07:20 18/06/2008

Chứng khoán thế giới: Đón tin xấu, thị trường đi xuống

Duy Cường

Ngày 17/6, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm do quá nhiều tin xấu được công bố trong khi giá dầu cũng đã hạ nhiệt

Trước quá nhiều thông tin bất ngờ, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm điểm.
Trước quá nhiều thông tin bất ngờ, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm điểm.
Ngày 17/6, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm do quá nhiều tin xấu được công bố trong khi giá dầu cũng đã hạ nhiệt.

Chứng khoán Mỹ: Đón tin xấu, thị trường đi xuống

Giá dầu thô giao tháng Bảy tại NYMEX trong phiên giao dịch hôm thứ Ba đã giảm 77 cent/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 133,84 USD/thùng.

Hôm thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ đã công bố chỉ số giá sản xuất hay chỉ số giá bán của người sản xuất (PPI) của nước này trong tháng Năm tăng 1,4% so với tháng Tư và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng của PPI trong tháng Năm cao hơn 1% so với dự báo được giới phân tích đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, nếu loại trừ các mặt hàng có nhiều biến động như lương thực - thực phẩm và năng lượng thì chỉ số PPI cơ bản (lõi) tăng 0,2%. Như vậy, PPI của Mỹ tăng mạnh trong tháng Năm chủ yếu do giá lương thực - thực phẩm và năng lượng tăng cao.

Trong khi đó, trước giờ giao dịch, số liệu của Hiệp hội Quốc gia các nhà bất động sản Mỹ được công bố cho thấy, số nhà mới được khởi công đã giảm 3,3% và số đơn xin cấp phép xây nhà mới đã giảm 1,3% trong tháng Năm.

Thông tin quan trọng khác, giá trị sản xuất công nghiệp của nước này trong tháng Năm đã giảm 0,2% trong khi mức dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó là -0,1%.

Cùng ngày, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã công bố kết quả kinh doanh trong quý 2/2008. Theo đó, doanh thu của hãng đạt 9,42 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận ròng đạt 2,09 tỷ USD, tương đương 4,58 USD/cổ phiếu, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn mức thu nhập 3,42 USD/cổ phiếu mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Như vậy, dù kết lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng trong bối cảnh hiện nay, mức lợi nhuận mà ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ đạt được là kết quả rất thành công, đặc biệt là khi so sánh với khoản lỗ 2,8 tỷ USD mà Lehman Brothers vừa công bố trước đó một ngày.

Liên quan đến khối ngân hàng, hãng Goldman Sachs vừa đưa ra dự báo, các ngân hàng Mỹ sẽ phải tăng vốn thêm 65 tỷ USD và hệ lụy của cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn tiếp tục bám đuổi các ngân hàng.

Thông tin này đã khiến các ngân hàng như Morgan Stanley, Bank of America đều có mức giảm 4% giá trị.

Trước quá nhiều thông tin bất lợi trên, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm điểm, dù trước đó thị trường vẫn trong sắc xanh.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 108,78 điểm, tương đương -0,89%, đóng cửa ở mức 12.160,30.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 17,05 điểm, tương ứng -0,69%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.457,73.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 9,21 điểm, tương đương -0,68%, đóng cửa ở mức 1.350,93.

Chứng khoán châu Âu: Ngày giao dịch thành công

Thông tin từ Cơ quan thống kê Anh cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng Năm đã tăng 0,6% so với tháng Tư và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1% so với dự báo được đưa ra trước đó.

Trước bối cảnh lạm phát tăng trên 3%, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh đã phải gửi thư lên Chính phủ nước này để giải trình điều mà BoE sẽ phải làm để đưa lạm phát về mục tiêu đã đề ra, 2% và rất có thể sẽ là nâng lãi suất cơ bản.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu phiên giao dịch này đã tăng điểm trở lại. Sự khởi sắc của cổ phiếu khối khai mỏ, sản xuất ôtô và ngân hàng đã giúp thị trường có ngày giao dịch thành công.

