07:00 25/10/2022

Công nghệ trợ giúp sức khỏe và tinh thần phụ nữ 

Hoài Phương

Những giải pháp ứng dụng kỹ thuật số hướng tới các vấn đề sức khỏe cho phụ nữ đang xuất hiện nhiều hơn nhờ vào một làn sóng FemTech mới. Trong đó, rất nhiều nữ doanh nhân đã tìm ra hướng đi khởi nghiệp phù hợp, đồng thời thổi bùng  làn sóng đầu tư...

FemTech được ghép từ “Female” (nữ giới) và “Technology” (công nghệ), chỉ những nỗ lực sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt, từ sức khỏe thể chất đến tinh thần. Tuy vẫn còn mới mẻ nhưng nghiên cứu từ Công ty Tư vấn quản lý McKinsey (Mỹ) chỉ ra rằng tốc độ phát triển của FemTech đang tăng nhanh nhờ nhận thức của công chúng, số công ty khởi nghiệp và nguồn vốn đầu tư dồi dào.

“LÀN SÓNG” TRỖI DẬY BỞI COVID - 19

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong những năm gần đây chính là cơ sở để thúc đẩy lĩnh vực FemTech. Công nghệ có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội khác nhau như fintech (tài chính và công nghệ) hay agritech (nông nghiệp và công nghệ), do vậy, nó hoàn toàn có thể giải quyết các vấn đề sức khỏe, sinh lý của phụ nữ, tạo ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0. Theo Công ty nghiên cứu Global Market Insights, thị trường này có thể tăng hơn gấp đôi từ 22,5 tỷ USD năm 2021 lên hơn 65 tỷ USD vào năm 2027.

Theo thống kê của FemTech Analytics, có 1.323 công ty FemTech trên toàn cầu vào năm 2021, trong đó có 41 công ty ở Đông Nam Á, với 1.292 nhà đầu tư. “Việc số hóa y tế trên diện rộng, một phần được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19 đã tạo chất xúc tác rất cần thiết cho ngành FemTech. Ngày càng nhiều công nghệ đang được phát triển nhằm cải thiện sức khỏe phụ nữ”, Kate Batz, Giám đốc FemTech Analytics nhận định.

FemTech Analytics dự đoán đến năm 2026 khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về các ứng dụng chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, nhờ thái độ cởi mở hơn về các đề tài sức khỏe nữ giới. Sarah Knibbs, đứng đầu tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Trước đại dịch, tính trung bình, phụ nữ đang làm gấp 3 lần lượng công việc không được trả lương so với đàn ông. Trong đại dịch Covid -19, lượng công việc càng nhiều, khi họ phải gánh gồng việc chăm sóc cả gia đình, bởi nhà giữ trẻ, viện dưỡng lão và trường học đều đóng cửa”.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong những năm gần đây chính là cơ sở để thúc đẩy lĩnh vực FemTech.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong những năm gần đây chính là cơ sở để thúc đẩy lĩnh vực FemTech.

Một nhu cầu tăng mạnh suốt thời gian đại dịch là các dịch vụ sinh sản, mẹ và bé, vốn chiếm tới 38% thị trường FemTech thế giới. Những dịch vụ này bị cắt giảm đầu tiên khi các bệnh viện buộc phải tập trung mọi nguồn lực phòng chống Covid-19. Tại Philippines chẳng hạn, một ứng dụng mang tên MyAva vừa ra đời đã gây “sốt” trong năm 2021 nhờ kỳ vọng giúp phụ nữ tiếp cận bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên thể dục tất cả trong một.

Theo Công ty McKinsey, trong lĩnh vực sức khỏe kỹ thuật số, các công ty FemTech hiện nhận được 3% tổng số nguồn tài trợ. Xem xét hàng trăm công ty FemTech, McKinsey nhận thấy số tiền đầu tư vào các nhóm sản phẩm hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, thiết bị phụ khoa và giải pháp hỗ trợ sinh sản với tổng mức vốn tài trợ đạt 2,5 tỷ USD vào đầu tháng 12/2021.

Một cách rõ ràng và đầy hứa hẹn, đây chỉ là khởi đầu cho những gì FemTech có thể đáp ứng. Chỉ riêng tại Nhật Bản, Bộ Kinh tế nước này ước tính đến năm 2025, quy mô thị trường của các công ty FemTech sẽ đạt 16 tỷ USD.

LẤP ĐẦY NHỮNG KHOẢNG TRỐNG Y TẾ

Bên cạnh đó, FemTech đánh dấu sự vươn lên của các doanh nhân nữ. Hơn 70% các công ty FemTech mà McKinsey phân tích có ít nhất một người sáng lập là nữ, so với mức 20% cho các công ty mới khởi nghiệp toàn cầu. Việc tăng cường đại diện nữ giới trong số các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư có thể tạo ra nhiều sản phẩm và giải pháp lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Vì phụ nữ không chỉ là người tiêu dùng mà còn là người ra quyết định chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cả gia đình, nên kết quả sức khỏe tốt hơn cho phụ nữ có thể dẫn đến kết quả tốt hơn cho toàn xã hội.

