Chứng khoán Mỹ tăng mạnh, giá dầu lao dốc
Tuần này, các chỉ số chứng khoán Mỹ nhận được cú huých từ những thông tin khả quan về lạm phát...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12/8), đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số S&P 500, khi nhà đầu tư phấn khởi với những tín hiệu cho thấy lạm phát có thể đã qua đỉnh. Giá dầu thô có một phiên sụt giảm vì mối lo suy thoái kinh tế.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 424,38 điểm, tương đương tăng 1,27%, đạt 33.761,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,73%, đạt 4.280,15 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,09%, đạt 13.047,19 điểm.
Cả tuần, S&P 500 tăng 3,26%, đạt chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ tháng 11/2021. Dow Jones tăng 2,92% trong tuần này, trong khi Nasdaq có thêm 3,08% điểm số. Đối với Nasdaq, đây cũng là tuần tăng thứ tư liên tiếp.
Tuần này, các chỉ số chứng khoán Mỹ nhận được cú huých từ những thông tin khả quan về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đi ngang so với tháng 1, chủ yếu nhờ giá xăng giảm. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) bất ngờ giảm. Dữ liệu công bố ngày thứ Sáu tiếp tục cho thấy giá hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ giảm nhiều hơn dự báo.
Xu thế tăng của thị trường trong phiên này nối dài đà phục hồi kể từ mức đáy thiết lập hồi giữa tháng 6. So với đáy đó, S&P 500 hiện tăng 16,7%, hồi lại một nửa phần điểm số đã mất kể từ đỉnh. Dow Jones tăng gần 13% và Nasdaq đã tăng 22,6%.
Loạt dữ liệu khả quan về lạm phát đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư, khiến họ bắt đầu tin rằng xu thế tăng gần đây của thị trường không chỉ là sự hồi phục thông thường trong thị trường giá đầu cơ giá xuống (bear market rally), mà có thể là khởi đầu của một đợt tăng bền vững hơn.
“Chúng tôi không cho rằng thị trường sẽ lập những đỉnh cao mới trong năm nay, nhưng chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường tiến lên đỉnh cũ khi lạm phát suy yếu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giãn tiến độ tăng lãi suất”, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Darda của MKM Partners nhận định.
Chiến lược gia Tim Ghriskey của Inverness Counsel cho rằng “chắc chắn nhà đầu tư đang cảm thấy tốt hơn, ít nhất là những người mua cổ phiếu ở gần đáy”.
“Tôi chưa công bố chiến thắng trước thị trường gấu này. Có thể vẫn còn một vài tin xấu đang chờ, nhưng khả năng cao là chúng ta đã thoát đáy rồi”, ông nói.
Một số nhà phân tích cho rằng nỗ lực của Fed nhằm kéo lạm phát xuống bằng cách tăng mạnh lãi suất mà không gây ra suy thoái kinh tế có vẻ bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng cũng cảnh báo rằng ngân hàng trung ương này vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Thị trường đã có những tin tốt về lạm phát trong tuần này. Đã có một thắng lợi trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng sứ mệnh vẫn chưa hoàn thành. Phía trước vẫn còn nhiều thách thức đang đợi”, Giám đốc phụ trách chiến lược và phân bổ tài sản của SLC Management, ông Dec Mullarkey, nhận định.
Theo ông Mullarkey, đến cuối năm nay, lạm phát ở Mỹ sẽ giảm về 7% hoặc thấp hơn, nhưng việc đưa lạm phát lõi về dưới 4% - con số cao gấp đôi mục tiêu của Fed - sẽ khó hơn nhiều so với những gì thị trường kỳ vọng.
Dù vậy, các nhà giao dịch vẫn đang đặt cược vào sự bớt cứng rẵn của Fed. Các hợp đồng lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 55,5% Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì mức 0,75 điểm phần trăm như cuộc họp tháng 7.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,45 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 98,15 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,25 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 92,09 USD/thùng.
Trước đó, giá cả hai loại dầu cùng tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Năm.
Giá dầu giảm do mối lo suy thoái kinh tế sẽ xảy ra và kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Dự báo về tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu trên Vịnh Mexico sẽ không kéo dài cũng gây áp lực giảm lên giá dầu trong phiên này.
Tuy nhiên, đồng USD giảm giá và kỳ vọng vào việc Fed giãn tiến độ tăng lãi suất đã giúp dầu thô có một tuần tăng giá. Dầu Brent tăng 3,5% và dầu WTI tăng 3,7% trong tuần.
Hôm thứ Năm, hãng Shell cho biết đã tạm ngừng sản xuất tại 3 giàn khoan dầu nước sâu trên Vịnh Mexico. Các giàn khoan này có công suất sản lượng 410.000 thùng/ngày. Ngày thứ Sáu, nhà chức trách nói rằng bộ phận bị hỏng hóc của giàn khoan đến cuối ngày sẽ được sửa xong.
Tuần này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022, nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lại tăng dự báo. Thị trường ít nhiều bị giằng co giữa những dự báo trái chiều này.
“Chúng ta đang chứng kiến sự giảm tốc kinh tế, nhưng hiện chưa rõ đó có phải là một sự giảm tốc mạnh như một số dự báo đưa ra gần đây hay không. Nhu cầu tiêu thụ dầu có thể giảm, nhưng nguồn cung vẫn là một mối lo”, chiến lược gia Ole Hansen của Saxo Bank nhận định.
Biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu Nga sẽ tiếp tục siết chặt trong thời gian tới, trong khi Mỹ và các nước phát triển khác sắp hoàn tất đợt phối hợp xả dự trữ dầu chiến lược. Điều này đồng nghĩa với nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu sẽ đối mặt nhiều áp lực giảm trong thời gian tới.