14:52 13/08/2022

Cơn “ác mộng mùa hè” của du lịch Trung Quốc

Tường Bách

Một số địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Trung Quốc đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng trở lại, khiến kế hoạch của nhiều người dân Trung Quốc bị ảnh hưởng, hoạt động chi tiêu bị cắt giảm và nói rộng hơn là tác động tới toàn bộ nền kinh tế ở đất nước tỷ dân…

Ảnh: The Economic Times
Ảnh: The Economic Times

Trung Quốc vẫn đang trong những ngày hè nắng nóng, nên du lịch trốn nóng tới những thảo nguyên hay vùng núi cao, vùng biển chính là xu hướng mang tới niềm hy vọng kích cầu du lịch nội địa của quốc gia này. Tân Cương, Thanh Hải, Hải Nam, Vân Nam trở thành những lựa chọn hàng đầu. Nhiều loại hình như trượt tuyết, đặt chỗ tăng gần gấp 3 lần so cùng kỳ. Nhiều đơn vị khách sạn và nghỉ dưỡng cho biết, tỷ lệ lấp chỗ đã đạt đến 70% trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, những hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt cũng khiến kế hoạch kích cầu du lịch nội địa gặp nhiều khó khăn. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng vào mùa Hè ở Trung Quốc hiện đang phải chống chọi với dịch bằng cách áp dụng biện pháp “quản lý tĩnh toàn khu vực”, tức một hình thức phong tỏa.

Theo hãng tin AP, thành phố nghỉ mát Tam Á ở đảo Hải Nam, Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu nới lỏng sau lệnh phong tỏa hôm 6/8. Trong khi đó, 4 thành phố khác trên hòn đảo cũng bắt đầu áp đặt các giới hạn từ hôm 7/8. Còn theo Reuters, nếu tính cả các thị trấn nhỏ thì toàn Hải Nam đang có 8 địa phương với tổng dân số khoảng 7 triệu người không được rời khỏi nơi sinh sống ngoại trừ đi xét nghiệm Covid-19, mua hàng tạp hóa và vài việc phục vụ nhu cầu thiết yếu khác.

Đài CNBC mô tả đó là một "cơn ác mộng" đối với du khách tại Tam Á, nơi có những bãi biển đang vào mùa đông đúc nhất. 80.000 du khách đang mắc kẹt tại đây, nặng gánh với chi phí khách sạn và ăn uống ngoài dự kiến. Việc bán vé đường sắt ra khỏi Tam Á đã bị đình chỉ và hơn 80% các chuyến bay đến và đi từ Tam Á bị hủy bỏ.

Chính sách phong tỏa biến điểm nóng du lịch Trung Quốc Tam Á thành cơn ác mộng đối với khách du lịch mắc kẹt. Ảnh: Reuters.
Chính sách phong tỏa biến điểm nóng du lịch Trung Quốc Tam Á thành cơn ác mộng đối với khách du lịch mắc kẹt. Ảnh: Reuters.

Mới đây nhất, Urumqi, thủ phủ của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, miền Tây Bắc Trung Quốc và khu vực Ngari của Khu tự trị Tây Tạng, miền Tây Nam Trung Quốc - hai trong số những điểm du lịch nổi tiếng nhất nước này - đã phải nâng mức phản ứng với Covid-19 bằng việc áp dụng “quản lý tĩnh toàn khu vực” từ ngày 10 và 11/8, trong nỗ lực ngăn chặn sự hồi sinh của dịch bệnh.

Vài ngày trước đó, các thành phố Shigatse và Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng cũng đã phải áp dụng chế độ “quản lý tĩnh”. Mặc dù số ca bệnh không nhiều, tính đến ngày 10/8, toàn bộ Tây Tạng mới báo cáo 54 trường hợp Covid-19, nhưng đợt bùng phát mới đã chấm dứt kỷ lục 920 ngày không có dịch của vùng đất xa xôi này.

Trong khi đó, dịch ở Tân Cương vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng. Tính đến 21h ngày 10/8 (giờ địa phương), khu tự trị này đã có 776 trường hợp không triệu chứng. Trước đó, nhiều địa phương du lịch nổi tiếng khác của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, như Quảng Tây, Nội Mông, Cam Túc... Do làn sóng dịch mới bất ngờ bùng phát vào thời kỳ cao điểm của du lịch Trung Quốc trong mùa Hè, nên đã khiến hàng triệu du khách bị ảnh hưởng. Thống kê của tờ Thời báo Hoàn cầu cho thấy, ít nhất 18 địa phương ở 6 tỉnh và khu tự trị của nước này đang trong tình trạng “quản lý tĩnh”.

Tân Cương cũng đã phải áp dụng “quản lý tĩnh toàn khu vực” để ngăn chặn sự hồi sinh của dịch bệnh. Ảnh: Globaltimes.
Tân Cương cũng đã phải áp dụng “quản lý tĩnh toàn khu vực” để ngăn chặn sự hồi sinh của dịch bệnh. Ảnh: Globaltimes.

Các đợt bùng phát gần đây đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch Trung Quốc, và làm sụt giảm niềm tin của du khách. Người dân Trung Quốc bắt đầu có xu hướng trì hoãn các chuyến du lịch dài ngày, vì sợ mắc Covid-19 và lo ngại bị cách ly tại các điểm đến. Du lịch MICE tại Trung Quốc cũng gặp nhiều trở ngại, khi hàng loạt sự kiện hàng đầu bị đình chỉ hoặc chỉ tổ chức trực tuyến, như Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Hội chợ Canton) hay Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Kinh.

Tuy vậy, chính quyền các khu vực cũng được khuyên không nên vô lý kéo dài thời gian phong tỏa ở những vùng thuộc nhóm nguy cơ cao. Ngoài ra, người dân Trung Quốc cũng được khuyến khích lựa chọn đi du lịch ngắn ngày ở các khu vực gần nhà. 

Theo ông Tao Zhou, một quan chức tại công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle, sức nóng của du lịch mùa hè sẽ bắt đầu giảm xuống vào giữa tháng Tám, bởi đây là lúc phần lớn trường học yêu cầu học sinh không rời khỏi nơi sinh sống trong vài tuần trước khi bước vào năm học mới để hạn chế nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Ông Tao thừa nhận, những bất ổn vẫn rình rập ngành du lịch Trung Quốc sau giai đoạn khởi sắc mùa hè, bởi chính sách “không ca nhiễm Covid-19” vẫn đang được thi hành.