10:37 11/07/2023

Công nghiệp hỗ trợ điện tử cần nắm cơ hội bứt phá

Vũ Khuê

Cơ hội, thách thức với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử đang đan xen. Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội…

Công nghiệp hỗ trợ điện tử đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Công nghiệp hỗ trợ điện tử đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng đại dịch Covid-19, chiến tranh đã làm thay đổi cũng như định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bức tranh công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử có sự phát triển rất đặc thù và lệch. Xuất khẩu điện thoại chiếm tỷ trọng lớn nhất (73%), tiếp sau là mạch điện tử và tích hợp chủ yếu cung cấp cho máy tính và thiết bị ngoại vi. Đây là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ lực của ngành điện tử Việt Nam hiện nay.

NGUY CƠ TỤT HẬU CÔNG NGHỆ

Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ điện tử đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2021 và 2022 (371,85 tỷ USD).

Năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD, riêng ngành điện tử xuất siêu tới 11,5 tỷ USD. Năm 2022 khi Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD thì công nghiệp điện tử xuất siêu 11,24 tỷ USD. Điều này chứng tỏ sự đóng góp to lớn của ngành trong đảm bảo cán cân ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước.

Do biến động của kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng của ngành chậm lại vào năm 2022 (5,76% so với 2021 là 13%, 2020: 9,7% và 2019: 10,8%).

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn, nhân lực hạn chế. Khu vực doanh nghiệp có vốn dưới 1 triệu USD – 5 triệu USD chiếm 21-26%.

Đến cuối năm 2022, có trên 200 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp lớp 1,2,3 cho Samsung, trong có 52 doanh nghiệp lớp 1. Tương tự, LG Việt Nam, Canon Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng là các doanh nghiệp Việt Nam khá đông đảo. Canon hiện đã có 176 doanh nghiệp địa phương là nhà cung cấp cho họ.

Song nhìn nhận một cách thẳng thắn, đại diện VASI cho rằng công nghiệp hỗ trợ điện tử đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Chính sách không theo kịp sự thay đổi.

Việc thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng ở trạng thái bình thường mới đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc.

Nguy cơ tụt hậu xa hơn do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh, buộc doanh nghiệp phải phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, lao động giá rẻ và sự sẵn có của tài nguyên thiên nhiên không còn là lợi thế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử thiếu nguồn lực lao động có kỹ năng, tài chính và công nghệ để tiếp nhận giá trị công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI. Rủi ro chuyển giao công nghệ vào Việt Nam thấp và trung bình.

Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiếu bền vững sẽ tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng nhận định, tốc độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử hiện nay còn rất thấp. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều sử dụng máy vi tính nhưng ở mức độ ứng dụng thông thường trong khi thiếu các ứng dụng mang tính chuyên sâu. Số lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho số hóa chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp cả nước…

THAY ĐỔI KỊP THỜI ĐỂ NẮM CƠ HỘI

Đại diện VASI nhận định, năm 2023 nền kinh tế thế giới vẫn rơi trong vùng suy thoái nhẹ, cục bộ, lạm phát tuy đã qua đỉnh nhưng đây chính là thời điểm các doanh nghiệp, người dân chịu tác động lớn nhất. Giá hàng hoá giảm nhưng nhu cầu của người tiêu dùng không tăng, nhất là với sản phẩm điện, điện tử.

Đặc biệt, sau cú hích của Covid-19, thói quen và hành vi tiêu dùng mới được hình thành, khách hàng ngày nay chuộng mua sắm trực tuyến hơn. Khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tính ứng dụng thực tế của các sản phẩm/thiết bị điện tử hơn là các thiết bị cao cấp (Flagship).

“Một thói quen thường thấy trước Covid-19 là khách hàng hay thay đổi thiết bị cao cấp, nay nhu cầu đã giảm đi rất nhiều. Các nhà sản xuất điện tử cũng căn cứ vào hành vi tiêu dùng này để điều chỉnh định hướng tổ chức sản xuất và năng lực sản xuất các loại thiết bị điện tử’, bà Hương phân tích.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ sự thay đổi này. Đó là cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.

Cơ hội gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính do điều chỉnh chuỗi cung ứng sau Covid-19 vì họ mong muốn nhập hàng từ những thị trường mới nổi như Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất sang Việt Nam cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.

Các nước thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và khu vực, việc phê chuẩn các hiệp định tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA,… diễn ra khẩn trương hơn, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử.

Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex Việt Nam cho rằng cơ hội và thách thức với doanh nghiệp điện tử đan xen. Vì thế doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội.

Theo ông Tài, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đa số nhỏ và vừa nên sản xuất manh mún, công nghệ chưa cao, nên năng suất hạn chế, chất lượng chưa đạt yêu cầu của khách hàng.

Hơn nữa chuỗi cung ứng chưa khép kín, chưa đồng bộ hoá được, chưa kết nối được các nhà máy với nhau nên vẫn rời rạc. Cơ hội đến rất nhanh nhưng đi cũng nhanh. Ấn Độ đang phát triển, mong muốn lấy lại vị thế trung tâm sản xuất hàng đầu từ Trung Quốc. Họ có tài nguyên nhân lực lớn hơn Trung Quốc, nguồn nguyên liệu giá rẻ.

Việt Nam đang trong giai đoạn tốt nên doanh nghiệp cần kịp thời thay đổi để nắm lấy vận mệnh đang có, đẩy mạnh quá trình số hoá.

Chính phủ cần kịp thời điều chỉnh chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn.