15:12 15/07/2022

Chuyển đổi số có thể mang lại cho Việt Nam giá trị kinh tế 74 tỷ USD vào năm 2030

Nhĩ Anh

Theo báo cáo của AlphaBeta về “mở khóa tiềm năng kỹ thuật số Việt Nam”, nếu được tận dụng tối đa, chuyển đổi số có thể mang lại giá trị kinh tế hàng năm lên tới 74 tỷ USD cho Việt Nam ...

Công bố 2 chương trình phát triển nhân tài số và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Công bố 2 chương trình phát triển nhân tài số và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Ngày 15/7/2022,  Google và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hai chương trình Phát triển Nhân tài số và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Báo cáo của AlphaBeta về “mở khóa tiềm năng kỹ thuật số Việt Nam” cho thấy nếu được tận dụng tối đa, chuyển đổi số có thể mang lại giá trị kinh tế hàng năm lên tới 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh tới 3 trụ cột mà Việt Nam có thể tập trung hành động để đạt được con số tăng trưởng, đó là phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước, xây dựng môi trường thương mại điện tử hấp dẫn; nâng cao kỹ năng số của sinh viên và người lao động.

Theo đại diện Google, số lượng nhân lực công nghệ là một trong những rào cản có thể làm cản trở quá trình tối ưu hóa nền kinh tế số. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy đào tạo tăng kỹ năng số cho nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Hiện nay, các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực số mở ra ngày càng nhiều trong khi lực lượng lao động cung ứng lại thiếu hụt.

 
Chương trình Phát triển nhân tài số và Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hướng đến việc khai phá cơ hội cho nhiều người hơn bằng cách tạo điều kiện tiếp cận cơ hội việc làm kỹ thuật số và hỗ trợ các startup Việt Nam phát triển kinh doanh...

Bà Stephanie Davis, Phó chủ tịch, Google Châu Á Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á, chia sẻ rằng Google mong muốn cung cấp các cơ hội kỹ thuật số cho người dân Việt Nam thông qua hỗ trợ quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng đội ngũ nhân tài và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước. Việc triển khai 2 chương trình phát triển nhân tài số và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ hiện thực hóa mục tiêu này.

Phát triển nhân tài số là chương trình đào tạo số linh hoạt, trực tuyến trên nền tảng Coursera giúp các học viên không có kinh nghiệm hoặc đã có kiến thức nhất định có thể sẵn sàng ứng tuyển công việc với 5 khóa học chuyên sâu: Hỗ trợ IT; Quản trị dự án; Phân tích dữ liệu; Thiết kế trải nghiệm người dùng; Tiếp thị kỹ thuật số và Thương mại điện tử. Google cũng cung cấp chứng nhận nghề nghiệp cho học viên trong 5 mảng này. Hiên nay, nhu cầu nhân lực trong những lĩnh vực trên là rất lớn.

Đặc biệt, Google sẽ hợp tác với NIC dành 20.000 suất học bổng cho học viên của hơn 40 trường đại học và trường nghề tại Việt Nam có niềm đam mê với công nghệ thông tin nhưng việc tiếp cận còn hạn chế. Trong đó, chương trình dành khoảng 3.000 suất học bổng cho các doanh nghiệp...

HỖ TRỢ 50 STARTUP TĂNG TRƯỞNG, VƯƠN RA TOÀN CẦU

Cùng với việc hỗ trợ trang bị kỹ năng số cho nhân lực, Google và NIC cũng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khai thác tối đa nguồn tài nguyên và mạng lưới của Google để thúc đẩy tiến độ kinh doanh thông qua khóa đào tạo chuyên sâu với mạng lưới cố vấn chuyên nghiệp.

Theo Báo cáo nền kinh tế số tại Đông Nam Á 2021 của Google, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục được đầu tư vào thị trường. Hoạt động thương vụ được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 và đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua tổng mức đầu tư của những năm gần đây.

Bà Stephanie Davis nhấn mạnh, trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang rất sôi động, chương trình Google for Startups: Startup Academy sẽ hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp tăng trưởng mở rộng, vươn ra toàn cầu, đưa doanh nghiệp của mình lên một tầm cao mới.

 
Chương trình Phát triển nhân tài số và Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số bằng cách cung cấp nhiều hơn các cơ hội học tập và phát triển cho những nhân tài và doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, chương trình sẽ kết nối 50 startup Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ ở giai đoạn đầu với mạng lưới huấn luyện, cố vấn chuyên nghiệp từ Google, những nhà lãnh đạo  hàng đầu trong hệ sinh thái khu vực và trong nước đào tạo các kỹ năng lãnh đạo, vận hành doanh nghiệp, quản lý sản phẩm, công nghệ, tiếp thị doanh nghiệp…

Đánh giá về các chương trình hỗ trợ, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư và hỗ trợ theo chiều sâu để có thể phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hình thành được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, mang tầm quốc tế.

Theo ông Phương, mặc dù hệ thống đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, nhưng để đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đạt được mục tiêu nền kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP vào năm 2030 như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Đặc biệt, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số.