11:30 19/08/2015

Chứng khoán Trung Quốc: Khi “cá lớn” tháo chạy

An Huy

“Cá lớn” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc nhận thấy không còn nhiều lý do để nắm giữ cổ phiếu

Đồng Nhân dân tệ bị phá giá càng gia tăng áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Đồng Nhân dân tệ bị phá giá càng gia tăng áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Sự tháo chạy của những “con cá lớn” được xem là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự giảm điểm chóng mặt của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 2 tháng qua.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Công ty Thanh toán và Lưu ký chứng khoán Trung Quốc cho biết, trong tháng 7, số nhà đầu tư có ít nhất 10 triệu Nhân dân tệ (1,6 triệu USD) cổ phiếu trong tài khoản đã giảm 28%. Trái lại, số nhà đầu tư với tài khoản trị giá dưới 100.000 Nhân dân tệ tăng 8%. Điều này cho thấy, trong khi “cá lớn” rút khỏi thị trường, thì “cá bé” - các nhà đầu tư nhỏ - lại nhảy vào.

Theo nhận định của công y CLSA Ltd., các nhà đầu tư lớn đã tranh thủ việc các đơn vị được nhà nước chỉ đạo mua vào cổ phiếu cứu thị trường để rút êm. “Cá lớn” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc nhận thấy không còn nhiều lý do để nắm giữ cổ phiếu khi mà triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết xuống thấp mà giá cổ phiếu Trung Quốc lại “chát” vào hàng nhất thế giới.

Đồng Nhân dân tệ bị phá giá càng gia tăng áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Các nhà đầu tư bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu sức mua của các nhà đầu tư có đủ mạnh để chống đỡ thị trường các chỉ số một khi Chính phủ Trung Quốc rút các biện pháp “cấp cứu” chứng khoán chưa từng có tiền lệ áp dụng thời gian qua.

Đây chính là một trong những lý do khiến chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải “bốc hơi” hơn 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.

“Khách lớn chính là những người rời khỏi thị trường. Họ thường khôn ngoan hơn”, ông Francis Cheung, trưởng bộ phận chiến lược tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông của CLSA, nhận định.

Hệ số P/E của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục hiện ở mức khoảng 72 lần, cao hơn hệ số P/E của bất kỳ thị trường nào trong số 10 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Ở thời điểm chứng khoán Trung Quốc bong bóng năm 2007, P/E là 68 lần.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990, hơn 62% số công ty niêm yết thuộc chỉ số Shanghai Composite Index không đạt mức lợi nhuận như kỳ vọng của giới phân tích.

Trong tháng 7, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn khoảng 55.000 nhà đầu tư với tài khoản trị giá ít nhất 10 triệu Nhân dân tệ, so với mức 76.000 trong tháng 6. Số nhà đầu tư với tài khoản từ 1 triệu đến dưới 10 triệu Nhân dân tệ cũng giảm 22%.

“Những nhà đầu tư lớn từng trải giỏi hơn trong việc rút lui”, ông Hu Xingdou, giáo sư kinh tế thuộc Học viện Kỹ thuật Bắc Kinh, nhận xét.

Chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm 27% từ mức đỉnh hôm 12/6, sau khi tăng 152% trong vòng 12 tháng trước đó. Việc Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo và bơm vốn cho một số đơn vị mua vào cổ phiếu để cứu thị trường đã giúp chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong 2 tuần qua. Tuy vậy, hôm thứ 6 tuần trước, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc nói hoạt động mua vào này sẽ giảm dần cùng với mức độ biến động giảm xuống của thị trường.

Sau khi sụt hơn 6% trong phiên ngày hôm qua, chỉ số Shanghai Composite Index tiếp tục giảm thêm 1,5% trong phiên sáng nay (19/8).

Trong lúc chờ thị trường chứng khoán Trung Quốc có được sự phục hồi vững chắc, nhiều nhà đầu tư lớn của nước này chuyển sang rót vốn vào thị trường bất động sản trong và ngoài nước. Dữ liệu công bố ngày 18/8 cho thấy giá nhà đang tăng lên ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.

Tính trung bình, giá nhà ở 70 thành phố được Chính phủ Trung Quốc theo dõi số liệu đã tăng thêm 0,17% trong tháng 7 so với tháng 6, đánh dấu tháng tăng thứ ba liên tục.

Việc đồng Nhân dân tệ giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011 đang làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản ngoại tệ - theo ông Steve Wang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của công ty Reorient Financial Markets Ltd.

Tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và các định chế tài chính trong tháng 7 đã giảm với tốc độ kỷ lục - một tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.

“Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc trong tháng 7 diễn ra đồng thời với việc các nhà đầu tư lớn bá ra cổ phiếu”, ông Wang nói. “Nhà đầu tư nhỏ bị hút vào thị trường bởi các biện pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ, trong khi các nhà đầu tư lớn rút lui”.