"Cơn sốt Nha Trang" sẽ đưa du khách Trung Quốc đến Việt Nam
Tính chung 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh Khánh Hòa đã đón 10,1 triệu lượt khách, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2023 (vượt 12,3% kế hoạch năm). Trong đó, có hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 48.902,3 tỷ đồng…
Ngày 11/12, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối doanh nghiệp Khánh Hòa - Trung Quốc năm 2024. Tại sự kiện, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, cho rằng TP Nha Trang từ lâu đã là điểm đến ưu tiên hàng đầu của du khách Trung Quốc khi sang Việt Nam.
Theo ông Tường, sau đại dịch, Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM đã cùng lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa tìm nhiều giải pháp thúc đẩy du khách Trung Quốc quay trở lại Nha Trang, đồng thời thúc đẩy tổ chức các hội nghị kết nối hợp tác du lịch tại Thượng Hải và Thành Đô (Trung Quốc). "Đến thời điểm hiện tại các chuyến bay thương mại và chuyến bay thuê bao qua lại giữa Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố của Trung Quốc ngày càng gia tăng và sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới", ông Tường khẳng định.
Theo ông Ngụy Hoa Tường, nhiều doanh nghiệp chia sẻ với ông trong tương lai gần, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam dự kiến sẽ sớm đạt quy mô trung bình 10 triệu lượt/năm. "Cơn sốt Nha Trang" đang một lần nữa phủ sóng mạnh mẽ trên thị trường du lịch quốc tế của Trung Quốc, ông Tường nói.
Theo thống kê, có khoảng 750 nghìn khách Trung Quốc đã đến Khánh Hòa trong tổng số 4,5 triệu khách du lịch quốc tế đến tỉnh này năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn thứ hai của Khánh Hòa, sau Hàn Quốc. Kết thúc năm 2024, dù lượng khách từ thị trường tỷ dân đã tăng cao so với năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước dịch Covid-19.
Vào năm 2019, Khánh Hòa đón hơn 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế đến với tỉnh. Khoảng thời gian này, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Khánh Hòa. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2025 là dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, do đó tỉnh Khánh Hòa mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh doanh, phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch hai bên trong thời gian tới.
Tại hội nghị, ông Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng nhìn nhận Khánh Hòa là vùng đất còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển du lịch, được định hướng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của Việt Nam theo 3 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia. Khánh Hòa có đường bờ biển tự nhiên dài, mạng lưới cơ sở hạ tầng phát triển, liên thông, kết nối thuận lợi, với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và hệ thống cảng biển. Khánh Hòa cũng là một trong 20 địa phương nằm trên tuyến đường sắt tốc độ cao bắc nam của Việt Nam vừa được phê duyệt đầu tư.
Trước đó, ngày 30/11, Sở Du lịch Khánh Hòa phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn hữu nghị Việt Trung Toàn Cầu tổ chức đón đoàn khách du lịch tàu hỏa xuyên Việt đến Nha Trang - Khánh Hòa. Đoàn gồm 462 khách du lịch Trung Quốc đi tour charter du lịch xuyên Việt với lịch trình 12 ngày đêm. Đoàn nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Sau khi tham quan Hạ Long, đoàn di chuyển về Hà Nội để đi tour tàu hỏa xuyên Việt với hành trình: Hà Nội - Đà Nẵng - Bình Thuận - TP. Hồ Chí Minh (chiều đi); TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Huế - Hà Nội (chiều về).
Tại Nha Trang, đoàn lưu trú 1 đêm và tham quan một số điểm du lịch như: Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, Tháp Trầm Hương, Trung tâm Suối khoáng nóng Tháp Bà Nha Trang, VinWonder Nha Trang, Vịnh Nha Trang. Sau đó đoàn tiếp tục di chuyển đến Huế và về lại Hà Nội. Tổng lịch trình du lịch bằng tàu hỏa xuyên Việt của du khách trong chuyến đi là 10 ngày.
Trong năm qua, từ Hàn Quốc, Trung Quốc đến Kazakhstan, Malaysia, và nhiều quốc gia khác, dòng du khách quốc tế đổ về sân bay Cam Ranh không ngừng gia tăng. Với thị trường lớn như Hàn Quốc, con số 433 chuyến bay và 75.495 hành khách đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người dân xứ sở Kim Chi đối với các bãi biển tuyệt đẹp và trải nghiệm nghỉ dưỡng đẳng cấp tại Nha Trang.
Bức tranh tổng thể đầy lạc quan này không chỉ phản ánh sức hút tự nhiên của Khánh Hòa mà còn thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành du lịch trong việc nâng cấp dịch vụ, phát triển hạ tầng, và mở rộng các đường bay quốc tế.
Đáng chú ý, tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - cổ đông lớn nhất của Nhà ga quốc tế Cam Ranh – đã ký bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn miễn thuế lớn nhất Trung Quốc - China Duty Free. Trong đó, phía China Duty Free cam kết sẽ đưa một lượng du khách rất lớn tới Việt Nam dự tính lên đến hàng chục triệu du khách/năm.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, chia sẻ: "Khánh Hòa là quê hương của tôi nên tôi hiểu rõ về danh lam thắng cảnh cũng như văn hóa và con người nơi đây, vì thế Khánh Hòa rất cần một điểm nhấn ấn tượng đối với du khách quốc tế, nên IPPG đã cùng với cổ đông đầu tư xây dựng Nhà ga quốc tế Cam Ranh đẹp và hiện đại, xứng tầm với sứ mệnh là cánh cửa đầu tiên chào đón du khách đến với Khánh Hoà".
Còn ông Phạm Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho biết: “Trong giai đoạn cuối năm và đặc biệt là trong 3 tuần gần đây lượng khách Trung Quốc và tần suất các chuyến bay từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tăng mạnh về số lượng và tỷ lệ hành khách lấp đầy chuyến bay cũng rất cao".
"Dù vậy, với công nghệ khai thác hiện đại nhà ga đã đầu tư và các phương án quản lý vận hành khai thác hiệu quả, khoa học, khi chúng tôi đã từng phục vụ tới 6,5 triệu khách năm vào 2019. Đồng thời, với phương án dự phòng, chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể phục vụ tới 8 triệu khách/năm, ngay cả khi trong tương lai các đường bay trước đây từ Trung Quốc được khôi phục trở lại”.
Để thu hút du khách quốc tế cũng như phát triển kinh tế ban đêm của địa phương, thời gian gần đây, thánh phố Nha Trang đã giới thiệu hai chương trình biểu diễn đặc biệt mang tên: "Linh thiêng xứ Trầm" và "Trăng soi dáng tháp" tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Tháp Bà Ponagar.
Hai chương trình được thực hiện dưới hình thức sân khấu hóa bán thực cảnh, chương trình "Linh thiêng xứ Trầm" được tổ chức vào ngày mùng 1 âm lịch hằng tháng, trong khi "Trăng soi dáng tháp" diễn ra vào đêm Rằm (15 âm lịch). Với thời lượng từ 45 đến 60 phút, hai chương trình sẽ đưa du khách vào hành trình khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của tháp cổ dưới ánh trăng.