Tiêu biểu cho những cổ phiếu có mức tăng giá mạnh trong phiên này gồm: cổ phiếu của Rio Tinto tăng 3,8%, cổ phiếu của Daimler tăng 3,6%, các cổ phiếu khối ngân hàng như Societe Generale, Ngân hàng Hoàng Gia Scotland, Barclays có mức tăng lần lượt là 3,5%, 3,4% và 3,3%.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên này tăng 67,73 điểm, tương đương 1,16%, đóng cửa ở mức 5.861,90, khối lượng giao dịch đạt 2,19 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này tăng 0,98%, khối lượng giao dịch đạt 4,30 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,61%, khối lượng giao dịch đạt 166 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Trung Quốc nản lòng với cổ phiếu mới

Sau khi đồng loạt tăng điểm phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán châu Á có ngày giao dịch kém sôi động khi biên độ giao động không nhiều chuyển biến, sắc đỏ hiện diện ở gần hết các thị trường và khối lượng giao dịch thấp hơn mức bình quân hàng ngày.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Ba gần như không có biến chuyển sau khi đã tăng mạnh vào phiên giao dịch đầu tuần.

Mặc dù đồng Yên lên giá 0,3% so với USD khiến cổ phiếu của nhiều nhà xuất khẩu lớn như Toyota, Canon, Honda giảm nhưng nhân tố níu kéo thị trường không giảm sâu chính là sự khởi sắc của khối ngân hàng.

Hơn nữa, giới đầu tư hiện vẫn đang chờ đợi số liệu về chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào ngày 17/5.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 6 điểm, tương đương -0,04%, đóng cửa ở mức 14.348,37.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông phiên giao dịch này tiếp tục tăng điểm nhờ vào sự khởi sắc của cổ phiếu các công ty dầu khí bất chấp mức sụt giảm mạnh của chứng khoán Đại lục.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,39%. Chỉ số Straits Times của Singapore phiên này giảm 0,29%. Chỉ số KOSPI Composite của Hàn Quốc giảm 0,57%.

Thông tin từ Trung Quốc cho hay, các công ty nước này và Mỹ đã ký 35 hợp đồng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ôtô cho đến viễn thông… với tổng giá trị của các hợp đồng và thỏa thuận đầu tư lên tới hơn 8,3 tỷ USD.

Trong đó, bốn nhà xuất khẩu đậu tương ở Mỹ ký hợp đồng xuất khẩu mặt hàng nông sản này sang Trung Quốc với giá trị hợp đồng lên đến 4,5 tỷ USD. Hãng General Motors đã ký kết xuất khẩu ôtô, linh kiện, máy móc… có giá trị một tỷ USD. Hãng Ford cũng ký một hợp đồng trị giá 800 triệu USD.

Ngoài ra, các hãng Motorola, IBM, Oracle, Sun Microsystems và Cisco Communications cũng đều ký hợp đồng với China Mobile Communications Corp…

Chứng khoán Trung Quốc phiên giao dịch này đã giảm gần 3% sau khi tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần. Điểm khác biệt của phiên này chính là khối lượng giao dịch giảm mạnh do giới đầu tư lo ngại về tình hình lạm phát và khả năng hấp thụ lượng cung với khối lượng lớn chứng khoán làm nản lòng nhà đầu tư.

Sany Heavy Industry, một công ty được sở hữu bởi Nhà nước vừa đưa một khối lượng lớn cổ phiếu vào giao dịch, ngoài ra từ giờ đến cuối năm sẽ có thêm 152 công ty sẽ đưa cổ phiếu vào lưu thông và nhiều công ty khác niêm yết bổ sung cổ phiếu.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,76%, đóng cửa ở mức 2.794,75. 
   
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.269,08 12.160,30  -108,78 -0,89
Nasdaq 2.474,78 2.457,73  -17,05 -0,69
S&P 500 1.360,14 1.350,93  -9,21  -0,68
Anh FTSE 100 5.794,60 5.861,90  +67,30 +1,16
Đức DAX 6.729,88 6.796,16  +66,28 +0,98
Pháp CAC 40 4.657,74 4.686,33 +28,59 +0,61
Đài Loan Taiwan Weighted 8.169,77 8.201,79 +32,02 +0,39
Nhật Nikkei 225 14.354,37 14.348,37 -6,00  -0,04
Hồng Kông Hang Seng 23.029,69 23.057,99 +28,30 +0,12
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.760,82 1.750,71 -10,11 -0,57
Singapore Straits Times 3.036,92 3.028,24 -8,68 -0,29
Trung Quốc Shanghai Composite 2.874,10 2.794,75 -79,35 -2,76
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg