Cơn bùng nổ nhiên liệu hóa thạch ở Châu Phi: “Bẫy tài nguyên” hay đòn bẩy tăng trưởng xanh
Châu Phi đang đứng trước lựa chọn giữa khai thác nhiên liệu hóa thạch để tăng trưởng kinh tế hay chuyển hướng sang phát triển bền vững, khi lợi ích ngắn hạn từ dầu khí có nguy cơ trở thành “bẫy tài nguyên” trong bối cảnh thế giới dịch chuyển sang năng lượng xanh…

Châu Phi đang nổi lên như một khu vực tiềm năng với các phát hiện trữ lượng hydrocacbon mới tại các quốc gia như Senegal và Ethiopia, mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà lãnh đạo châu lục cam kết quản lý nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch một cách hiệu quả nhằm cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc khai thác dầu khí để mang lại lợi ích kinh tế lâu dài vẫn là một thách thức, theo nhận định của GS. Howard W. French từ Đại học Columbia (Mỹ) trên tờ Foreign Policy.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng tái tạo cũng đặt ra câu hỏi về giá trị bền vững của những nguồn tài nguyên này trong tương lai. Châu Phi đang đứng trước ngã rẽ của việc khai thác tài nguyên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn hay đầu tư vào các mô hình phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
CHÂU LỤC GIÀU TÀI NGUYÊN NHƯNG NGHÈO LỢI ÍCH KINH TẾ
Trong thập kỷ qua, châu Phi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong các phát hiện dầu khí. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2010- 2020, khu vực này chiếm 40% tổng số trữ lượng khí tự nhiên mới được phát hiện trên toàn cầu.
Sự quan tâm dành cho những nguồn tài nguyên này là điều dễ hiểu. Chẳng hạn, Senegal gần đây đã bắt đầu khai thác hydrocacbon từ các mỏ ngoài khơi, với kỳ vọng ngành công nghiệp này sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính quyền Tổng thống Bassirou Diomaye Faye đã thiết lập một quỹ tài sản liên thế hệ nhằm đảm bảo phân bổ bền vững nguồn thu từ dầu khí, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên mà không mang lại lợi ích lâu dài.
Tương tự, Ethiopia cũng công bố những trữ lượng khí đốt đáng kể tại vùng Ogaden- một khu vực có mức độ nghèo đói cao làm dấy lên kỳ vọng về các nguồn thu mới có thể hỗ trợ quá trình điện khí hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, lịch sử khai thác nhiên liệu hóa thạch tại châu Phi cho thấy nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa lợi ích kinh tế từ nguồn tài nguyên này. Là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất châu Phi, Nigeria vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, tham nhũng và suy thoái môi trường nghiêm trọng bất chấp nhiều thập kỷ xuất khẩu dầu mỏ.
Trong khu vực, rất ít quốc gia có thể chuyển hóa tài nguyên thành tăng trưởng kinh tế bền vững. Hai trường hợp tương đối thành công là Gabon và Algeria có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của châu Phi, song sự phát triển vẫn không đồng đều và đi kèm với bất bình đẳng xã hội, đặt ra câu hỏi về tính bền vững của mô hình khai thác tài nguyên hiện nay.
KHỦNG HOẢNG CARBON TOÀN CẦU: THÁCH THỨC DẦU KHÍ CHÂU PHI
Dù chính phủ các nước châu Phi kỳ vọng vào nguồn tài nguyên dầu khí như một đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế nhưng lại phải đối mặt với một bối cảnh toàn cầu thách thức. Cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng khiến thế giới gia tăng áp lực chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Tuy vậy, châu Phi có lý do chính đáng khi nhấn mạnh rằng lục địa này gần như không góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng carbon toàn cầu. Một người dân châu Phi trung bình tiêu thụ năng lượng trong cả năm chỉ tương đương với mức tiêu thụ của một người Mỹ trong 4 ngày, theo Washington Post. Dù chiếm gần 20% dân số thế giới nhưng châu Phi chỉ thải ra khoảng 4% tổng lượng khí carbon toàn cầu, theo tổ chức Our World in Data.
Tuy nhiên, khi dân số tiếp tục tăng, dấu chân carbon của châu Phi cũng sẽ mở rộng, khiến lục địa này dễ tổn thương hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu. Nông nghiệp, nguồn nước và toàn bộ hệ sinh thái có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt, châu Phi được dự báo sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt nhất, với nhiệt độ tăng cao và hạn hán ngày càng trầm trọng.
Dù chính phủ các nước châu Phi kỳ vọng vào nguồn tài nguyên dầu khí như một đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế nhưng lại phải đối mặt với một bối cảnh toàn cầu thách thức. Cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng khiến thế giới gia tăng áp lực chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Ngay cả khi các quốc gia châu Phi quyết tâm phát triển ngành dầu khí, thị trường toàn cầu dành cho những nguồn tài nguyên này đang dần thu hẹp. Các giải pháp năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió ngày càng rẻ hơn và phổ biến hơn.
