16:17 19/03/2015

Con gái của bố

PV

1.

Thực tế là, ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, trẻ sẽ có xu hướng thân thiết với bố hoặc mẹ hơn. Dù là con trai hay con gái, có những năm tháng mà trẻ đặc biệt thân với mẹ, thích trò chuyện và luẩn quẩn bên mẹ, bởi vì ở giai đoạn đó chúng có nhu cầu cao về xoa dịu tinh thần, muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Ở một giai đoạn khác, trẻ lại có nhu cầu về thể chất, chúng thích đùa nghịch với bố hơn. Tuy nhiên, không nên tạo điều kiện cho trẻ thiên vị quá rõ ràng, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cân bằng của trẻ.

Con gái của bố - Ảnh 1
Tại sao trẻ chỉ thích bố hoặc mẹ? Việc đứa trẻ thích bố hay mẹ sẽ thay đổi theo thời gian và theo các truờng hợp cụ thể. Ví dụ, trẻ thường thích mẹ trước vì mẹ là người cho chúng ăn, thay quần áo cho chúng, chăm sóc chúng trong những tháng đầu. Mặc dù vậy, đôi khi trẻ lại thích bố vì chúng ít khi gặp bố, và do đó, thời gian ở bên bố bỗng trở nên quý giá với chúng. Khi con bạn biết đi, chúng sẽ thích các trò chơi vận động và tất nhiên, chơi với bố cũng rất thích. Lúc này, đứa trẻ sẽ chuyển từ thích mẹ sang bố. Chúng ta cần chú ý tới đặc điểm tính cách trẻ con. Trẻ con đang lớn thích gần với những người dễ tính, niềm nở, vui vẻ với chúng hơn là nguời luôn coi trọng và đề cao kỷ luật. Thường thì các bậc bố mẹ không chú ý tới điều này. Bạn phải hiểu rằng con cái ở lứa tuổi nhỏ yêu quý bạn không phải vì bạn làm các công việc của bố mẹ tốt và hiệu quả, mà là vì chúng quen với sự có mặt của bạn trong giai đoạn phát triển của chúng. Trẻ con chưa biết hắt hủi ai đâu. Đơn giản, chúng thích ai đó chỉ vì chúng đã quen với khuôn mặt đó, giọng nói đó và chúng ngưng khóc khi được khuôn mặt, giọng nói quen thuộc vỗ về.  Tất nhiên, bạn muốn con mình yêu mình. Đó là điều tự nhiên. Ngắm nhìn khuôn mặt con sang bừng lên khi nó nhìn thấy bạn là một trong những cảm giác tuyệt vời nhất của cha mẹ. Mối liên hệ giữa bạn và con mình là cơ sở nền tảng để con cái phát triển tình cảm. Nhưng việc bạn để cho đứa trẻ chỉ khăng khăng đòi bạn và không để ý đến ai khác sẽ dẫn đến một số vấn đề về phát triển tâm lý của trẻ. Việc đứa trẻ chỉ thích bố hoặc mẹ và không thích người còn lại sẽ gây chia rẽ tình cảm trong gia đình. Chia sẻ tình yêu thương Chẳng thích thú gì khi trong nhà chỉ có 3 người mà bạn lại bị đẩy ra rìa như vậy. Nếu chồng bạn được con yêu quý, bạn sẽ có cảm giác bị ghẻ lạnh trong chính ngôi nhà mình do con cái không thích chơi với mình. Trong trường hợp này, bạn không thể trách chồng mình được. Chồng bạn cũng muốn có vai trò trong việc nuôi dạy con chứ không phải chỉ đứng từ xa nhìn hai mẹ con chơi với nhau.  Thực tế, chúng ta có thể kiểm soát và điều chỉnh được việc ai được yêu quý. Nếu bạn cho phép con mình khăng khăng chỉ đòi chơi với mẹ hay bố, bạn đã tạo cơ hội cho chúng lấn tới trong các trường hợp khác. Hơn nữa, cho phép đứa trẻ chỉ thích bố hoặc mẹ sẽ không giúp đứa trẻ phát triển khoẻ mạnh. Nếu con bạn có thích bạn hơn, và cho dù bạn có sung sướng với cảm giác đó đi chăng nữa, bạn cũng cần phải tự nhắc nhở mình rằng việc này sẽ không tốt cho đứa con của bạn. Trong gia đình có cả bố và mẹ, việc đứa trẻ chỉ thích bố hoặc mẹ sẽ không mang lại lợi ích cho con