08:59 30/11/2019

Chứng khoán Mỹ trượt khỏi mức kỷ lục do lo ngại bất đồng Mỹ-Trung

Bình Minh

Tuy vậy, cả ba chỉ số cùng chốt tháng 11 với mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông khiến nhà đầu tư lo ngại về cuộc đàm phán thương mại song phương. Ngoài ra, cổ phiếu các công ty bán lẻ cũng đi xuống do lễ hội mua sắm Thứ Sáu đen (Black Friday) có vẻ không thu hút được lượng khách lớn như mọi năm.

Hôm thứ Năm, Trung Quốc cảnh bao sẽ có biện pháp đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn dự luật ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.

Tiếp đó, vào ngày thứ Sáu, hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng Chính phủ Mỹ có thể triển khai thêm các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động cung cấp các sản phẩm của nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ cho công ty Trung Quốc Huawei. Nguyên nhân dẫn tới cân nhắc này của Washington là do việc Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen" thương mại bị cho là chưa đủ để siết chặt nguồn cung công nghệ và linh kiện cho Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất và nhà sản xuất smartphone lớn thứ nhì thế giới, nguồn tin cho hay.

Theo Reuters, S&P 500 đóng cửa ở mức cao hơn đáy của phiên, nhưng lực bán tăng mạnh trong giờ giao dịch cuối sau khi có thông tin về vấn đề Huawei.

Trước đó, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều lập kỷ lục trong tuần này nhờ kỳ vọng của giới đầu tư về việc Mỹ-Trung có thể sớm ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Chỉ số Philadelphia Semiconductor Index, thước đo giá cổ phiếu con chip, một nhóm có độ nhạy cảm cao với tin thương chiến, sụt 1,1%.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, trong tháng 11, S&P 500 tăng 3,4%, Dow Jones tăng 3,7%, và Nasdaq tăng 4,5%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ tháng 6.

Thông tin về Mỹ-Trung "tác động tiêu cực một chút" đến thị trường trong phiên ngày thứ Sáu, theo nhà quản lý danh mục Jack Janasiewicz thuộc Natixis Investment Managers.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,4%, còn 28.051,41 điểm. S&P 500 giảm 0,4%, còn 3.140,98 điểm. Nasdaq giảm 0,46%, còn 8.665,47 điểm.

Nhiều nhà giao dịch tiếp tục nghỉ phiên ngày thứ Sáu, sau khi thị trường đóng cửa phiên ngày thứ Năm để nghỉ lễ Tạ ơn. Ông Janasiewicz nói rằng giới giao dịch cũng đang chờ thêm các số liệu kinh tế Mỹ để ra quyết định mua hay bán, đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 11 dự kiến công bố vào tuần tới. Ngoài ra, thị trường cũng chờ các thông tin ban đầu về mùa mua sắm cuối năm để xác định "sức khỏe" của người tiêu dùng Mỹ - lực lượng đang đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Sẽ có nhiều thông tin kinh tế được công bố vào tuần tới, từ đó thị trường sẽ biết nền kinh tế đang ở vào giai đoạn nào của chu kỳ. Bên cạnh đó, mọi người cũng muốn biết doanh thu bán lẻ của ngày hôm nay thế nào", nhà quản lý danh mục phát biểu.

Tại các cửa hiệu bán lẻ trên khắp nước Mỹ, lượng khách tới mua sắm trong ngày Thứ Sáu đen, lễ hội giảm giá lớn nhất năm, có vẻ giảm so với mọi năm. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một tín hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn thay vì tới các trung tâm thương mại.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ thuộc S&P 500 giảm 0,8%, trong đó cổ phiếu Kohl's giảm 2,7% và Gap giảm 1,8%. Cổ phiếu Walmart tăng 0,3%, trong khi cổ biếu Costco giảm 0,3%.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,86 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,35 lần.

Khối lương giao dịch phiên này giảm xuống thấp, chỉ có tổng cộng 3,55 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 6,86 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.