13:33 13/02/2025

Chứng khoán tháng 2: Cần các nhịp điều chỉnh tái tích lũy trong ngắn hạn

Thu Minh

Mặc dù định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn sau khi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong Q4/2024, các nhịp điều chỉnh và tái tích lũy trong ngắn hạn dường như là cần thiết để thiết lập các mức cân bằng mới trước khi có những bước tiến bền vững, cho thấy khả năng hình thành ngưỡng hỗ trợ tại 1.240-1.250 điểm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 2, Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì đà tăng hướng tới các vùng đỉnh gần nhất là 1.280-1.300 điểm, được thúc đẩy bởi xung lực đến từ nhóm Ngân hàng trong bối cảnh tâm lý giao dịch được củng cố sau ba tuần tăng điểm liên tiếp và ngưỡng hỗ trợ được thiết lập tại 1.220 điểm.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng, cùng với các động lực tăng trưởng hạn chế ở các ngành khác và các tín hiệu đáng lo ngại từ cổ phiếu FPT trong bối cảnh làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ Mỹ, cho thấy những rủi ro cần phải tiếp tục theo dõi.

Mặc dù định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn sau khi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong Q4/2024, các nhịp điều chỉnh và tái tích lũy trong ngắn hạn dường như là cần thiết để thiết lập các mức cân bằng mới trước khi có những bước tiến bền vững, cho thấy khả năng hình thành ngưỡng hỗ trợ tại 1.240-1.250 điểm.

Động lực tăng trưởng của thị trường còn đến từ Chính phủ hiện đang trình Quốc hội xem xét các đề xuất, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8% và lạm phát CPI trung bình 4,5-5% cho năm 2025.

Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này và tiến tới vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao trong giai đoạn 2026-2030, các biện pháp thúc đẩy tổng cung được đề xuất bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư công, thu hút FDI công nghệ cao và sản xuất, và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân.

Với mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, việc cải thiện năng suất lao động thông qua áp dụng khoa học công nghệ và phát triển nhân lực công nghệ cao đều khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững trong thời gian ngắn trong khi thúc đẩy tổng cung thông qua gia tăng đầu tư sản xuất cần sự thích nghi nhất định đến từ thị trường nội địa vốn có thể tiếp tục tạo ra sự phân hóa về các nhóm thu nhập khác nhau, cũng như đồng thời cân bằng với mức tổng cầu đến từ thị trường quốc tế.  Đặc biệt trong bối cảnh các đối tác thương mại chủ chốt với Việt Nam (ngoại trừ Mỹ) như Châu Âu và Trung Quốc đều ghi nhận hoạt động sản xuất và tiêu dùng nội địa tương đối yếu.

Diễn biến tỷ giá cần được theo dõi chặt chẽ trong nửa đầu năm 2025, do lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed đối mặt với những trở ngại từ áp lực lạm phát của Thương Chiến, đặc biệt trong bối cảnh CPI cơ bản của Mỹ ổn định ở mức 3,2-3,3% so với cùng kỳ năm trước do áp lực dai dẳng từ lĩnh vực dịch vụ.

Trong khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, chi tiêu hộ gia đình mạnh mẽ, việc làm ổn định và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp bền vững cho thấy các yếu tố bất định vẫn đang tiếp diễn, tạo tiền đề cho một giai đoạn thận trọng của Fed thông qua sự phụ thuộc vào dữ liệu và giảm tính hiệu quả của công cụ “định hướng kỳ vọng”.

Ngày 1/2 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã khởi đầu Thương Chiến thông qua ba sắc lệnh hành pháp, áp thuế nhập khẩu 25% lên hàng hóa Mexico và Canada, đồng thời áp thêm thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá 525 tỷ USD). Sau đó, ông đã tạm hoãn thuế quan đối với Canada và Mexico trong 30 ngày sau khi hai quốc gia này cam kết tăng cường an ninh biên giới.

Trong khi đó, Trung Quốc đã lựa chọn biện pháp ngoại giao bằng việc đưa tranh chấp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết, đồng thời áp thuế 15% đối với than đá và khí tự nhiên hóa lỏng, cùng với áp thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và ô tô động cơ lớn nhập khẩu từ Mỹ (trị giá 14 tỷ USD).

Cho đến nay, mức thuế hiện tại vẫn còn thấp hơn đáng kể so với những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, khi ông từng đe dọa sẽ áp
thuế lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Việt Nam duy trì thâm hụt thương mại tương đối lớn với Mỹ trong những năm gần đây, thâm hụt lớn thứ tư với Mỹ lên tới 123 tỷ USD vào
năm 2024 và liên tục có xu hướng tăng, nhưng giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột dường như có tác động khá hạn chế đến Việt Nam.

Điều này một phần là do Mỹ đang tập trung sự chú ý vào các đối tác thương mại lân cận (Mexico, Canada và EU) cùng với đối thủ truyền thống là Trung Quốc. Mặt khác, cán cân thương mại Mỹ - Việt phản ánh một thực tế sâu xa hơn về chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi thâm hụt thương mại hiện tại chủ yếu bắt nguồn từ xuất khẩu linh kiện điện tử, dệt may và giày dép từ khu vực FDI - các doanh nghiệp đang tận dụng lợi thế chi phí lao động cạnh tranh và chính sách đầu tư nước ngoài thuận lợi của Việt Nam, đồng thời thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1".

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn từ việc thực thi các quy tắc xuất xứ “rules-of-origin” đối với hàng hóa chuyển tải.

Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng tác động thực tế của cuộc Chiến tranh Thương mại này sẽ vượt ra ngoài phạm vi thương mại quốc tế, vì tất cả các bên đều sẽ chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Đối với Mỹ, Economist Intelligence Unit ước tính việc tăng thuế 20 điểm phần trăm đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể làm giảm GDP của Trung Quốc khoảng 0,6 điểm phần trăm từ năm 2025 đến 2027, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ chi nhánh Boston ước tính rằng việc kết hợp thuế quan đối với Canada, Mexico và Trung Quốc có thể dẫn đến lạm phát PCE cơ bản tăng 0,8 điểm phần trăm.

Do đó, một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát đối với hoạt động tiêu dùng nội địa của Mỹ, làm chậm lộ trình giảm lãi suất của Fed, qua đó tác động gián tiếp đến tỷ giá và môi trường lãi suất của Việt Nam.