cái. Tốt nhất, đứa trẻ cần có tình cảm với cả bố và mẹ. Bạn phải ngăn chặn ngay khi phát hiện ra con mình có hiện tượng chỉ thích bố hoặc mẹ. Nếu không ngăn chặn ngay, càng về sau bạn sẽ càng khó làm chúng thay đổi. Nếu đứa trẻ thể hiện yêu quý ai hơn trong những tháng đầu tiên, nguời mà bé ít thích chơi cùng hơn phải thể hiện ngay cho trẻ thấy sự hiện diện và vai trò của mình. Cách duy nhất là dành nhiều thời gian hơn để chơi với bé. Dần dần, đứa trẻ sẽ cảm thấy gần gũi với cả bố và mẹ, và sẽ từ từ thích cả hai chứ không phải chỉ thích mẹ/bố thôi. Để con ngưng khóc, bạn có thể dùng đồ chơi để thu hút sự chú ý của chúng. Nếu con bạn đã ở tuổi có ý thức và biết nghe lời, bạn phải chú ý tạo điều kiện để hai bố con chơi với nhau, kể cả khi đứa trẻ gào khóc tỏ ý không thích chơi với bố. Bạn phải kiên quyết trong trường hợp này. Không nên mất thời gian giải thích thuyết phục đứa trẻ để chúng hiểu. Bạn chỉ cần bảo cho chúng biết chúng phải làm gì và bạn tiến hành đúng như vậy. Ví dụ, khi bố muốn đưa con đi dạo trong công viên vào cuối tuần nhưng đứa trẻ lại gào lên: “Con muốn đi với mẹ cơ”, bạn phải nói với con rằng con phải đi với bố cho dù con có thích hay không. Nói chung, trẻ sẽ thôi không khóc ngay khi chúng mới đi được với bố vài phút và sẽ quên ngay bạn. 20 hoạt động giúp bố con gần gũi hơn    1. Khi bé đang trong trạng thái vui vẻ hay im lặng, hãy dành 10 tới 15 phút nhẹ nhàng xoa nắn chân tay, phần cổ và phần bụng của bé.
   2. Sắp xếp một khoảng thời gian cố định mỗi tối để chơi với bé và biến nó trở thành một thói quen. Như thế mỗi ngày khi bố đi làm về, bé sẽ chờ đợi được chơi với bố.
   3. Chỉ đơn giản là bật chút nhạc lên (hoặc bố mẹ hãy hát để làm nhạc nền) sau đó xoay vòng quanh phòng với bé của bạn. 
   4. Bố có thể vừa địu bé đi vòng quanh vừa giúp mẹ làm một vài việc nhà, ví dụ như hút bụi. 
   5. Một bữa tiệc “cù” mà trong đó bố và bé cù nhau cười lăn ra – đảm bảo bé sẽ rất khoái và tìm mọi cách để cù cho được bố đấy!
   6. Đọc cho bé nghe một câu chuyện, chỉ thay đổi các nhân vật sao cho câu chuyện trở thành chuyện về bé!
   7. Chơi trò máy bay, bé đóng vai máy bay và bố làm cho máy bay bay lượn khắp phòng!
   8. Thổi một quả bóng và thả nó ra – sau đó cả hai bố con cùng đuổi bắt quả bóng.
   9. Đút cho nhau ăn, bé sẽ rất thích việc đưa thức ăn vào miệng bố đấy.
   10. Cho bé cưỡi lưng bố, bố giả làm bò, lợn hoặc trâu, hoặc kiệu bé lên vai.
   11. Bụm miệng thổi vào bụng bé để phát ra tiếng động, cố gắng tạo những âm thanh khác nhau và để cho bé có thể bắt chước.
   12. Để bé giúp bố các việc vặt, như giả vờ pha café cho bố vào buổi sáng chẳng hạn.
   13. Bố giả vờ làm quái vật đang ngủ, và bất chợt xổ dậy cắn vào bé mỗi khi bé nhảy qua.
   14. Đuổi bé chạy khắp nhà và mỗi khi bắt được bé thì ôm một cái!
   15. Chơi trò trốn tìm. Hoặc hai bố con cùng trốn để mẹ đi tìm.
   16. Nắm tay con và hai bố con đi dạo với nhau.
   17. Hát cùng bé một bài nghe thật ngộ nghĩnh, cải biến lời bài hát, hoặc hát mỗi lúc một nhanh.
   18. Chơi trò đố vui, kể cả khi bé còn quá nhỏ để có thể đưa ra câu trả lời!
   19. Hai bố con cùng ném bóng qua lại, hoặc ném bóng rồi thi nhau xem ai giành được bóng.
  20. Bố nhìn vào mắt con và nói “Bố yêu con!” càng nhiều càng tốt.

Lưu Hà