05:42 18/06/2021

Cổ phiếu thuỷ sản đang ở vùng đỉnh hay đáy?

An Nhiên

Cổ phiếu ngành thuỷ sản đã tăng mạnh trong hơn một tháng qua, có mã vượt đỉnh lịch sử, nhưng khuyến nghị của nhóm công ty chứng khoán cho rằng đây mới chỉ là vùng đáy…

Sau 4 tháng đầu năm 2021 điều chỉnh, cổ phiếu ngành thuỷ sản đã giao dịch tích cực và sôi động hơn kể từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều mã đã đạt đỉnh lịch sử.

TĂNG NÓNG ĐÓN SÓNG XUẤT KHẨU

Cổ phiếu ANV của Amicogen Nam Việt đã tăng kịch trần phiên hôm  17/6 đạt mức 31.950 đồng/cổ phiếu, tăng 45% kể từ đầu tháng 5 đến nay và đây là mức giá cao nhất kể từ khi ANV niêm yết trên sàn HOSE.

Diễn biến cổ phiếu ANV.
Diễn biến cổ phiếu ANV.

Sau khi sụt giảm mạnh, thị giá của VHC Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng quay đầu bứt phá kể từ tháng 5 đến nay. Chốt phiên giao dịch 17/6, VHC ở mức 47.400 đồng/cổ phiếu, tăng 34% từ đầu tháng 5, gần bằng với mức đỉnh của phiên giao dịch đầu tháng 11/2018 với mức giá khi đó là 51.000 đồng.

Kể từ tháng 5 đến nay, nhiều cổ phiếu thuỷ sản cũng lội ngược dòng tăng ngoạn mục như FMC của Thực phẩm Sao Ta tăng 25%, phiên giao dịch hôm nay kịch trần thị giá 38.950 đồng, đây cũng là đỉnh lịch sử của cổ phiếu FMC. MPC của Thuỷ sản Minh Phú cũng tăng 23%; ACL tăng 18% kể từ đầu tháng 6; CMX tăng 14%…

Diễn biến cổ phiếu FMC một năm trở lại.
Diễn biến cổ phiếu FMC một năm trở lại.

Đà tăng của cổ phiếu thuỷ sản kể từ tháng 5 dựa trên kỳ vọng nhu cầu xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam ấm dần lên trong quý 2/2021. Trị giá xuất khẩu mặt hàng thủy sản tháng 5/2021 ước tính đạt 750 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%.

Theo Tổng cục Thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường xuất khẩu; trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 với giá trị xuất khẩu chiếm 56,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Về lộ trình trình tiêm vaccin, tại các quốc gia như Pháp, Hoa Kỳ, EU tỷ lệ tiêm trên tổng số dân khá cao. Các quốc gia này dần áp dụng các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội, kỳ vọng sẽ giúp giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng nhờ tốc độ luân chuyển hàng hóa phục hồi. Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam.

VASEP dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng 10% trong quí 2/2021, đạt 2,1 tỷ USD. Riêng tôm, dự báo trong quý 2, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này có thể tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước do giá trị xuất khẩu ở hầu hết thị trường sẽ phục hồi hoặc tăng trưởng dương.

Ở VÙNG ĐÁY HAY ĐỈNH?

Đánh giá triển vọng cổ phiếu thuỷ sản ngày 17/6, chứng khoán Mirae Asset cho rằng, các biện pháp phòng chống Covid-19 trên thế giới đang được nới lỏng nhờ vaccine Covid -19 đang được triển khai gấp tại tất cả các quốc gia. Với xu hướng hiện nay, việc nhu cầu tiêu thụ thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới phục hồi là tất yếu và dữ liệu tích cực về giá trị xuất khẩu cá tra, tôm trong tháng 3,4/2021 vừa qua đã khẳng định điều này. Thị giá cổ phiếu xuất khẩu thuỷ sản có thể đã hoàn thành tạo đáy.

