15:41 24/01/2024

Cổ phiếu trụ bị ép mạnh, VN-Index tiếp tục giảm

Kim Phong

Thanh khoản đã tăng lên khá nhiều trong phiên chiều nay nhưng sức ép bán có tín hiệu tăng lên trong nhóm blue-chips VN30. Nhóm ngân hàng không phục hồi nổi mà nhiều mã tụt sâu hơn khiến các chỉ số đều lao dốc sâu thêm. VN-Index để mát 4,53 điểm, chốt thấp nhất ngày và giảm sang phiên thứ 2 liên tiếp...

VN-Index trượt giảm mạnh hơn về cuối phiên chiều.
VN-Index trượt giảm mạnh hơn về cuối phiên chiều.

Thanh khoản đã tăng lên khá nhiều trong phiên chiều nay nhưng sức ép bán có tín hiệu tăng lên trong nhóm blue-chips VN30. Nhóm ngân hàng không phục hồi nổi mà nhiều mã tụt sâu hơn khiến các chỉ số đều lao dốc sâu thêm. VN-Index để mát 4,53 điểm, chốt thấp nhất ngày và giảm sang phiên thứ 2 liên tiếp.

Tổng thanh khoản khớp lệnh HoSE và HNX phiên chiều đạt 8.800 tỷ đồng, tăng gần 59% so với phiên sáng, trong đó HoSE đạt gần 8.215 tỷ đồng tăng 60%. Như vậy giao dịch có sôi động hơn, tiếc rằng áp lực bán lại có biểu hiện mạnh dần.

VN-Index đóng cửa giảm 0,38%, VN30-Index giảm 0,37% đều tạo đáy sâu hơn phiên sáng và chốt thấp nhất phiên. Đặc biệt trong rổ VN30 có tới 22 cổ phiếu tụt giá sâu hơn buổi sáng, chỉ 7 mã có cải thiện. Hầu hết ngân hàng đều suy yếu thêm.

MWG và MSN là 2 cổ phiếu yếu nhất nhóm VN30 và đều xuất hiện thanh khoản khá lớn. Chốt phiên sáng MWG đã giảm 1,1%, sang chiều giảm tiếp 1,1% nữa với thanh khoản khoảng 257,2 tỷ đồng. MSN riêng phiên chiều giảm 1,05%, đóng cửa giảm tổng cộng 1,93%, thanh khoản phiên chiều cũng khá lớn với 126,1 tỷ đồng. Các trụ khác như HPG, VNM, TCB, VCB, CTG chiều nay cũng đều yếu thêm. Độ rộng rổ VN30 kém hẳn phiên sáng, chỉ còn 7 mã tăng/19 mã giảm (phiên sáng là 10 mã tăng/14 mã giảm).

Nhóm cổ phiếu mạnh nhất phiên sáng là chứng khoán, chiều nay cũng chịu ảnh hưởng. SSI tụt giá khoảng 0,44%, co hẹp mức tăng chung cuộc còn 0,59%. HCM từ mức tăng 5,58% buổi sáng còn 4,38% lúc đóng cửa. VIX mất gần hết đà tăng, chỉ còn trên tham chiếu 0,29%. VCI từ mức tăng 1,18% còn 0,71%. Thống kê chung nhóm chứng khoán, kết phiên chỉ còn 7 mã tăng được trên 1% trong khi cuối phiên sáng tới 15 mã.

Nhóm cổ phiếu blue-chips lớn nhất hôm nay yếu.
Nhóm cổ phiếu blue-chips lớn nhất hôm nay yếu.

Độ rộng tổng thể của VN-Index thời điểm cuối phiên cũng thay đổi nhẹ theo hướng tiêu cực. Cụ thể, chốt phiên sáng chỉ số ghi nhận 168 mã tăng/262 mã giảm. Nhịp phục hồi tốt nhất trong 30 phút đầu tiên phiên chiều đưa VN-Index vượt tham chiếu và lập đỉnh cao hơn phiên sáng, độ rộng tại đỉnh là 223 mã tăng/225 mã giảm. Đến cuối phiên lại co về 167 mã tăng/297 mã giảm. Như vậy nhịp trượt giảm cuối phiên của nhóm blue-chips lẫn VN-Index đã ảnh hưởng đến diễn biến giá trên diện khá rộng.

Dù vậy thanh khoản tăng khá nhiều trong buổi chiều cũng tạo hiệu quả giá tăng cục bộ. Vẫn có một số cổ phiếu thu hút được dòng tiền tốt và neo giữ giá, dù mức tăng không cao thêm được bao nhiêu. Toàn sàn HoSE vẫn còn 43 mã tăng trên 1% và nhiều mã không thuộc nhóm chứng khoán. Tuy nhiên thanh khoản nhóm này khôn mạnh, chỉ có 11 mã khớp được quá 10 tỷ đồng và tính chung nhóm tăng trên 1% này chỉ chiếm 6,2% tổng khớp của sàn HoSE ngay cả khi đã bao gồm HCM với hơn 500 tỷ đồng. Một vài mã đáng kể khác là HNG tăng 2,22% giao dịch 52,6 tỷ; HSL tăng 6,84% với 48,2 tỷ; VOS tăng 1,72% với 39,1 tỷ; NTL tăng 2,21% với 32,8 tỷ; LDG tăng 6,96% với 25 tỷ.

Phía giảm cũng không tệ hơn bao nhiêu, với 62/297 mã giảm quá 1%. Kết phiên sáng con số là 45 mã. Tuy nhiên thanh khoản ở nhóm này thì vượt trội, chiếm 18% tổng khớp sàn HoSE. Tới 10 mã trong số này giao dịch trên 100 tỷ đồng, dẫn đầu là MWG, NVL, TPB, MSN, NKG, HAG…

Khối ngoại phiên chiều mua tốt hơn nhưng vị thế ròng cũng chỉ +85,6 tỷ đồng do bán cũng lớn. Các mã được mua mạnh là SSI +119,5 tỷ, EIB +78,1 tỷ, HPG +78,1 tỷ, VCG +37,8 tỷ, VPB +31,3 tỷ, STB +29,7 tỷ, VCI +27,8 tỷ, CTG +23,6 tỷ. Phía bán có MWG -63,1 tỷ, TPB -56,5 tỷ, VNM -52,9 tỷ, MSN -36,6 tỷ, CTD -32,3 tỷ, DGC -28 tỷ, VRE -24,3 tỷ, VHC -23,6 tỷ, DGW -23 tỷ, DPM -22,5 tỷ.

VN-Index giảm sang phiên thứ 2 liên tiếp là kết cục tất yếu khi nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn làm trụ được nữa. VCB, BID, CTG, TCB, VPB là các cổ phiếu có khả năng nâng đỡ tốt nhất thì đều yếu đi nhiều. STB, HDB tăng không đáng kể và biên độ cũng nhẹ. Hiện thị trường không còn cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu này đủ sức thay thế, VIC, VHM tăng không đáng kể và thanh khoản cũng hạn chế. Đây là rủi ro chủ yếu với VN-Index, dù thị trường vẫn giữ được độ phân hóa nhất định ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.