Có nên nâng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động?
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều ý kiến góp ý cho rằng không nên giới hạn thời gian hưởng để đảm bảo quyền lợi tương xứng với mức đóng và thời gian tham gia của người lao động…

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng, thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Góp ý cho nội dung này mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nghiên cứu không quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc này để đảm bảo quyền lợi tương xứng với mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Đồng thời, hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn khi chưa tìm được việc làm, đặc biệt đối với nhóm lao động lớn tuổi, hoặc trong các ngành nghề đặc thù.
Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhằm tăng cường tính bền vững và hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, khuyến khích người lao động tham gia dài hạn.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp dựa trên số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là hợp lý, minh bạch, dễ áp dụng, và không phát sinh thêm gánh nặng hành chính.
Đồng thời, giảm áp lực tài chính cho người lao động mất việc làm trong thời gian dài, đặc biệt là những người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và góp phần ổn định xã hội, hỗ trợ tái hòa nhập thị trường lao động một cách bền vững.
Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định, “thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu” là không phù hợp, xảy ra vấn đề người lao động “cả đời không thất nghiệp”.
Thực tế, mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của những người này cũng tăng theo thâm niên làm việc, nhưng không bao giờ được thụ hưởng quyền lợi từ Quỹ này.
Vì thế, nếu giữ và cho phép người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng, thì họ sẽ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, không cần “bất đắc dĩ” thất nghiệp để bớt thiệt. Trong khi đó, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn có nguồn thu bền vững, do những người này khi làm càng lâu thì mức đóng càng cao.
Hiện mức trần đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng. Như vậy, những người lương cao sẽ đóng cao hưởng ít, chưa đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng của chính sách.
Theo cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng là mức thu nhập tối thiểu. Đây cũng là mức để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện nay.
Việc quy định mức trần hưởng trợ cấp thất nghiệp phù hợp với nguyên tắc bù đắp môt phần thu nhập khi người lao động thất nghiệp, đồng thời, đảm bảo khả năng cân đối thu chi của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với quy định thời gian hưởng tối đa, do đây là chế độ ngắn hạn, và cũng để thúc đẩy người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường thông qua các hỗ trợ khác như tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề…
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), cũng từng nhấn mạnh rằng, mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động một cách nhanh nhất; cung cầu được kết nối.
Do đó, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có nhiều chế độ, bao gồm trợ cấp thất nghiệp để người lao động trong quá trình mất việc làm vẫn có khoản tiền đảm bảo đời sống. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp họ cũng được hỗ trợ đào tạo nghề.
Xét đến cần phải đảm bảo khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, vì vậy nếu không khống chế thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có thể xảy ra hiện tượng người lao động chỉ muốn hưởng chế độ này, và không tích cực đi tìm việc làm. Trường hợp người lao động hưởng số tháng trợ cấp thất nghiệp quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.