bên không đạt được một thoả thuận nâng trần nợ trước ngày 1/6, Chính phủ Mỹ có thể rơi vào cảnh vỡ nợ chưa từng có tiền lệ. Dù kết quả cuộc gặp chưa được công bố, những bình luận từ lãnh đạo của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều hàm ý rằng các bên chưa đạt được bước tiến này.
“Nhìn chung, ngày hôm nay là một ngày tương đối yên ả của thị trường, nhưng cả vấn đề trần nợ và lạm phát đã gây một chút lo lắng”, Giám đốc phụ trách giao dịch Randy Frederick của Schwab Center for Financial Research nhận định với hãng tin Reuters.
Một mối lo khác lơ lửng trong tâm trí nhà đầu tư là cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực Mỹ. Cổ phiếu Pacwest Bancorp có thêm một ngày biến động trước khi chốt phiên với mức tăng 2,35%.
“Bất kỳ sự giảm áp lực ngân hàng nào cũng tốt, nhưng còn quá sớm để nói rằng mọi thứ đã bình thường trở lại chỉ vì các ngân hàng bị bán tháo cổ phiếu vừa có một phiên hồi phục”, chiến lược gia trưởng Steve Sosnik của Interactive Brokers nhận định với Reuters.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 77,23 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,33 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,5%, chốt ở 73,49 USD/thùng.
Giá dầu đã có lúc giảm hơn 2,5% trong phiên giao dịch trước khi đảo chiều, khi thị trường đánh giá về kế hoạch của Chính phủ Mỹ cho việc làm đầy dự trữ SPR. Kỳ vọng vào sự gia tăng của nhu cầu tiêu thụ dầu trong mùa hè ở bán cầu Bắc cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu trong phiên này.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết chính quyền Tổng thống Biden có thể bắt đầu gom dầu cho dự trữ SPR trong năm nay. Năm ngoái, ông Biden ra lệnh xả dự trữ này nhiều chưa từng thấy nhằm kéo giá dầu xuống.
Một báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của nước này sẽ tăng trong mùa hè, trong khi sản lượng khai thác dầu giảm xuống. “Chúng tôi dự kiến nhu cầu dầu mùa vụ tăng lên và sản lượng dầu thô của OPEC giảm xuống sẽ gây áp lực tăng đối với giá dầu thô trong những tháng tới”, báo cáo có đoạn viết.
EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 5,1% trong năm nay so với năm ngoái, đạt bình quân 12,53 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nếu so với báo cáo trước, EIA đã hạ dự báo sản lượng dầu Mỹ cả năm nay và năm tới. Ngoài ra, cơ quan này cũng giảm hơn 7% dự báo giá dầu Brent và WTI bình quân của năm nay, còn tương ứng 78,65 USD/thùng và 73,62 USD/thùng.