Chứng khoán sáng 3/8: “Lũ quét” mang tên TPP
Nhà đầu tư lo sợ cắt lỗ rất mạnh tay trên toàn thị trường, không chỉ với các cổ phiếu liên quan đến TPP
Bao nhiêu sự nóng ruột trong hai ngày nghỉ đã phản ánh ra thị trường sáng nay. Nhà đầu tư lo sợ cắt lỗ rất mạnh tay trên toàn thị trường, không chỉ với các cổ phiếu liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
VN-Index chốt phiên sáng sụp đổ 1,84% với 187 mã giảm/31 mã tăng. VN30 giảm 1,67% với 27 mã giảm/2 mã tăng. HNX-Index giảm 2,39% với 142 mã giảm/39 mã tăng. HNX30 giảm 2,46% với 26 mã giảm/1 mã tăng.
Mức giảm quá lớn ở điểm số lẫn độ rộng thu hẹp nói trên chắc chắn phản ánh một sự thật, là nhà đầu tư đang bán ra với cường độ lớn. Thanh khoản tăng vọt lên 1.779,8 tỷ đồng giá trị khớp lệnh ở cả hai sàn, mức cao nhất trong vòng 5 phiên.
Bình thường thanh khoản tăng là dấu hiệu tích cực nhưng với độ rộng quá hẹp và mức giảm lớn, người bán đang cố gấng thoát ra rất quyết liệt. Rổ VN30 có tới 18 cổ phiếu đang giảm trên 2%, trong đó hai mã giảm sàn là BVH và HVG. Rổ HNX30 cũng có 18 cổ phiếu giảm trên 2%.
Các cổ phiếu blue-chips dĩ nhiên là nguyên nhân đẩy điểm số rơi sâu như vậy. Nhưng điều bất ngờ là sức ép giảm đã diễn ra trên toàn thị trường. Nếu như nói vòng đàm phán TPP thất bại là nguyên nhân thì ảnh hưởng trực tiếp chỉ diễn ra với các mã được kỳ vọng hưởng lợi nếu đàm phán thành công. Sáng nay thị trường giảm chung với mức độ rất lớn, bất kể nhóm ngành hay loại cổ phiếu nào.
Đương nhiên các mã liên quan đến TPP rơi thảm: TCM, TNG, HVG, KMR… đều đang giảm sàn và mất thanh khoản. Điều đáng ngại là những cổ phiếu này vừa qua được đẩy giá lên với kỳ vọng rất cao, không loại trừ khả năng margin quy mô lớn. Do đó cú sốc TPP là một dạng rủi ro bất ngờ không lường trước được.
Tất cả các cổ phiếu quan trọng của các nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm đều rơi mạnh hôm nay. Diễn biến tăng lẻ loi ở một vài cổ phiếu như CII, MSN là quá nhỏ để có thể thay đổi tình thế.
Hai sàn có 70 cổ phiếu đang tăng giá. Tuy nhiên phần lớn trong số này giao dịch từ 10-100 cổ phiếu và thanh khoản thuộc loại không đảm bảo. Chỉ vài mã có sức cầu thực sự tốt để giữ giá tăng là ASM, NBB, CII, MHC, LSS, SHI, SPI, FIT. Số lượng này cũng quá nhỏ để có thể nói rằng nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ đang đi ngược thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào khá tốt. Sàn HSX được giải ngân 101,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với trung bình tuần trước. Có 8 cổ phiếu được khối ngoại mua trên 5 tỷ đồng, dù chưa biết bán ra bao nhiêu. Những cổ phiếu dẫn đầu là VCB (10,2 tỷ), VIC (8,7 tỷ), HPG (7,2 tỷ).
Áp lực rơi xuất hiện từ rất sớm đầu phiên và hoạt động bắt đáy cũng mạnh mẽ không kém. Những giao dịch sôi động kéo dài tới khoảng 10h và sau đó là khoảng thời giam “lịm” dần với tốc độ khớp lệnh rất chậm. Áp lực bán vẫn xuất hiện nhiều bất chấp cầu bắt đáy lớn. Điều này đã làm nhụt nhuệ khí của những người bắt đáy, nhất là tại các “cổ phiếu TPP” như TCM, HVG.
Từ khoảng 11h trở đi, nhịp giao dịch chậm chạp chuyển thành một đợt rơi thay đổi hẳn trạng thái. VN-Index cắm đầu giảm cực nhanh với mức sâu nhất xuống tận 605,63 điểm, tương đương mất 2,48% so với tham chiếu.
Mặc dù có một chút phục hồi những phút khớp lệnh cuối, VN-Index chốt phiên sáng cũng chỉ còn 609,63 điểm, tức là đã gãy xu thế tăng kéo dài suốt từ giữa tháng 5 vừa qua. Thậm chí chỉ số này cũng xuống dưới cả mức hỗ trợ ngắn hạn cách đây 8 phiên ở quanh mức 615 điểm.