09:43 17/01/2008

Chứng khoán thế giới: Những tín hiệu vui

Sơn Phúc

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch hôm qua (16/1) với những điểm sáng của cổ phiếu tài chính

Thị trường châu Á cũng có những tín hiệu vui từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc - Ảnh: AP.
Thị trường châu Á cũng có những tín hiệu vui từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc - Ảnh: AP.
Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch hôm qua (16/1) với những điểm sáng của cổ phiếu tài chính.

Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ và năng lượng vẫn tiếp tục kéo thị trường đi xuống.

Các cổ phiếu công nghệ và năng lượng cùng nhau đẩy Standard & Poor 500 xuống đáy sâu nhất trong 14 tháng qua vì tập đoàn Intel công bố doanh thu bán hàng tồi tệ hơn dự kiến và giá dầu giảm.

S&P 500 mất 7,75 điểm (0,6%) chỉ còn 1.373,2 điểm nâng tổng tổn thất trong năm nay lên 6,5% , đồng thời đánh dấu 11 phiên giao dịch đầu năm mới tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Dow Jones giảm 34,95 điểm (0,3%) xuống 12.466,16 điểm. Nasdaq Composite cũng trượt 23 điểm (1%), đứng ở mức 2.394,59 điểm.

Công nghệ và năng lượng là hai nhóm cổ phiếu từng hỗ trợ thị trường trong năm ngoái, lại bất ngờ giảm mạnh, đóng góp 80% vai trò đẩy S&P 500 lao dốc.

Cổ phiếu công nghệ đã lùi 17% tính từ đỉnh cao đạt được ngày 31/10 và gần chạm vào thị trường dạng gấu với mức suy giảm 20%. Cổ phiếu họ công nghệ cũng mất 10% kể từ đỉnh cao ngày 26/10/2008.

Intel chịu tổn thất lớn nhất tính từ năm 2002, mất 2,81 USD (12%) xuống mức 19,88 USD. Sau khi đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Ba, ông chủ sản xuất con chip lớn nhất thế giới này cho biết, doanh thu trong quý I của Intel dự kiến sẽ tăng nhẹ với con số 9,4 tỷ USD, thấp hơn mức ước tính của Bloomberg là 10,1 tỷ USD.

Hôm qua, tại sàn giao dịch New York, giá dầu giảm 1,06 USD sau khi Bộ Năng lượng cho biết nguồn cung dầu cao hơn mong đợi. Exxon, công ty dầu lửa lớn nhất nước Mỹ giảm 2,49 USD chỉ còn 86,53 USD. Chevron Corp., công ty lớn thứ hai mất 2,02 USD chỉ còn 86,25 USD.

Trái ngược với các cổ phiếu năng lượng và công nghệ, nhóm tài chính trong S&P 500, vốn hoạt động tồi tệ nhất trong năm ngoái lại leo thang 1,3% trong phiên giao dịch hôm qua, bước tiến ngoạn mục nhất trong 10 ngành. Các nhà phân tích của Bear Stearns & Co. nâng cấp cổ phiếu của ngành này lên mức “có sức nặng thị trường” và cho biết mức giá hiện tại là rất hợp lý.

JPMorgan, hôm qua đã vượt qua Citigroup Inc. để trở thành ngân hàng lớn thứ hai nước Mỹ tính theo giá trị vốn hóa thị trường, tăng được 2,26 USD (5,8%) lên mức 41,43 USD. Doanh thu trong quý IV của tập đoàn này đã tăng 7%, lên mức 17,4 tỷ USD, đánh bại mức dự đoánh của các nhà phân tích.

Bank of America Corp., ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo giá trị thị trường, thêm 81 cents lên mức 38,69 USD. Citigroup, cùng với mức thua lỗ được công bố hôm qua đã giảm mất 70 cents, chỉ còn 26,24 USD.

Russell 2000, hàn thử biểu của các công ty tầm trung với giá trị thị trường 529 triệu USD thêm 0,4% đứng ở mức 699,91 điểm. Dow Jones Wilshire 5000, ông chủ rộng nhất của các cổ phiếu Mỹ giảm 0,5% chỉ còn 13.772,97 điểm. Giá trị các cổ phiếu giảm 86,1 tỷ USD.

Thị trường châu Á cũng có những tín hiệu vui từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã thêm 0,8%, lên mức 146,07 điểm. Nikkei 225 của Nhật thêm 1.1% đạt 13.656,48 điểm, phục hồi từ mức đóng cửa tồi tệ nhất tính từ 10/2005. Topix của thị trường này cũng thêm được 0,7%, chỉ số này đang ở mức 16 lần doanh thu so với mức 29 lần duy trì trong 4 năm qua.

Toyota, ông chủ sản xuất xe ô tô lớn nhất nước Nhật thêm 1,5% lên mức 5.390 yen. Sony Corp., thương hiệu nổi tiếng của trò chơi PlayStation, tăng 2,4% đạt 5.640 Yên. Cả hai công ty này đều dựa vào thị trường Bắc Mỹ.

Lần đầu tiên trong sáu ngày, chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm trở lại. Trong năm nay Kospi đã trượt 10%, mức thua lỗ lớn nhất trong các hàn thử biểu châu Á. Chỉ số này đóng cửa ở mức 1.704,97 điểm, 5 phiên giao dịch vừa qua chỉ số này đã mất 7,6%.