Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, giá dầu tăng phiên thứ tư liên tiếp
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ tư liên tiếp vào ngày thứ Sáu (23/7), kéo dài xu hướng tăng bấy lâu và đưa cả ba chỉ số đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử...
Chất xúc tác cho thị trường phiên này là các báo cáo lợi nhuận khả quan và dấu hiệu tích cực về đà phục hồi kinh tế.
Giá dầu cũng tăng liền 4 phiên và đã lấy lại toàn bộ mất mát trong phiên giảm 7% vào đầu tuần.
Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên chốt phiên ở mức 35.000 điểm khi nhà đầu tư, với tâm lý ham thích rủi ro tăng cao, gom mua cổ phiếu trên diện rộng.
“Chúng ta đã chứng kiến đà tăng mạnh tiếp diễn trong hai ngày qua. Xu thế giảm đã bị đảo ngược. Lúc đầu thị trường giảm, nhưng sau đó lại tăng lên đỉnh”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của Independent Advisor Alliance phát biểu.
Tuần này, Phố Wall chứng kiến sự giằng co rõ rệt giữa cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị, khi nhà đầu tư cân nhắc giữa một bên là số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Mỹ do biến chủng Delta vfa một bên là báo cáo tài chính rực rỡ của các công ty niêm yết và đà phục hồi được duy trì của nền kinh tế.
“Có sự kéo và đẩy, có một sự xung đột rõ ràng trên thị trường”, ông Zaccarelli nói thêm. “Có sự khác biệt mạnh mẽ giữa các ý kiến, quanh việc tương lai sẽ sáng hay sẽ có những đám mây đen phủ bóng chân trời”.
Tuần tới, mối quan tâm của các nhà đầu tư sẽ hướng về cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và loạt báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty lớn. Tuyên bố sau cuộc họp của Fed sẽ được nghiền ngẫm để tìm ra những dấu hiệu về khung thời gian của việc thắt lại chính sách tiền tệ, cho dù Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn nói rằng nền kinh tế vẫn đang cần sự hỗ trợ tối đa từ ngân hàng trung ương.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,68%, đạt 35.061,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,01%, đạt 4.411,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,04%, đạt 14.836,99 điểm.
Bất chấp phiên bán tháo vào đầu tuần, S&P 500 tăng 2% trong tuần này, trong khi Nasdaq tăng 2,8% và Dow Jones tăng 1%.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có nhóm năng lượng chốt phiên trong trạng thái giảm. Dịch vụ truyền thông là nhóm tăng mạnh nhất, với mức tăng 2,7%.
Đến phiên này, đã có 120 công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021. Trong đó, 88% đạt kết quả vượt dự báo của giới phân tích, theo dữ liệu từ Refinitiv.
“Chúng ta đang chứng kiến các công ty đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Chúng ta đang chứng kiến sự vững vàng của người tiêu dùng. Và đó là câu chuyện của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 tính đến thời điểm hiện tai”, ông Zaccarelli nhận định.
Giói phân tích hiện dự báo lợi nhuận quý 2 của các công ty trong S&P 500 tăng 78,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 54% đưa ra hồi đầu quý.
Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Intel giảm 5,3% sau khi công ty cho biết vẫn gặp trở ngại về nguồn cung và đưa ra dự báo doanh thu-lợi nhuận gây thất vọng.
Cổ phiếu Moderna tăng 7,8% sau khi Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn vaccine Covid-19 của hãng này để tiêm cho người từ 12-17 tuổi.
Cổ phiếu hãng thẻ American Express tăng 1,3% sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý 2 vượt kỳ vọng nhờ sự phục hồi của tiêu dùng trên toàn cầu.
Cổ phiếu hai mạng xã hội Twitter và Snap tăng tương ứng 3% và 23,8% nhờ kết quả kinh doanh khả quan.
Điều này báo hiệu tích cực cho Facebook khi mạng xã hội lớn nhất thế giới công bố kết quả kinh doanh quý 2 vào tuần tới. Cổ phiếu Facebook tăng 5,3% phiên này.
Loạt báo cáo được chờ đợi trong tuần tới sẽ đến từ Tesla, Apple, Alphabet, Microsoft và Amazon.
Toàn thị trường có 9,72 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trong phiên này, so với mức bình quân 10,14 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa với mức tăng 0,31 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, đạt 74,1 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,16 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, chốt ở 72,07 USD/thùng.
Vào hôm thứ Hai, giá cả hai loại dầu giảm khoảng 7% sau khi liên minh OPEC+ quyết định tăng sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8. Biến chủng Delta của Covid-19 lây lan nhanh trên toàn cầu cũng làm dấy lên nỗi lo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu có thể giảm tốc.
Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng hồi phục khi thị trường trở lại với niềm tin rằng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ giữ đà hồi phục, trong khi nguồn cung dầu vẫn sẽ thắt chặt. Sau 4 phiên phục hồi liên tiếp, giá dầu WTI đã trở lại mức xuất phát vào đầu tuần, còn giá dầu Brent tăng 0,4% cả tuần.