12:04 04/01/2020

Chứng khoán Mỹ trượt khỏi đỉnh vì tin xấu từ Trung Đông và ngành sản xuất

Bình Minh

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ trượt khỏi mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ trượt khỏi mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau một vụ không kích của Mỹ ở Iraq khiến căng thẳng ở Trung Đông leo thang mạnh. Ngoài ra, số liệu cho thấy sự sụt giảm mạnh hơn dự báo của ngành sản xuất Mỹ cũng làm dấy lên mối lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Theo hãng tin Reuters, phiên giảm ngày thứ Sáu khiến S&P 500, thước đo tham chiếu của chứng khoán Mỹ, đi xuống trong tuần này, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Bán cổ phiếu, giới đầu tư mua mạnh các tài sản an toàn như vàng, Yên Nhật, Franc Thụy Sỹ và trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhu cầu tìm kiếm các "vịnh tránh bão" tăng cao trong bối cảnh Iran thề trả đũa Mỹ về cái chết của đại tướng Qassem Soleimani, chỉ huy quân sự cấp cao nhất của nước này. Ông Soleimani thiệt mạng trong một vụ không kích nhằm vào thủ đô Baghdad của Iraq - vụ tấn công được thực hiện theo mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Một đòn nữa giáng vào tâm lý giới đầu tư chứng khoán Mỹ trong phiên này là số liệu từ Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ trong tháng 12 vừa qua suy giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ.

"Ngành sản xuất ngày càng yếu đi, mà căng thẳng địa chính trị lại tăng vọt", chiến lược gia Michael Antonelli thuộc Robert W. Baird nhấn mạnh. "Chưa kể, thị trường đã rơi vào tình trạng mua quá nhiều" trong đợt tăng liên tiếp vừa qua.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc chỉ số S&P 500 sụt 1,6% do giá lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh khiến lợi suất giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/12.

Cổ phiếu của các hãng hàng không cũng sụt giảm do giá dầu tăng khoảng 3%. Cổ phiếu American Airlines lao dốc 5% và cổ phiếu United Airlines sụt 2,1%.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, duy chỉ có nhóm bất động sản và dịch vụ tiện ích - vốn được xem là cổ phiếu phòng thủ - chốt phiên trong trạng thái tăng.

Trái lại, cổ phiếu của các công ty quốc phòng tăng mạnh. Cổ phiếu Northrop Gruman nhảy 5,4% và cổ phiếu Lockheed Martin tăng 3,6%, giữ vai trò lớn nhất trong việc hỗ trợ S&P 500.

Tuy nhiên, biến động này của thị trường có thể không kéo dài lâu, theo Giám đốc đầu tư Wayne Wicker thuộc Vantagepoint Investment Advisers. "Chúng ta đã chứng kiến nhiều dạng xung đột như thế này trong 20 nưm qua, và ảnh hưởng đối với thị trường chỉ là ngắn hạn", ông nói.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,81%, còn 28.634,88 điểm. S&P 500 trượt 0,71%, còn 3.234,85 điểm. Nasdaq sụt 0,79%, còn 9.020,77 điểm.

Tính cả tuần, Dow Jones giảm 0,04%; S&P 500 mất 0,17%; và Nasdaq tăng 0,16%.

Trong số các cổ phiếu tăng giá, cổ phiếu Tesla đạt mức cao nhất mọi thời đại nhờ mức tăng 3% sau khi hãng sản xuất xe điện Mỹ công bố con số giao hàng quý 4 vượt dự báo.

Trên sàn NYSEE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,14 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,71 lần.

Có tổng cộng 7,47 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 6,87 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.