07:10 03/07/2021

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh, lập kỷ lục phiên thứ bảy liên tiếp nhờ số liệu việc làm khả quan

Bình Minh

Báo cáo thường kỳ từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 850.000 công việc mới trong tháng 6, một con số vượt dự báo trước đó của giới phân tích...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (2/7), với chỉ số S&P 500 lần thứ bảy liên tiếp lập đỉnh cao lịch sử, sau khi báo cáo việc làm cho thấy hoạt động tuyển dụng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhưng thị trường vẫn còn yếu để tin rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không sớm nâng lãi suất.

Theo tin từ Reuters, cả ba chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đồng loạt chốt phiên ở mức kỷ lục. Đây là chuỗi phiên kỷ lục dài nhất của chứng khoán Phố Wall kể từ tháng 6/1997, theo dữ liệu từ S&P Dow Jones Indices.

Báo cáo thường kỳ từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 850.000 công việc mới trong tháng 6, một con số vượt dự báo trước đó của giới phân tích. Tuy nhiên, tổng số việc làm trong khu vực phi nông nghiệp vẫn ít hơn 6,8 triệu công việc so với mức đỉnh hồi tháng 2/2020.

Giới phân tích đánh giá rằng số liệu này là một dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu lao động trong nền kinh tế Mỹ bắt đầu dịu đi, nhưng chưa đủ để dẫn tới việc Fed nâng lãi suất.

Cổ phiếu công nghệ giữ vai trò dẫn dắt thị trường trong phiên này, hưởng lợi từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về ngưỡng 1,43%.

“Đối với thị trường cổ phiếu vài trái phiếu, đây là một bản báo cáo ‘vàng’”, giám đốc đầu tư Darrell Cronk thuộc Wells Fargo Wealth & Investment Management nhận xét. “Có đủ số việc làm mới như mong muốn của nhà đầu tư, nhưng không nhiều đến mức khiến mọi người lo lắng, vì lượng công việc mới như vậy là chưa đủ để có thể buộc Fed hành động sớm hơn dự kiến”.

Thời gian qua, ở Phố Wall luôn tồn tại một nỗi sợ rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến và triển vọng lạm phát tăng vọt có thể buộc Fed phải gấp rút cắt giảm chương trình mua tài sản và bắt đầu nâng lãi suất trở lại. Khi nỗi sợ như vậy lơ lửng trong tâm trí của nhà đầu tư, cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng đặc biệt lớn, bởi tăng trưởng và dòng tiền tương lai của những cổ phiếu này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong trường hợp chính sách tiền tệ thắt lại.

Cổ phiếu Microsoft - với mức tăng 2,2% - đóng góp nhiều nhất vào sự đi lên của S&P 500 trong phiên này, tiếp theo là cổ phiếu Apple với mức tăng xấp xỉ 2%, Amazon tăng 2,3%, và Alphabet tăng 2,3%.

Trái với sự đi lên của cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu tài chính và cổ phiếu dịch vụ tiện ích cùng có một phiên giảm điểm.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,44%, đạt 34.786,35 điểm. S&P 500 tăng 0,75%, đạt 4.352,34 điểm. Nasdaq tăng 0,81%, đạt 14.639,33 điểm.

Tính cả tuần, S&P 500 tăng 1,7%; Dow Jones tăng 1%; và Nasdaq tăng 1,9%.

Khối lượng giao dịch phiên này giảm xuống mức thấp do nhiều nhà đầu tư đi nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4/7. Toàn thị trường có 7,95 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 10,81 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất. Phiên ngày thứ Hai tuần tới, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong vòng 1 năm trở lại đây - Nguồn: Trading View.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong vòng 1 năm trở lại đây - Nguồn: Trading View.

Những trở ngại đối với sự hồi phục của thị trường lao động Mỹ - bao gồm những khoản trợ cấp thất nghiệp khiến nhiều người không muốn đi tìm việc, hay những mối lo liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 – có thể sẽ suy yếu trong mùa thu năm nay. Khi đó, thị trường lao động sẽ tăng trưởng mạnh hơn, theo chiến lược gia David Joy của Ameriprise Financial.

“Nhưng ở thời điểm hiện tại, sự hồi phục trên thị trường lao động chưa mạnh mẽ đến mức đẩy cao khả năng Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ”, ông Joy nói.

Còn theo ông Bill Northey, Giám đốc đầu tư cấp cao thuộc US Bank Wealth Management, bản báo cáo việc làm là một bằng chứng cho thấy nền kinh tế tiếp tục phục hồi. “Một số khu vực bị thiệt hại nhiều nhất bởi Covid-19 trong nền kinh tế Mỹ, bao gồm bán lẻ, giải trí, khách sạn… đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ nhất”, ông nói.

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư giờ đây chuyển sang mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 và dự luật đầu tư hạ tầng của Tổng thống Joe Biden – một nhân tố có thể giúp chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng.

Tuần tới, thị trường sẽ đón biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed, để có cái nhìn sâu hơn về quan điểm của Fed đối với các vấn đề mà giới đầu tư đặc biệt quan tâm gồm lạm phát, cắt giảm chương trình mua trái phiếu và lãi suất, vào một thời điểm mà lập trường chính sách tiền tệ dễ dàng có vẻ như đã đến lúc cần thay đổi vì nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bùng nổ.

Cổ phiếu Tesla tăng 0,15% sau khi hãng xe điện lập kỷ lục về lượng xe đượng giao hàng trong quý 2. Giới đầu tư lo ngại rằng những thách thức như thiếu chip, thiếu vật tư… có thể ảnh hưởng đến lượng giao xe của Tesla trong thời gian tới.

Cổ phiếu công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic tăng 4,1% sau tuyên bố nói rằng tỷ phú Richard Branson sẽ bay vào rìa vũ trụ trong chuyến bay thử vào ngày 11/7, sớm hơn so với chuyến bay dự kiến của tỷ phú Jeff Bezos.

Cổ phiếu Didi giảm 5,3% sau khi cơ quan an ninh mạng Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra mới nhằm vào ứng dụng gọi xe này, với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia.