17:01 22/10/2024

Cơ hội nào cho các nhà bán lẻ thời trang độc lập?

Quỳnh Chi

Các nhà bán lẻ thời trang nên quay trở lại với thế mạnh của mình: cung cấp những bộ sưu tập được tuyển chọn độc đáo, sự kết hợp hài hoà giữa thương hiệu và sản phẩm, và khởi đầu một kỷ nguyên mới cho khái niệm “cửa hàng vật lý”...

Ảnh: WWD
Ảnh: WWD

Một thập kỷ trước, nhiều người cho rằng các chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp, các nhà bán lẻ trực tuyến nổi bật và các cửa hàng riêng của các thương hiệu thời trang sẽ chấm dứt sự tồn tại của các cửa hàng thời trang độc lập. Người ta nghĩ rằng các cửa hàng độc lập không thể cạnh tranh với vô số hàng hóa và đầy đủ bộ sưu tập trên sàn runway, có sẵn tại các ông lớn bán lẻ như Barneys New York và Neiman Marcus.

Các thương hiệu thời trang lớn của châu Âu rút khỏi các cửa hàng bán buôn, cắt giảm các cửa hàng chuyên biệt nhỏ hơn để phát triển chuỗi phân phối đầu cuối của riêng mình, cho phép họ thu về một phần lợi nhuận lớn hơn. Các nhà bán lẻ độc lập đã rất vất vả để tồn tại trong thị trường đầy cạnh tranh.

Nhưng có vẻ như những báo cáo về sự lụi tàn của hình thức bán lẻ này đã đến quá sớm. Nhà bán lẻ thời trang độc lập Boyds tại Philadelphia, thuộc sở hữu và điều hành bởi cùng một gia đình kể từ khi thành lập năm 1938, đã ghi nhận báo cáo doanh số lớn nhất từ ​​trước đến nay vào năm 2023 và mở thêm một không gian thứ hai hai năm trước.

Elyse Walker, người bắt đầu với một cửa hàng thời trang nhỏ vào năm 1999, hiện sở hữu 8 cửa hàng trong các khu vực giàu có của California và New York cũng như một doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ; đang hướng tới doanh thu hàng năm 100 triệu đô la.

Beth Buccini đã xây dựng một đế chế nhỏ với bảy cửa hàng bán lẻ thời trang cao cấp Kirna Zabête ở New York, Pennsylvania, Florida và Nashville, Tennessee. Nhà bán lẻ Hirshleifers, thành lập năm 1910 và đến nay vẫn thuộc sở hữu của gia đình, vẫn cung cấp sản phẩm đến từ các thương hiệu xa xỉ hàng đầu như Khaite, Chanel và Loewe tại thị trấn Manhasset, Long Island và đạt doanh thu cao.

Cơ hội nào cho các nhà bán lẻ thời trang độc lập? - Ảnh 1

Thành công của những nhà bán lẻ độc lập này đến từ cách chúng hoạt động như các trung tâm cộng đồng, làm giàu cho đời sống văn hóa địa phương và đóng góp cho các khu phố sôi động về kinh tế. Điều này là rất quan trọng đối với các cửa hàng thời trang độc lập. Những cửa hàng đang thành công tỏa ra một kiểu năng lượng xã hội tích cực tương tự như một nhà hàng nhộn nhịp và phục vụ tốt cho đối tượng khách hàng của họ, và nguồn năng lượng này đem lại hy vọng.

Ý nghĩa của cộng đồng đã bị giảm dần trong thời đại kỹ thuật số, với các nhóm Facebook và Instagram hình thành giữa những người dùng trực tuyến liên tục trò chuyện mà sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Tuy nhiên, những nhà bán lẻ thời trang này nuôi dưỡng các mối liên kết ngoài đời thực thường bao gồm nhiều thế hệ gia đình và tình bạn thân thiết với khách hàng.

KHÓ KHĂN VẪN TỒN TẠI

Khi niềm tin của người tiêu dùng cảm thấy bị ảnh hưởng bởi bất ổn kinh tế và bất ổn địa chính trị, thực tế đối với nhiều nhà bán lẻ độc lập địa phương là vẫn khó khăn.

Hiệu suất của hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đã chậm lại. Các chiến lược bán lẻ trực tiếp của các thương hiệu xa xỉ đã làm giảm khả năng tiếp cận của các cửa hàng độc lập với những tên tuổi hàng đầu. Các chính sách giảm giá của các nhà bán lẻ trực tuyến đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ - và thường là các nhà bán lẻ trực tiếp.