“Việc dòng tiền đầu tư phản ứng tích cực với các tin mới cập nhật, chúng tôi tin rằng giá các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong tháng 6 và nửa sau năm 2021. Chúng tôi đánh giá thị giá của các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản có khả năng vượt qua các đỉnh trước đây nhờ việc mặt bằng giá được điều chỉnh theo tương quan với mức VN-Index mới được hình thành ở khu vực 1.300 điểm”, Mirae Asset nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thị giá của cổ phiếu thuỷ sản đã tăng nóng suốt một tháng vừa qua, nhiều cổ phiếu lập đỉnh lịch sử, điều này đặt dấu hỏi rằng liệu đây là vùng đỉnh của cổ phiếu thuỷ sản hay vẫn ở mức đáy, phù hợp mua vào?

Theo nhận định của giới chuyên môn, triển vọng tích cực về giá trị xuất khẩu và lợi nhuận gần như phản ánh hết vào giá cổ phiếu thuỷ sản trong suốt tháng 5 vừa qua. Nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh ấn tượng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 17/6, Tổng giám đốc Thuỷ sản Minh Phú ông Lê Văn Quang cho biết, tháng 5, Minh Phú ghi nhận xuất khẩu tăng 46,29% về lượng và tăng 59,93% về giá trị. Dự báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm hơn 300 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái, và tình hình sẽ tốt hơn nữa vào khoảng tháng 7-10. 

Thực phẩm Sao Ta cũng vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 5 với doanh số chung đạt 16,9 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Công ty CP Vĩnh Hoàn tháng 5 tổng doanh thu tăng 35% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng ở các dòng sản phẩm cá tra (tăng 46%), sản phẩm phụ (tăng 51%) và giá trị gia tăng. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp thuỷ sản đang phải đối diện với không ít rủi ro, trở ngại trong ngắn hạn gây áp lực lên kết quả kinh doanh. 

Theo Mirae Asset, thứ nhất, chi phí tăng gây áp lực lên biên lợi nhuận. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, trung bình giá cá tra nguyên liệu tăng khoảng 11% so với cùng kỳ còn giá tôm thẻ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển đường thủy bằng container từ Châu Á đi các châu lục khác tăng phi mã (tuyến Thượng Hải – Los Angeles tăng 238% so cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2021 trong hoàn cảnh giá bán trung bình cá không có sự thay đổi so với cùng kỳ. 

Thứ hai, làn sóng Covid thứ 4 tại Việt Nam gây lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Đã có hơn 5.000 ca nhiễm tại 34 (trong tổng số 64) tỉnh thành của Việt Nam kể từ 24/4/2021. Nếu các vùng nguyên liệu thủy sản chính ở Việt Nam bị buộc phải cách ly sẽ dẫn đến gián đoạn nguồn cung làm khả năng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị giảm.

Cổ phiếu thuỷ sản đang ở vùng đỉnh hay đáy? - Ảnh 1

Tổng giám đốc Thuỷ sản Minh Phú Lê Văn Quang cũng phải thừa nhận rằng những tháng cuối năm chịu rủi ro thiếu container rỗng, đó là yếu tố khiến doanh nghiệp đau đầu nhất. Nguyên nhiên liệu tăng rất mạnh thấp nhất 20-50%, chuỗi cung ứng lao đao và phí vận tải tăng liên tục, tình trạng không có container rỗng nên rất khó đoán định.

“Chúng tôi quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch với tình hình cước tàu như thế này. Việc sản xuất thì đạt, nhưng kế hoạch bán hàng và lợi nhuận khả năng sẽ chỉ thực hiện được 80% kế hoạch”, ông Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuỷ sản còn đối diện nhiều khó khăn, đặc biệt là quy định về chỉ tiêu Phospho, Amoni, tổng Ni tơ trong nước xả thải sau khi xử lý tại nhà máy chế biến thuỷ sản đang ở mức thấp so với khả năng của thực tế. “Kết quả thanh - kiểm tra hàng năm của ngành môi trường luôn có tỷ lệ lớn các doanh nghiệp không đạt, bị phạt vi phạm hành chính môi trường và đặc biệt là rủi ro cao nếu khách hàng quốc tế biết rằng các nhà máy vi phạm quy định môi trường của Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.