Xu hướng này cho thấy rằng việc tiếp tục phụ thuộc vào dầu khí có thể trở thành một chiến lược lỗi thời, khiến châu Phi đối diện với nguy cơ tài sản mắc kẹt thay vì mang lại sự thịnh vượng lâu dài.
Một vấn đề cốt lõi trong cơn sốt dầu khí của châu Phi là mô hình khai thác tài nguyên. Lịch sử cho thấy các tập đoàn đa quốc gia phương Tây thống trị lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch tại châu Phi, tập trung vào khai thác thô thay vì đầu tư vào công nghiệp hóa tại địa phương. Hệ thống kinh tế này đã khiến châu Phi mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn: xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu sản phẩm tinh chế với giá cao hơn.
Việc thiếu các ngành công nghiệp “hạ nguồn” như nhà máy lọc dầu, hóa chất hay sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng khiến các quốc gia châu Phi không thể khai thác tối đa giá trị từ tài nguyên của mình.
Những nước như Nigeria và Angola xuất khẩu dầu thô nhưng lại không có đủ cơ sở lọc dầu trong nước, buộc phải nhập khẩu xăng dầu tinh chế với chi phí đắt. Sự phụ thuộc này cản trở khả năng tự chủ kinh tế và làm xói mòn lợi ích tài chính từ nguồn tài nguyên sẵn có.
Senegal đang cố gắng phá vỡ vòng lặp này bằng cách yêu cầu các công ty nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt trong nước thay vì chỉ khai thác để xuất khẩu. Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia tỏ ra không mặn mà với đề xuất này, khi họ ưu tiên bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu hơn là đáp ứng nhu cầu năng lượng nội địa.
KINH TẾ XANH: HƯỚNG ĐI TẤT YẾU CHO CHÂU PHI?
Sự trỗi dậy của ngành dầu khí tại châu Phi đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu các quốc gia có thể tận dụng nguồn tài nguyên này để thúc đẩy phát triển bền vững, hay sẽ tiếp tục phụ thuộc vào một ngành công nghiệp đang suy giảm?
Ngay cả khi các quốc gia châu Phi có thể khai thác nguồn thu ngắn hạn từ dầu khí, triển vọng dài hạn vẫn không mấy khả quan. Quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, với nhiều quốc gia và tập đoàn cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Khi công nghệ năng lượng mặt trời, điện gió và lưu trữ pin tiếp tục cải thiện, vị thế thống trị của nhiên liệu hóa thạch sẽ dần suy giảm.
Để tránh rơi vào "bẫy tài nguyên"- hiện tượng khi một quốc gia giàu tài nguyên nhưng không đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững do tham nhũng, bất ổn chính trị và phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, châu Phi cần một chiến lược dài hạn hướng đến kinh tế xanh. Các quốc gia có thể sử dụng doanh thu từ dầu khí để đầu tư vào hạ tầng năng lượng sạch, giúp mở rộng tiếp cận điện lưới cho người dân.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), năng lượng tái tạo hiện là nguồn điện rẻ nhất ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Nếu xu hướng này tiếp tục, các mỏ dầu khí mới được phát hiện ở châu Phi có nguy cơ trở nên lỗi thời trước khi mang lại lợi nhuận đáng kể. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn khi các nền kinh tế châu Phi có thể đổ vốn vào hạ tầng dầu khí nhưng cuối cùng lại mắc kẹt với những tài sản không còn khả năng sinh lợi trong một thế giới đang dần phi carbon.
Ngoài ra, để tránh rơi vào "bẫy tài nguyên" (resource curse)- hiện tượng khi một quốc gia giàu tài nguyên nhưng không đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững do tham nhũng, bất ổn chính trị và sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, châu Phi cần một chiến lược dài hạn hướng đến kinh tế xanh.
Các quốc gia có thể sử dụng doanh thu từ dầu khí để đầu tư vào hạ tầng năng lượng sạch, giúp mở rộng tiếp cận điện lưới cho hàng triệu người dân. Việc phát triển công nghiệp chế tạo tấm pin mặt trời, turbine gió và các công nghệ lưu trữ năng lượng không chỉ giúp châu Phi giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn tạo thêm việc làm bền vững. Việc khai thác dầu khí cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải và tránh tình trạng đốt bỏ khí gas lãng phí.
Nếu các chính phủ biết tận dụng cơ hội, dầu khí có thể trở thành bàn đạp để châu Phi tiến vào một nền kinh tế xanh. Nhưng nếu không có chiến lược rõ ràng, cơn bùng nổ nhiên liệu hóa thạch hiện nay có thể trở thành một gánh nặng, khiến châu Phi mắc kẹt trong một mô hình phát triển lỗi thời, đối mặt với sự tụt hậu khi thế giới chuyển sang một tương lai không carbon.