Cổ phiếu lớn bất ngờ bị “đánh sập” cuối phiên, khối ngoại đổ tiền mua đột biến
Trạng thái giằng co tiếp diễn gần trọn phiên chiều, bất ngờ đợt ATC cả loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị “đánh sập” xuống giá đỏ, khiến VN-Index đang tăng 3,13 điểm đảo chiều thành giảm 5,04 điểm. Độ rộng rất hẹp báo hiệu đà giảm giá trên diện rộng. Trong khi đó khối ngoại có một phiên mua ròng đột biến lớn nhất 20 phiên...
Trạng thái giằng co tiếp diễn gần trọn phiên chiều, bất ngờ đợt ATC cả loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị “đánh sập” xuống giá đỏ, khiến VN-Index đang tăng 3,13 điểm đảo chiều thành giảm 5,04 điểm. Độ rộng rất hẹp báo hiệu đà giảm giá trên diện rộng. Trong khi đó khối ngoại có một phiên mua ròng đột biến lớn nhất 20 phiên.
Cho tới trước khi có biến động trong đợt ATC, độ rộng của VN-Index đã rất hẹp với 141 mã tăng/260 mã giảm. Như vậy hiện tượng xả đã xuất hiện trước và lan tràn trên sàn. Sau đợt ATC, độ rộng co lại thêm, còn 126 mã tăng/280 mã giảm. Cả chỉ số Midcap lẫn Smallcap đều giảm sâu hơn ở đợt ATC và đóng cửa mức thấp nhất ngày.
Điều đó cho thấy hiện tượng giảm ở trụ cũng dẫn tới sức ép gia tăng trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. HoSE có tới 111 cổ phiếu giảm quá 2% lúc đóng cửa và 55 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. VN30 chỉ có 7 mã giảm quá 1%.
Một điểm khá bất ngờ là các cổ phiếu vốn hóa lớn bị ép giá ở đợt ATC có thanh khoản không cao trong đợt này. MSN rơi từ 79.100 đồng xuống 78.000 đồng, giảm 1,02% so với tham chiếu nhưng là biến động -1,4% trong một lần giao dịch. VIC rơi từ 54.400 đồng xuống 53.800 đồng, giảm 0,55% so với tham chiếu tương đương biến động -1,2%. VHM vẫn còn tăng 0,53%, nhưng riêng ATC lại giảm tới 1,72%. BID, GAS, CTG, HPG đều sập giá ở mức độ khác nhau. Trừ HPG, các cổ phiếu này thanh khoản khá nhỏ.
VN30-Index đóng cửa giảm 0,43% so với tham chiếu, không quá mạnh và cũng chỉ có 7 mã rơi hơn 1%. Dẫn đầu là PDR giảm 4,24%, GVR giảm 2,72%, NVL giảm 2,56%, MWG giảm 2,21%. Tuy nhiên do giá suy yếu nhiều buổi chiều và hầu hết đóng cửa sát hoặc bằng giá thấp nhất ở đợt ATC nên biên độ giảm trong phiên khá rộng. Có tới 10 cổ phiếu tạo bull-trap trong ngày từ 2% tới 5%. Độ rộng VN30 đóng cửa còn 11 mã tăng/17 mã giảm.
Dù trượt giá và độ rộng không tốt nhưng nhóm blue-chips vẫn là nhóm khỏe nhất và nâng đỡ VN-Index chính. CTG, VPB, VHM, GAS, VCB là các cổ phiếu còn tăng, giảm thiệt hại cho chỉ số. Trái lại, nhóm Midcap giảm tới 0,67% và Smallcap giảm 1,13%. Đặc biệt Smallcap có số mã giảm giá nhiều gấp 3 lần số tăng.
Nhóm giảm giá sâu trên 3% ở HoSE hôm nay có rất nhiều cổ phiếu thanh khoản lớn như EVG, DLG, QCG, ASM, LDG, PDR, VGC, IDI, TCD, CTD… Diễn biến giá trong phiên cũng là trượt từ mức cao xuống thấp, phản ánh áp lực bán tăng dần và càng về cuối càng mạnh. Hôm nay là ngày nhóm cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ bị xả rõ nhất và đồng loạt.
Khối ngoại chiều nay lại gây bất ngờ khi giải ngân mạnh 1.182 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với phiên sáng. Mức bán ra khoảng 698,3 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 483,7 tỷ. Cộng với phiên sáng, hôm nay khối ngoại có ngày mua ròng đột biến hơn 604 tỷ đồng trên HoSE, ngoài ra khoảng 17 tỷ đồng mua ròng nữa trên HNX và UpCOM. Đây là mức mua ròng tốt nhất kể từ ngày 19/5 vừa qua. Trong ngày đó khối ngoại cũng chỉ đột biến nhờ thỏa thuận ròng 1.285 tỷ đồng với cổ phiếu STG. Nếu không tính giao dịch đơn lẻ này thì quy mô mua ròng hôm nay là cao nhất kể từ cuối tháng 3/2023.
Cổ phiếu trong nhóm blue-chips VN30 được khối ngoại mua hơn một nửa giá trị ròng toàn sàn, khoảng 308 tỷ đồng. HPG +205,3 tỷ, SSI +95,7 tỷ, CTG +74,8 tỷ, MSN +70,1 tỷ, VHM +43,6 tỷ, VIC +25,3 tỷ. Ngoài ra còn một số mã khác được mua cũng ấn tượng là VND +79,8 tỷ, HSG +69,9 tỷ, KDH +45,5 tỷ, FRT +30,8 tỷ, PVT +24,2 tỷ, KBC +23,8 tỷ. Phía bán ròng có VNM -112,6 tỷ, VPB -94,6 tỷ. Tuần này các quỹ ETF ngoại sẽ tái cơ cấu nên giao dịch sẽ tăng mạnh so với bình thường. Tuy nhiên giao dịch lớn nhất thường sẽ dồn vào ngày thứ 6.