12:04 10/11/2021

Cổ phiếu dầu khí bùng nổ, PLX quay lại đỉnh 3 năm

Kim Phong

Giá dầu thế giới tăng mạnh đêm qua đã hỗ trợ cổ phiếu dầu khí tỏa sáng đúng lúc. Trong khi hầu hết các blue-chips đều suy yếu, duy nhất cổ phiếu dầu khí trở thành trụ đỡ VN-Index còn tăng điểm sáng nay...

Cổ phiếu vốn hóa lớn là nỗi thất vọng lớn trong sáng nay.
Cổ phiếu vốn hóa lớn là nỗi thất vọng lớn trong sáng nay.

Giá dầu thế giới tăng mạnh đêm qua đã hỗ trợ cổ phiếu dầu khí tỏa sáng đúng lúc. Trong khi hầu hết các blue-chips đều suy yếu, duy nhất cổ phiếu dầu khí trở thành trụ đỡ VN-Index còn tăng điểm sáng nay.

PLX có phiên tăng kịch trần đầu tiên trong năm 2021 lên 48.300 đồng, quay trở lại đỉnh cao 3 năm. Cổ phiếu này cũng thu hút dòng tiền mạnh khi giao dịch xấp xỉ 7 triệu cổ tương đương 400,2 tỷ đồng. Lần đầu tiên PLX lọt Top 10 giá trị khớp lệnh thị trường.

Điều hơi bất lợi là vốn hóa của PLX khá hạn chế. Cổ phiếu này chỉ đứng thứ 20 trong cơ cấu tính VN-Index. Ngay cả mức tăng kịch trần cũng chỉ giúp cho chỉ số này khoảng 1,3 điểm. Tuy vậy tổng mức tăng của VN-Index sáng nay cũng chỉ là 1,02 điểm tương đương 0,07%. Nói cách khác, duy nhất PLX giúp VN-Index xanh, trong khi các mã còn lại chỉ đủ bù đắp cho số giảm.

GAS tăng 1,59% cũng khá mạnh, nhưng cổ phiếu này vẫn có tín hiệu chốt lời. Hôm qua GAS vừa giảm sốc 3,09% và đầu phiên mức tăng lên tới 2,94%. Nói cách khác GAS vẫn chỉ luẩn quẩn quanh vùng đỉnh như cũ và đà tăng về cuối phiên sáng còn suy yếu đi một chút.

Các mã dầu khí trên cả 3 sàn hầu hết là tăng. Ngoài PLX, có thêm PCG kịch trần. PVO tăng 12%, PVS tăng 6,51%, PSH tăng 5,9%, BSR tăng 4,94%, PTV tăng 4,6%, PVC tăng 4,41%, OIL tăng 4,02%, PVD tăng 1,6%...

Mặc dù mức tăng cuối phiên sáng khá tốt nhưng tổng thể cổ phiếu dầu khí vẫn không tăng mạnh tối đa. Trừ PLX và PCG kịch trần, đỉnh cao nhất của cổ phiếu dầu khí đều là đầu phiên và tụt dần về cuối phiên. Mặt khác, trừ PLX, thanh khoản ở các cổ phiếu dầu khí còn lại rất bình thường.

Nhóm cổ phiếu blue-chips ngoài GAS, PLX sáng nay yếu. VN30-Index còn đang giảm 0,31% với 12 mã tăng/15 mã giảm. GVR tăng 1,85%, POW tăng 1,95%, SSI tăng 1,58%, STB tăng 1,25% là các mã duy nhất đáng kể. Các trụ lớn khác của VN30-Index đều kém: VCB, VHM, VIC tham chiếu và VPB giảm 0,67%, HPG giảm 1,95%, VNM giảm 0,45%, CTG giảm 0,91%, MSN giảm 0,41%, TCB giảm 0,76%... Đó là lý do tại sao VN30-Index không thể tăng được, dù vẫn có GAS, PLX dẫn dắt.

Vn30-Index là chỉ số yếu nhất sáng nay.
Vn30-Index là chỉ số yếu nhất sáng nay.

Các mã vừa và nhỏ duy trì trạng thái phân hóa và tăng không đồng đều. Smallcap chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,62% với 91 mã tăng/85 mã giảm. Rõ ràng là độ rộng không còn áp đảo, tuy vậy 10 mã vẫn kịch trần. Tổng số tăng trần trên HoSE đang là 19 mã. Nhóm thanh khoản tốt có thể kể tới NHH, DRH, ASP, LDG, HVH, DAG. Nhóm midcap tăng yếu 0,2% với 34 mã tăng/35 mã giảm. Điểm đáng lưu ý là dòng tiền vào hai nhóm cổ phiếu này đã suy yếu: Smallcap chỉ khớp hơn 3 ngàn tỷ đồng sáng nay và Midcap khoảng 5,3 ngàn tỷ đồng, thấp hơn VN30.

Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết cũng sụt giảm 4% so với sáng hôm qua, đạt 18.340 tỷ đồng. Mức giảm chủ yếu trên HoSE do sàn này giảm thanh khoản ở tất cả các nhóm cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay xả ròng 349 tỷ đồng tại PAN khi bán ra 9,37 triệu cổ phiếu. Mặc dù đây là giao dịch thỏa thuận, nhưng ngoài PAN, vốn bán ra vẫn áp đảo. Tổng giá trị mua vào trên HoSE chỉ đạt 395,2 tỷ đồng trong khi bán ra 972,4 tỷ đồng. HPG, NVL bị bán ròng trên 40 tỷ, nhóm SSI, VNM, PDR bị bán quanh 20 tỷ đồng. Phía mua ròng chỉ có MBB, MSN quanh 20 tỷ đồng ròng.