Các chuyên gia trong ngày cho biết, việc quay trở lại với những điều cơ bản, như các nhà bán lẻ độc lập cung cấp một bộ sưu tập các sản phẩm độc đáo, phù hợp với tệp khách hàng của họ, cũng như xây dựng một vũ trụ xung quanh các giao dịch có thể thu hút những người chi tiêu lớn đến với cửa hàng.

Cơ hội nào cho các nhà bán lẻ thời trang độc lập? - Ảnh 2

“Công thức của chúng tôi trong thời kỳ bất ổn luôn là ‘quay trở lại với những điều cơ bản’, tập trung vào những gì chúng tôi làm tốt nhất, đó là lắng nghe khách hàng và xác định dịch vụ của chúng tôi dựa trên nhu cầu hiện tại của họ, đồng thời cố gắng dự đoán nhu cầu tương lai của họ,” Luis Sans, giám đốc điều hành của cửa hàng bán lẻ xa xỉ Santa Eulalia có trụ sở tại Barcelona, ​​cho biết.

Ông cũng nhận định, “vùng xám” của ngành hàng xa xỉ đã thúc đẩy doanh thu cho các nhà bán lẻ độc lập trong 10 năm qua. Nhưng đó là trước khi các thương hiệu toàn cầu - đặc biệt là những thương hiệu xa xỉ được săn đón nhất với doanh số hàng năm hơn 1 tỷ euro - bắt đầu thu hẹp quy mô khi họ ngày càng áp dụng chiến lược trực tiếp đến người tiêu dùng.

“Nhiều người trong chúng tôi đã bị ‘mờ mắt’ trong những năm qua bởi việc nhanh chóng đạt được doanh thu cao thông qua thương mại điện tử và có sự dễ dàng nhất định trong việc tìm nguồn cung ứng thương hiệu,” Luis Sans nói. Roberta Banaglia, CEO của công ty đầu tư Style Capital, công ty đã mua lại 40% cổ phần của nhà bán lẻ trực tuyến và vật lý LuisaViaRoma vào năm 2021, cũng đồng tình với ý kiến này.

“Tôi tin rằng về lâu dài, sự vắng mặt hoàn toàn của các thương hiệu hàng đầu tại các nhà bán lẻ đa thương hiệu độc lập sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của họ với một tệp khách hàng nhất định là người tò mò và thích theo dõi các xu hướng xu hướng, nhưng họ có thể tránh hoàn toàn các cửa hàng đơn lẻ của thương hiệu,” bà giải thích. Nữ CEO cũng cho biết thêm rằng các cửa hàng bán lẻ độc lập này có thể giúp bù đắp tác động tiêu cực của việc các thương hiệu hàng đầu ngày càng giảm bớt lợi nhuận còn lại cho các nhà bán buôn.

Cơ hội nào cho các nhà bán lẻ thời trang độc lập? - Ảnh 3

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi HeyLight, một dịch vụ thanh toán của Compass Bank, phỏng vấn khoảng 90 nhà bán lẻ xa xỉ và thời trang là thành viên của Camera Buyer Italia, sự đổi mới bắt đầu từ việc mua hàng. Khoảng 64% người được hỏi cho biết họ tập trung nhiều hơn vào các thương hiệu mới nổi đảm bảo sự hấp dẫn và cảm xúc hơn cho các sản phẩm, trong khi 36% nhà bán lẻ cho biết họ đã tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào các thương hiệu có danh tiếng đã được thiết lập để đảm bảo tỷ lệ bán cao.

Theo Claudio Antonioli, người đứng đầu cửa hàng và nền tảng thương mại điện tử cùng tên, cũng như là người sáng lập Dreamers Factory - một “vườn ươm” cho các thương hiệu mới nổi, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các nhà bán lẻ độc lập là phân tích và tối ưu hóa yêu cầu của thị trường, cũng như xây dựng một vũ trụ không chỉ toàn là giao dịch mua bán: cửa hàng concept hiện đại, mang đậm phong cách của nhà bán lẻ độc lập đó.

“Những nhà đầu tư và khách hàng của chúng tôi đòi hỏi khắt khe hơn bao giờ hết. Họ tìm kiếm phong cách và văn hóa khi mua hàng,” Beppe Angiolini, Giám đốc điều hành của Sugar, cửa hàng đa thương hiệu có trụ sở tại Arezzo, cho biết.

Lợi nhuận lâu dài là chìa khóa để đảm bảo sự tồn tại của các nhà bán lẻ độc lập, cũng như các khoản đầu tư để thúc đẩy đổi mới liên tục trong bán lẻ. Nhà triết học và xã hội học Gilles Lipovetsky nhận xét: “Bán lẻ đa thương hiệu không thể không tự đổi mới và sáng tạo. Đó không phải là một sự hứng thú đơn thuần về marketing, mà là một nhu cầu thiết yếu.”