15:59 03/02/2025

Công nghiệp biểu diễn: Một năm bứt phá và đầy chất Việt

Tuệ Mỹ

Từ các chương trình truyền hình thực tế đến các concert lớn, từ festival âm nhạc đình đám đến liveshow của các nghệ sĩ đã tạo nên bức tranh sống động, đầy màu sắc trong hoạt động văn hóa giải trí năm 2024…

Concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tại Hà Nội tháng 12 vừa qua.
Concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tại Hà Nội tháng 12 vừa qua.

Năm 2024, thị trường âm nhạc Việt bùng nổ với những dấu ấn vô cùng khó quên. Những chuỗi chương trình âm nhạc đình đám như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TP.HCM - Hò dô 2024, Rap Việt mùa 4, Cam Philharmonic - Rock Symphony, Musique de Salon, Những thành phố mơ màng, Giao lộ thời gian, GENfest 2024, Liên hoan Quốc tế nhạc Jazz lần thứ 1… ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng.

Bên cạnh đó là hàng loạt chương trình riêng của các nghệ sĩ như: My Soul 1981 mùa 3 - Mỹ Tâm; Bức Tường Unplugged - Cơn mưa tháng năm, Có đôi lần - Đức Trí; Người đàn ông hát - Tùng Dương; Hồng Nhung hát về Hà Nội - Hồng Nhung, School tour Vũ trụ Cò bay - Phương Mỹ Chi, 1689 - Trung Quân…

Các chương trình, sự kiện luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu về phần nội dung âm nhạc lẫn các thiết kế về sân khấu, ánh sáng. Số lượng vé bán ở các concert là những điều mà chỉ một năm hai về trước, công chúng Việt Nam khó lòng tưởng tượng.

THỎA MÃN CẢ PHẦN NGHE LẪN PHẦN NHÌN

Nói đến công nghiệp biểu diễn, không thể không nhắc đến 2 chương trình Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai, đã “làm mưa, làm gió” trên truyền hình và phủ sóng trên mạng xã hội năm qua. Từ bước đệm về truyền thông rất tốt này, nhà sản xuất của cả 2 chương trình đã thực hiện nhiều đêm nhạc thu hút hàng chục ngàn khán giả mỗi đêm.

Cho đến nay, Anh trai say hi đã tổ chức 4 đêm diễn với hơn 150.000 khán giả ở cả 2 miền Nam - Bắc. Anh trai vượt ngàn chông gai đang dừng ở con số 2 concert và dự kiến đêm nhạc thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 3/2025.

Anh trai say hi tạo ấn tượng về mặt âm thanh, khâu kiểm soát khán giả, an ninh chỉn chu, chuyên nghiệp.
Anh trai say hi tạo ấn tượng về mặt âm thanh, khâu kiểm soát khán giả, an ninh chỉn chu, chuyên nghiệp.

Thực tế, các đêm concert "Anh trai" vừa qua đều được đầu tư hoành tráng, thậm chí không hề kém cạnh quy mô của đêm nhạc BlackPink cách đây hơn một năm. Anh trai say hi tạo ấn tượng về mặt âm thanh, khâu kiểm soát khán giả, an ninh chỉn chu, chuyên nghiệp. Ý tưởng sân khấu cũng đa dạng, mới mẻ, thỏa mãn kỳ vọng của khán giả về cả phần nghe lẫn phần nhìn.

Trong khi đó, concert Anh trai vượt ngàn chông gai hoành tráng về thiết kế sân khấu, đồ họa, kỹ xảo 3D, hiệu ứng và ánh sáng. Ngoài sân khấu chính rộng tới 70 m, concert còn có sân khấu phụ ở phía trước kèm theo bàn nâng có thể di chuyển, chạy dọc qua khu vực khán giả… Các ê-kíp tổ chức cho thấy sự nỗ lực và chỉn chu trong việc đưa người hâm mộ tới trải nghiệm các concert đẳng cấp quốc tế, và đây là điều rất đáng ghi nhận.

“Tại Việt Nam, sự kiện âm nhạc hoành tráng nhất đến nay có thể tiêu tốn 2 triệu USD, tức khoảng 50 tỷ đồng, chưa tính các khoản chi phí cho truyền thông", ông Nguyễn Tuấn Nhựt, CEO ST Events, đồng thời cũng là nhà tổ chức Hội Music Festival, chia sẻ.

Ở những concert hoành tráng, thu hút đông khán giả như Anh trai say hi hay Anh trai vượt ngàn chông gai, quy mô đầu tư còn cao hơn nhiều do chi phí thuê địa điểm lẫn dàn dựng sân khấu, âm thanh, cũng như tổng cát-xê cho các nghệ sỹ.

Các đêm concert "Anh trai" không hề kém cạnh quy mô của đêm nhạc BlackPink cách đây hơn một năm.
Các đêm concert "Anh trai" không hề kém cạnh quy mô của đêm nhạc BlackPink cách đây hơn một năm.

