19:44 10/11/2020

Chuyển đổi số và "phao quan trắc 12 tỷ" cho con tôm

Thủy Diệu

Nếu doanh nghiệp Việt không giải quyết được bài toán phao quan trắc cho nuôi tôm thì thị trường phao quan trắc mười mấy nghìn tỷ đồng nếu triển khai tại Bạc Liêu sẽ rơi vào tay nước ngoài

Thiết bị quan trắc trên ao nuôi cá ở Bình Hòa Phước - Vĩnh Long (ảnh minh họa).
Thiết bị quan trắc trên ao nuôi cá ở Bình Hòa Phước - Vĩnh Long (ảnh minh họa).

Con tôm tiếp nhận 14 yếu tố biến số từ môi trường và thải ra môi trường khoảng 22-23 loại biến số, do vậy việc theo dõi sức khỏe cho con tôm chính là bài toán chuyển đổi số và là một bài toán dữ liệu lớn, nếu giải được đây sẽ là thị trường rất lớn cho doanh nghiệp Việt.

Câu chuyện về chuyển đổi số được ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ qua hình ảnh cụ thể và thiết thực về việc theo dõi sức khỏe của con tôm từ những chiếc phao quan trắc.

Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang có diện tích nuôi tôm khoảng 600 nghìn ha, trong đó Bạc Liêu là tỉnh nuôi tôm lớn nhất nhì với hơn 131.000 ha và tham vọng trở thành thủ phủ xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, lợi thế lớn này của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt Bạc Liệu, lại đang đứng trước một bài toán: những chiếc phao quan trắc môi trường để kiểm soát sức khỏe của con tôm, để có thể đạt được hiệu quả và giá trị cao nhất.

Theo Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng, con tôm có đặc tính bài tiết từng phút, thậm chí từng giây và sự bài tiết này lại phụ thuộc vào nhiệt độ và điều kiện ngoại cảnh bên ngoài, tức khi thời tiết nóng, con tôm bài tiết nhiều, khi đó tôm ăn nhiều. Và ngược lại, khi nhiệt độ xuống thì tôm bài tiết ít, ăn ít. Nên, theo ông Dũng, giả sử phải đo lượng bài tiết của hàng trăm nghìn con tôm sẽ là một dữ liệu vô cùng lớn, và từ đó đưa ra quyết định khi nào cho tôm ăn, cho ăn bao nhiêu thì tối ưu cho môi trường, vì cho ăn dư thừa sẽ vừa hại con tôm vừa hại môi trường.

Để đo những biến số bài tiết này của con tôm cần phải có phao quan trắc. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ trong nước mới đang bắt tay vào việc khảo sát, đo đạc để phát triển trạm quan trắc cho con tôm. Tuy nhiên, đáng nói trước đó, một doanh nghiệp nước ngoài đã vào triển khai thử nghiệm với tổng giá trị trong thời gian thử nghiệm là khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó giá bán của mỗi chiếc phao quan trắc này là 12 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp của Việt Nam (ở Trà Vinh) sau đó đã phát triển phao quan trắc với giá 4 tỷ đồng, tức giảm 1/3 so với giá phao quan trắc của đơn vị nước ngoài chào bán. Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, riêng toàn bộ tỉnh Bạc Liêu phải cần đến hàng nghìn chiếc phao quan trắc dùng để đo các biến số của việc nuôi tôm. Điều đó có nghĩa thị trường phao quan trắc là rất lớn, giả sử chỉ cần 1000 phao quan trắc cho Bạc Liêu thì đã có thị trường là 4.000 tỷ đồng. 

"Nếu doanh nghiệp Việt không giải quyết được bài toán phao quan trắc cho nuôi tôm thì thị trường phao quan trắc mười mấy nghìn tỷ đồng nếu triển khai tại Bạc Liêu sẽ rơi vào tay nước ngoài. Còn khi doanh nghiệp Việt giải được bài toán chuyển đổi số này thì đó lại là lợi thế của doanh nghiệp trong nước", Cục trưởng Dũng nhìn nhận.

Mặc dù vậy, ngay cả phao quan trắc giá 4 tỷ đồng vẫn cao, ông Dũng nói và cho biết, tới đây Cục Tin học hóa sẽ cùng một số doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam vào Bạc Liêu khảo sát để "đo đạc" đầu vào cho việc phát triển phao quan trắc và mục tiêu dự kiến sẽ đưa giá mỗi chiếc phao quan trắc này về chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng.

"Như thế chúng ta không những triển khai quan trắc môi trường cho tôm mà có thể còn quan trắc được biến đổi khí hậu ngập mặn, ngập ngọt, ngập lợ cho toàn bộ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải của Việt Nam để đo biến đổi khí khậu. Đây là bài toán vô cùng lớn và chỉ có doanh nghiệp trong nước mới có lợi thế để giải quyết. Đây cũng là giá trị lớn nhất của chuyển đổi số", theo Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng.

Câu chuyện về phao quan trắc cho việc nuôi tôm chỉ là một ví dụ. Với làn sóng thứ 3 – làn sóng chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ đang đứng trước một cơ hội chưa từng có, mà nếu không tận dụng được thì theo ông Nguyễn Huy Dũng, sẽ phải chờ vài chục năm nữa mới có.

Bởi theo ông, đơn cử như làm phần mềm tư vấn khám chữa bệnh y tế từ xa chắc chắn sẽ không có doanh nghiệp đa quốc gia nào làm được phần mềm cho người Việt Nam tốt hơn người Việt Nam. Hay làm học liệu cho các trường học thì ngay cả các "ông lớn" công nghệ nước ngoài dù có thể cung cấp nền tảng nhưng cũng không thể có thế mạnh tạo hệ sinh thái nội dung giáo dục như các doanh nghiệp trong nước. Với lợi thế của doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận, hiểu khách hàng và giải quyết được các bài toán tiếp theo.

Triển khai y tế từ xa có thị trường nội địa khoảng 14.000 cơ sở khám chữa bệnh; hay 44.000 cơ sở đào tạo với 20 triệu học sinh… là những cơ hội chuyển đổi số mà theo vị Cục trưởng Cục Tin học hóa, là đang vô cùng lớn, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt.