10:12 08/04/2025

Công nghệ tiếp sức cạnh tranh cho ngành F&B 

Minh Anh

Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) năm 2024 mới được iPos.vn công bố, bất chấp những thách thức kinh tế, doanh thu toàn ngành F&B tại Việt Nam trong năm 2024 vẫn đạt khoảng 688,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2023...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bên cạnh các con số lạc quan, báo cáo cũng chỉ ra sự chênh lệch đáng kể trong hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Dù thị trường chung ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, nhưng chỉ có 40,2% doanh nghiệp đạt doanh thu ổn định hoặc tăng trưởng. Trong khi đó, gần 60% còn lại gặp khó khăn trong duy trì lợi nhuận hoặc chứng kiến doanh thu sụt giảm.

Điều này phản ánh thực tế là không phải tất cả doanh nghiệp đều có thể tận dụng được đà phát triển của thị trường. Một số doanh nghiệp F&B đã thành công nhờ chiến lược kinh doanh hợp lý và tối ưu hóa vận hành, trong khi những đơn vị khác gặp thách thức do sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chi phí leo thang và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Quá trình thanh lọc tự nhiên đã khiến nhiều cửa hàng độc lập kém hiệu quả buộc phải đóng cửa trong năm qua. Nguyên nhân chính đến từ sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu, khi khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, cùng với đó là chi phí nguyên liệu, nhân sự và vận hành gia tăng đáng kể, trong khi khả năng tăng giá bán bị hạn chế do tâm lý tiêu dùng và cuộc đua các chương trình giảm giá, đặc biệt khi các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến phát triển mạnh.

TỐI ƯU HÓA HOẠT ĐỘNG

Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ trở thành yếu tố then chốt. Theo báo cáo của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia năm 2024, 76% doanh nghiệp trong ngành F&B xác định công nghệ là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, với nhiều doanh nghiệp sẵn sàng gia tăng đầu tư vào các giải pháp công nghệ. Một dữ liệu khác của trang FnB Việt Nam cho thấy có 82,8% doanh nghiệp F&B đã tiến hành chuyển đổi số, trong đó đa số đều sử dụng phần mềm quản lý bán hàng.

Để tối ưu hóa vận hành, nhiều doanh nghiệp đã nhờ đến sự giúp sức của công nghệ.
Để tối ưu hóa vận hành, nhiều doanh nghiệp đã nhờ đến sự giúp sức của công nghệ.

Để tối ưu chi phí trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, tại họp báo công bố báo cáo, ông Nguyễn Đỗ Anh Quân, Giám đốc nhãn hàng của iPOS.vn, cho rằng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp F&B. “Việc áp dụng các giải pháp công nghệ không chỉ giúp quản lý nhân sự hiệu quả mà còn hạn chế thất thoát, kiểm soát chi phí tốt hơn. Theo tính toán, tối ưu công nghệ có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 3% tổng chi phí vận hành”, ông Nguyễn Đỗ Anh Quân nhận định.

Một ví dụ điển hình, chi phí nhân sự hiện đang chiếm tới 15,8 - 18% trên tổng doanh thu tại các cửa hàng ăn uống. Tại TP.HCM, để tối ưu hóa vận hành, nhiều doanh nghiệp đã nhờ đến sự giúp sức của công nghệ. Cuối năm 2024, một thương hiệu quán nướng Nhật Bản đã khai trương chi nhánh đầu tiên tại Vạn Hạnh Mall (quận 10, TP.HCM). Quán áp dụng quy trình gọi món bằng cách quét mã QR trên điện thoại di dộng, giúp thực khách thuận tiện gọi món bất cứ lúc nào mà không cần phải chờ nhân viên hỗ trợ. Quy trình giao món ăn sử dụng một robot có hình dáng phi thuyền, chạy từ khu vực bếp đến thẳng bàn thực khách.

Cách làm này đã thu hút sự chú ý của nhiều người trẻ và đơn giản hóa quy trình phục vụ của quán ăn. Giờ đây, một nhân viên có thể cùng lúc phục vụ tới 5 bàn khách, chủ yếu là hướng dẫn thao tác gọi món, và cũng không phải di chuyển nhiều vì đã có robot giúp sức trong việc mang đồ ăn. Đồng thời, giảm thiểu sai sót từ việc tiếp nhận gọi món, nhất là trong giờ cao điểm.

Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2023-2027 đạt 10,25% và dự kiến sẽ đạt giá trị 872.916 ngàn tỷ đồng vào năm 2027. Trong trung hạn và dài hạn, ngành F&B vẫn là một ngành tiềm năng ở Việt Nam nhờ vào các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi. Bên cạnh đó, du lịch cũng là một động lực quan trọng. Chi tiêu của khách du lịch quốc tế bao gồm nhiều hạng mục, trong đó riêng với thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 30 - 40% chi tiêu.

Với triển vọng này, thị trường F&B ở Việt Nam sẽ càng tiếp tục sôi động và hứa hẹn cuộc chạy đua của các thương hiệu lớn để chiếm lĩnh thị phần. Đây chính là áp lực lớn cho các thương hiệu F&B “già cỗi” khi mức độ cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn nữa. Đó là chưa kể kinh doanh F&B được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh tại Việt Nam, chuyển từ kinh doanh ngoại tuyến (offline), chỉ bán hàng tại chỗ, sang kinh doanh online và tích hợp đa kênh.

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình chuỗi và các mô hình F&B mới kết hợp giữa văn hóa truyền thống và công nghệ, đổi mới sáng tạo” diễn ra trong khuôn khổ triển lãm Food & Hospitality Hanoi 2025, ông Anthony Tuấn Phan, nhà sáng lập và giám đốc điều hành AIAIVN, cho rằng công nghệ không chỉ hỗ trợ vận hành mà còn giúp doanh nghiệp F&B thu thập và quản lý dữ liệu một cách hệ thống. Nhờ công nghệ, thông tin khách hàng được tổng hợp nhanh chóng, phản hồi của họ được xử lý theo trình tự hợp lý, giúp nhà hàng dễ dàng phân tích và điều chỉnh chiến lược kinh doanh...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2025 phát hành ngày 07/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Công nghệ tiếp sức cạnh tranh cho ngành F&B  - Ảnh 1