Những tín hiệu vui trong việc phát hành vé, mua bán merchandise (hàng hoá lưu niệm dành cho người hâm mộ) đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong việc thưởng thức các sản phẩm âm nhạc của khán giả. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành văn hóa, thể thao, du lịch năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gợi ý, cần nhân rộng mô hình concert Anh trai vượt ngàn chông gaiAnh trai say hi, để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.

Cũng tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, chia sẻ bản thân là một trong số hơn 50.000 khán giả tại concert 2 của Anh trai vượt ngàn chông gai.

"Ở đó, hơn 50.000 khán giả cùng hát vang những làn điệu Trống cơm, Dạ cổ hoài lang... với sự đồng bộ về âm thanh, ánh sáng, thời trang. Các nhà sản xuất cho rằng chương trình này dự kiến thu 340 tỷ đồng", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.

HỢP TÁC CÔNG - TƯ ĐỂ LAN TỎA BẢN SẮC VIỆT

Dù bùng nổ, nhưng năm 2024 vẫn có những vấn đề đọng lại. Sự tác động của các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc ít nhiều làm giảm đi phần nào sự đa dạng trong các sản phẩm cá nhân trên thị trường. Cùng với đó là việc tổ chức các chương trình truyền hình về âm nhạc, các concert, liveshow cũng đang đứng trước nhiều áp lực khi khán giả Việt đã bắt đầu chấp nhận “chi tiền” để thưởng thức các chương trình và dĩ nhiên đi kèm là các đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, sự độc đáo và nhất là tính chuyên nghiệp.

Hơn 50.000 khán giả đã cùng hát vang những làn điệu Trống cơm, Dạ cổ hoài lang...
Hơn 50.000 khán giả đã cùng hát vang những làn điệu Trống cơm, Dạ cổ hoài lang...

Hiện, các sự kiện lớn với quy mô hàng chục nghìn khán giả chỉ có 2 lựa chọn là các địa điểm sẵn có như sân vận động hay trung tâm hội nghị, hoặc các khu vực đất trống ở ngoại thành. Thực tế, các sân vận động là lựa chọn ít rủi ro vì đảm bảo về hạ tầng, sức chứa, nguồn điện...

Tuy nhiên, chi phí không hề thấp, và các địa điểm này cũng không được thiết kế riêng theo nhu cầu của các hoạt động giải trí, nghệ thuật. Trong khi đó, những nơi có diện tích trống đủ lớn như Vinhomes Ocean Park 2-3 (Hưng Yên) hay The Metropole Thủ Thiêm, The Global City (TP.HCM) đảm bảo sức chứa nhưng lại không có cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, để thị trường nhạc Việt nổi bật, thu hút thêm sự chú ý bên ngoài, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này nhấn mạnh vấn đề bản sắc phải được đặt lên hàng đầu. Trong mục tiêu phát triển văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng, việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc được đánh giá là rất quan trọng.

Nhạc sĩ Huy Tuấn nhấn mạnh: những chất liệu truyền thống cần được kể bằng ngôn ngữ âm nhạc toàn cầu, đại chúng để chinh phục khán giả. Trong những sự kiện âm nhạc lớn, chẳng hạn như Hò Dô, những chất liệu này đã được giới thiệu nhưng lại đứng đơn lẻ. Vì vậy, chưa phát huy hết giá trị để tạo ấn tượng với công chúng, đặc biệt với khán giả quốc tế.

Theo ông Phạm Đình Tâm, quản lý dự án của IME, đơn vị đưa Blackpink về Việt Nam biểu diễn, chiến lược phát triển công nghiệp biểu diễn cần đặt ra từng giai đoạn cụ thể. Muốn thu lợi nhuận từ văn hóa, giải trí nói chung phải tạo được những thương hiệu đủ mạnh, có ảnh hưởng rộng lớn, từ đó phát triển sản phẩm vệ tinh xung quanh. Với âm nhạc, xuất phát điểm vẫn nên là tác phẩm hay, chất lượng, biểu diễn cuốn hút và nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng.

Trong mục tiêu phát triển văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng, việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc được đánh giá là rất quan trọng.
Trong mục tiêu phát triển văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng, việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc được đánh giá là rất quan trọng.

Thực tế, trong Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của chính phủ, nghệ thuật biểu diễn là một trong 12 lĩnh vực trọng yếu, đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 31 triệu USD vào năm 2030. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực biểu diễn nói riêng không chỉ trông chờ vào tài năng của các nghệ sĩ, sự chịu chi của khán giả mà còn phải được đầu tư và quản lý chuyên nghiệp.

Trong đó, Nhà nước có vai trò quản lý, điều phối, hỗ trợ chính sách, địa điểm biểu diễn; các đơn vị tư nhân có lợi thế am hiểu thị trường, gu khán giả, tiếp cận đối tác quốc tế… Điều này không chỉ giúp nghệ sĩ tự do sáng tạo mà còn khuyến khích sự hợp tác công - tư, một cánh cửa mở để các đối tác cùng nhau gây dựng nền công nghiệp biểu diễn đậm chất Việt.