Chứng khoán Mỹ tăng ba phiên liên tiếp, đóng cửa ở mức kỷ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên ngày thứ Năm (23/12), khi nhà đầu tư tạm gác lại những mối lo về sự lây lan của biến chủng Omicron. Giá dầu thô cũng tiếp tục đi lên...
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 196,67 điểm, tương đương tăng 0,55%, đạt 35.950,56 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,62%, đạt 4.725,79 điểm – mức chốt phiên cao chưa từng thấy trong lịch sử và chỉ còn thấp hơn 0,4% so với kỷ lục nội phiên.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,85%, đạt 15.653,37 điểm.
Phiên tăng điểm này diễn ra trên diện rộng, cho dù khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp trước kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Cổ phiếu ngân hàng tăng ấn tượng, bên cạnh cổ phiếu công nghệ như Microsoft và Nvidia.
“Phần lớn sự tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này là hồi phục lại sau khi các nhà đầu tư đã sợ hãi quá đà trong tuần trước. Thị trường thở phào vì bán tháo cuối cùng đã dừng”, chiến lược gia Jim Paulsen của Leuthold Group nhận định. “Một khi thị trường tăng cao hơn, nhà dầu tư bắt đáy càng không muốn bỏ lỡ một đợt tăng dịp Giáng sinh, từ đó càng tạo ra xung lực đi lên”.
Kích thích tâm lý ham rủi ro trong phiên này còn có những báo cáo mới cho thấy biến chủng Omicron có nguy cơ gây nhập viện thấp hơn so với các biến chủng trước của Covid-19. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Liên bang Mỹ (FDA) đã phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đối với thuốc viên uống đặc trị Covid của hãng dược Pfizer. Tiếp đó, FDA cũng phê chuẩn thuốc đặc trị Covid của hãng Merck.
Tuần này, Dow Jones đã tăng 1,6%; S&P 500 tăng 2,3%; và Nasdaq tăng gần 2,3%. Thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ Giáng sinh trong phiên ngày thứ Sáu.
Những cổ phiếu gắn với mở cửa trở lại thuộc nhóm tăng mạnh nhất trong tuần này, như Carnival đã tăng gần 16%, Hilton Worldwide đã tăng 9,8%.
Số liệu kinh tế công bố ngày thứ Năm cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh, thể hiện qua thị trường lao động và tiêu dùng tăng trưởng tốt, nhưng lạm phát vẫn đang ở mức đáng ngại.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 18/12 là 205.000, ngang với dự báo. Số đơn đặt mua hàng hoá lâu bền trong tháng 11 tăng 2,5%, so với mức dự báo tăng 1,5%. Thu nhập và tiêu dùng cá nhân đều tăng trong tháng 11.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng tăng 0,6% trong tháng 11 so với tháng trước. PCE lõi tăng 4,7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,5% mà giới phân tích dự báo.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,56 USD/thùng, tương đương tăng 2,07%, chốt ở 76,85 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,03 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 73,79 USD/thùng, sau khi tăng 2,3% trong phiên trước.
“Đường đi của giá dầu đang phụ thuộc hoàn toàn vào tin tức về biến chủng Omicron, và chừng nào các nhà khoa học còn nói Omicron lây nhanh hơn nhưng ít nguy hiểm hơn, giá dầu còn tiếp tục tăng”, nhà phân tích Jeff Halley của Oanda phát biểu.
Đây là phiên tăng thứ ba liên tục của cả hai loại dầu. Tính từ đầu năm, giá dầu Brent đã tăng khoảng 46% và giá dầu WTI tăng 50%.
Trong một thông tin tích cực khác, AstraZeneca cho biết 3 mũi tiêm vaccine Covid-19 của hãng mang lại hiệu quả tích cực chống biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn thận trọng khi nhiều chính phủ tái áp các biện pháp hạn chế để kiểm soát tốc độ lây lan của bién chủng mới. Thành phố Tây An của Trung Quốc ngày 22/12 yêu cầu 13 triệu dân ở yên trong nhà; Scotland hạn chế tụ tập từ ngày 26/12 trong vòng 3 tuần; hai bang của Australia cũng tái áp quy định đeo khẩu trang bắt buộc.