Chứng khoán Mỹ giảm liền 3 phiên, giá dầu xuống đáy 5 tháng
Số liệu công bố ngày thứ Tư tiếp tục cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động-việc làm ở Mỹ, một căn cứ để nhà đầu tư lạc quan rằng Fed sắp giảm lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (6/12), đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp, khi nhà đầu tư thận trọng trước khi đón báo cáo việc làm tháng 11. Giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6 bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu của liên minh OPEC+, do lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 70,13 điểm, tương đương giảm 0,19%, còn 36.054,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,39%, còn 4.549,34 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,58%, còn 14.146,71 điểm.
Đây là phiên giảm thứ ba liên tục lần đầu tiên kể từ tháng 10 của cả Dow Jones và S&P 500, dù thị trường đã xanh vào đầu phiên.
Số liệu công bố ngày thứ Tư tiếp tục cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động-việc làm ở Mỹ, một căn cứ để nhà đầu tư lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, sớm nhất có thể vào tháng 3. Báo cáo tháng 11 của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy chi phí nhân công của các doanh nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống.
Ngoài ra, báo cáo của ADP cũng thấy năng suất lao động tăng - dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể tránh được một cuộc suy thoái kinh tế. Điều này đồng nghĩa với một cuộc “hạ cánh mềm”: lạm phát giảm, Fed sẽ giảm lãi suất dù kinh tế không suy thoái.
Thị trường đã tăng điểm sau khi các số liệu trên được công bố, có thời điểm Dow Jones đạt mức tăng 170 điểm. Tuy nhiên, các chỉ số đã giằng co giữa hai trạng thái giảm và tăng trong suốt thời gian của phiên và cuối cùng chốt phiên trong sắc đỏ.
“Báo cáo của ADP cho thấy nỗ lực chống lạm phát của Fed thực sự đang phát huy tác dụng. Các số liệu đang chỉ báo về một cuộc hạ cánh mềm, nhưng nhà đầu tư sẽ phải tính đến khả năng suy thoái nếu Fed còn giữ quan điểm cứng rắn quá mức”, chiến lược gia trưởng David Russell của nền tảng đầu tư trực tuyến TradeStation nhận định với hãng tin CNBC.
Tuy nhiên, báo cáo của ADP chỉ là một điểm dữ liệu trong một chuỗi báo cáo về thị trường lao động-việc làm dự kiến công bố trong tuần này. Vào hôm thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ đã công bố số liệu cho thấy số công việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế Mỹ trong tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu hàng tuần về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Tiếp đó, báo cáo quan trọng nhất - dữ liệu tổng thể của thị trường việc làm tháng 11 - sẽ được cơ quan này công bố vào ngày thứ Sáu.
“Số liệu công bố vào ngày thứ Sáu là những con số mà ai cũng đang chờ đợi”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.
Chứng khoán Mỹ đang chững lại sau đợt tăng mạnh vào tháng 11, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư có thể đang đặt câu hỏi liệu giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh, quá xa. Tuy nhiên, cả ba chỉ số đều đang trên đà hoàn tất một quý tăng và một năm tăng điểm.
Giá dầu thô WTI giao tháng 1/2024 tại thị trường New York giảm 2,94 USD/thùng, tương đương giảm 4,07%, chốt ở mức 69,38 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 2/2024 tại London giảm 2,9 USD/thùng, tương đương giảm 3,76%, còn 74,3 USD/thùng.
Đến phiên này, giá dầu đã giảm 5 phiên liên tiếp, dù mới cuối tháng 11 liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga, tức nhóm OPEC+, quyết định gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1/2024.
Do giá dầu giảm, giá xăng bán lẻ bình quân toàn quốc ở Mỹ đã giảm còn 3,22 USD/gallon vào ngày thứ Tư, mức thấp nhất kể từ đầu năm - theo dữ liệu từ AAA.
Áp lực giảm đối với giá dầu ở thời điểm này đến từ mối lo ngại về triển vọng kinh tế trong năm 2024, nhất là kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới. Ngoài ra, thị trường cho rằng nhiều nước thành viên OPEC+ có thể sẽ không tuân thủ đúng hạn ngạch sản lượng, dẫn tới việc kế hoạch giảm sản lượng chỉ mang tính hình thức chứ không có ý nghĩa thực chất.
Tuần này, cả Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman và Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đều trấn an thị trường rằng hai nước này có thể gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện, hoặc thậm chí giảm sản lượng sâu hơn nữa. Tuy nhiên, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil cho rằng những lời trấn an đó đang bị thị trường phớt lờ.