10:19 26/03/2007

Công nghiệp không khói thiếu lao động

Lý Hà

Ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động trình độ cao

Trình độ ngoại ngữ của các hướng dẫn viên du lịch cũng là một vấn đề lớn.
Trình độ ngoại ngữ của các hướng dẫn viên du lịch cũng là một vấn đề lớn.
Theo ước tính của ngành du lịch, từ nay đến năm 2010, Việt Nam sẽ đón và phục vụ 5,5 đến 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 25 đến 26 triệu lượt khách nội địa.

Khi đó, số lượng lao động cần khoảng 1,4 triệu người ở các lĩnh vực, với yêu cầu trình độ khác nhau, trong đó, lao động nghiệp vụ lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ khách sạn chiếm trên 308.000 người.

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhu cầu nhân lực cho du lịch sẽ rất lớn.

Năm 2010, nhu cầu lao động trực tiếp trong ngành du lịch ước tính lên tới 333.400 người và tỉ lệ tăng bình quân mỗi năm là 8,5%, con số tương ứng tại năm 2015 sẽ là 503.200 người và 10,2%.

Lao động nghiệp vụ (lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên bàn-bar-buồng...) chiếm số lượng lớn nhất, khoảng 308.100 người vào năm 2010 và 467.000 người vào năm 2015.

Trong đó, số lượng lao động qua đào tạo cần tăng thêm khoảng 19.000 người mỗi năm. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi mà chất lượng lao động của ngành du lịch chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.

Hiện nay, hầu hết các khách sạn cao cấp như Dawoo, Melia, Furama... đều vấp phải một khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên đã qua đào tạo một cách bài bản, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là nhân viên giỏi tiếng Anh. Mặc dù, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch khi được nhận vào làm việc tại các khách sạn đều phải qua một khóa đào tạo ngắn hạn của khách sạn.

Ông Jan Hilhorst, Giám đốc phát triển kinh doanh Khách sạn Swiss – Belhotel International (SBI) tại Việt Nam cho biết, trong vòng 2-3 năm tới, Tập đoàn SBI sẽ cần tuyển khoảng 4.000 nhân viên làm việc tại 10 khách sạn và khu du lịch của tập đoàn tại Việt Nam nhưng rất khó khăn trong việc tìm lao động. Các công ty lữ hành cũng khá vất vả khi tìm những hướng dẫn viên du lịch....

Chỉ xét riêng về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp, Nhật, Đức... số hướng dẫn viên thông thạo những thứ tiếng này chỉ chiếm khoảng 5-12% trong tổng số trên 5.000 hướng dẫn viên được cấp thẻ.

Đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao, các doanh nghiệp đã chọn giải pháp ký hợp đồng cộng tác viên với nhiều hướng dẫn viên ngoài biên chế. Với giải pháp linh hoạt này, các công ty du lịch mới có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Tổng cục Du lịch Việt Nam, giáo dục và đào tạo du lịch phải gắn liền với nhu cầu thị trường.

Theo đó, đào tạo trước hết phải tập trung vào những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ do thị trường quyết định. Chỉ đào tạo những gì thực tế cần, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo là sự chấp nhận của người sử dụng lao động và tỉ lệ tìm được việc làm.

Do vậy, đầu tư cho đào tạo du lịch từ chương trình đào tạo, tới trang thiết bị, phương tiện có tính đặc thù, đòi hỏi phải có tính toán kỹ lưỡng và cần thiết phải có sự tham gia của người sử dụng lao động.

Tính chất lao động trong ngành du lịch ở nhiều trình độ khác nhau, từ giản đơn (lao động nghiệp vụ) đến phức tạp (giám sát, quản lý). Vì vậy, hệ thống đào tạo du lịch cần thiết phải đảm bảo thực hiện đào tạo liên thông từ thấp đến cao. Cơ chế đào tạo nhất thiết phải thông thoáng, thuận lợi và có sự kết hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trọng Ty, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng du lịch Hà Nội, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cần phải nâng cao năng lực và phẩm chất nghề nghiệp.

Người lao động, ngoài những kiến thức, kỹ năng phục vụ khách, còn cần kiến thức, kỹ năng quản lý trong từng lĩnh vực: quy hoạch, marketing, tài chính, dự án phát triển; kiến thức chung về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam; kiến thức về dịch vụ, ngoại ngữ, vi tính, kỹ năng giao tiếp, phong cách phục vụ...

Phẩm chất nghề nghiệp thể hiện qua thái độ đối với công việc: sẵn sàng hoàn thành công việc được giao, thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình, kỹ thuật; tận tụy với công việc, góp phần thoả mãn nhu cầu công việc, tạo được ấn tượng và nâng cao chất lượng; thái độ tích cực phục vụ trong mọi hoàn cảnh, tác phong cởi mở, nhanh nhẹn và thiện cảm.

Tổng cục Du lịch khẳng định, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2015 sẽ có thêm 10 trường đào tạo chuyên ngành du lịch, những trường này tập trung ở vùng trọng điểm về du lịch của Việt Nam như vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung - Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ.

Hiện ngành du lịch chỉ có 4 trường đào tạo về du lịch do Tổng cục Du lịch quản lý đặt tại Hà Nội, Huế, Hải Phòng và Vũng Tàu.