Theo bà Ida Tin, một trong những CEO công nghệ đi đầu trong xu thế FemTech, ở thời điểm bà bắt tay vào tìm kiếm giải pháp công nghệ của mình, các ứng dụng số vẫn còn rất mới, đặc biệt sức khỏe phụ nữ cũng chưa phải vấn đề được chú ý nhiều. Nhưng các doanh nhân như bà Tin đều muốn tìm kiếm giải pháp cho những lĩnh vực mà các sản phẩm công nghệ đã có chưa đủ tốt hoặc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ. Bà Tin nói. "Tôi rất ngạc nhiên với việc có quá ít những sản phẩm được tạo ra cho thị trường để giải quyết vấn đề thật sự lớn và quan trọng này".

 
Theo thống kê của FemTech Analytics, có 1.323 công ty FemTech trên toàn cầu vào năm 2021, trong đó có 41 công ty ở Đông Nam Á, với 1.292 nhà đầu tư. Việc số hóa y tế trên diện rộng, một phần được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, đã tạo chất xúc tác rất cần thiết cho FemTech.

Đối với tiến sĩ Connie Lehman, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Mass General Boston, ảnh quét ung thư vú giúp cung cấp manh mối để phát triển dịch vụ chăm sóc y tế cá nhân hóa. Sử dụng trí thông minh nhân tạo cùng với hình ảnh, tiến sĩ Lehman đã phát triển một chương trình cung cấp đánh giá chính xác hơn về nguy cơ phát triển ung thư của mỗi bệnh nhân so với việc sử dụng các chỉ dấu sinh học truyền thống. Nghiên cứu nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích bà thành lập công ty của riêng mình vào năm 2021.

Đáng chú ý, vào tháng 8/2021, Maven Clinic, một công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ và thai sản từ xa (Mỹ), đã huy động được hơn 100 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm nữ hoàng truyền hình thực tế Oprah Winfrey, theo một thỏa thuận định giá công ty hơn 1 tỷ USD. Hay bà Guadalupe Lazaro, một trong hai nhà đồng sáng lập của Ease Healthcarey, một nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến giúp việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiện lợi hơn và riêng tư hơn đã gọi vốn được một khoản đầu tư trị giá 1,3 triệu USD – khoản đầu tư lớn nhất vào FemTech ở Đông Nam Á, bởi một quỹ đầu tư mang tên Insignia Ventures.

Tan Yinglan, đối tác quản lý sáng lập Insignia Ventures,  chia sẻ: “Trong đa số các trường hợp, các công ty FemTech nhận được khoản đầu tư nhờ việc họ đang lấp đầy những khoảng trống chưa được giải quyết bởi các hãng dược phẩm và các công ty khác về thiết bị y tế”.

Bà Haruka Motohara từ công ty đầu tư mạo hiểm NOW (Nhật Bản) cũng đồng tình: “Ngành công nghiệp FemTech ứng dụng trong nhiều giai đoạn và mang lại giải pháp cho phái nữ trong các lĩnh vực vốn không được nhiều quốc gia thảo luận công khai. Do đó, FemTech sẽ phát triển bằng cách tạo ra các thị trường mới thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới”.

Tốc độ phát triển của FemTech đang tăng nhanh nhờ nhận thức của công chúng, số công ty khởi nghiệp và nguồn vốn đầu tư dồi dào.
Tốc độ phát triển của FemTech đang tăng nhanh nhờ nhận thức của công chúng, số công ty khởi nghiệp và nguồn vốn đầu tư dồi dào.

Tại Việt Nam, Momby - ứng dụng dành cho ba mẹ bầu và nuôi con nhỏ do các bác sĩ sản khoa, nhi khoa đồng xây dựng - đã phát triển được hơn 2 năm. Dù chỉ thông qua bác sĩ chia sẻ và người dùng mời bạn bè nhưng Momby đã có 22.000 người dùng, có doanh thu 52.000 USD và 3 công ty sử dụng ứng dụng có trả phí.

Tiến sĩ gốc Việt Mabel Yen Ngoc Nguyen thì cùng với một đồng nghiệp sáng lập nên EloCare tại Singapore. Hiện tại, EloCare đang phát triển một thiết bị đeo trên người có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể, huyết áp và các chỉ số khác để hỗ trợ điều trị thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ dựa trên dữ liệu được cá nhân hóa, giúp việc chẩn đoán và điều trị chuẩn xác hơn.

Dù có một số thách thức nhưng Mabel Yen Ngoc Nguyen tin rằng triển vọng FemTech tại châu Á rất lạc quan. “Nhà đầu tư nam giới có thể không hiểu vì sao FemTech lại quan trọng nhưng họ có thể thấy được rằng FemTech đang là xu hướng”, cô nói. “Ngày nay, thuật ngữ này bao hàm một hiện tượng rộng hơn liên quan đến nữ quyền và công nghệ. Các công ty không chỉ cung cấp các giải pháp y tế kỹ thuật số cho sức khỏe phụ nữ mà còn hướng tới việc trao quyền cho phụ nữ nói chung”.