14:32 03/08/2021

Covid-19 ở Nhật Bản: Chỉ những F0 nặng mới được nhập viện, nhẹ điều trị tại nhà

An Huy

Quyết định này được đưa ra khi nhà chức trách Nhật Bản lo ngại hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải do số ca nhiễm mới tăng mạnh ở thủ đô Tokyo và nhiều khu vực khác...

Hành khách vào giờ cao điểm buổi sáng tại nhà ga Shinagawa, Tokyo, sáng 2/8 - Ảnh: Reuters.
Hành khách vào giờ cao điểm buổi sáng tại nhà ga Shinagawa, Tokyo, sáng 2/8 - Ảnh: Reuters.

Nhật Bản sẽ chỉ cho nhập viện những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng hoặc có nguy cơ chuyển nặng, trong khi những ca bệnh nhẹ sẽ cách ly và điều trị tại nhà. Quyết định này được đưa ra khi nhà chức trách Nhật Bản lo ngại hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải do số ca nhiễm mới tăng mạnh ở thủ đô Tokyo và nhiều khu vực khác.

Số ca nhiễm mới Covid ở Nhật Bản đã tăng mạnh, lên mức hơn 10.000 ca mỗi ngày. Hôm thứ Bảy vừa rồi, Tokyo ghi nhận con số kỷ lục 4.058 ca nhiễm mới.

Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Hironori Sagara - Giám đốc Bệnh viện Đại học Showa - nói rằng các bệnh viện ở Tokyo đã bắt đầu bị đặt dưới sức ép lớn.

“Đã có những bệnh nhân liên tiếp bị từ chối cho nhập viện”, ông Sagara cho hay. “Trong lúc đang diễn ra Olympic, tình hình nhân sự tại các bệnh viện rất căng thẳng”.

Chánh thư ký nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói với báo giới rằng số người già mắc Covid ở nước này có chiều hướng giảm, có thể do hầu hết đối tượng này đã được tiêm vaccine.

“Trong khi đó, số ca nhiễm ở người trẻ hơn đang tăng. Đặc biệt, số ca có triệu chứng nặng ở những người ở tuổi ngoài 40 và 50 ngày càng nhiều”, ông Kato nói. “Hiện nay, số người phải nhập viện vì sốc nhiệt cũng tăng, nên một số bệnh nhân Covid bị từ chối nhập viện và phải tự điều trị tại nhà”.

Đích thân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga là người công bố việc chỉ cho những trường hợp F0 nặng hoặc có nguy cơ chuyển nặng nhập viện. Sáng 2/8, ông Suga nói rằng Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp để đảm bảo rằng những người cách ly tại nhà có thể được nhập viện trong trường hợp cần thiết.

Dù vậy, đã có một số ý kiến cho rằng thay đổi này có thể dẫn tới sự gia tăng về số ca tử vong.

“Họ gọi đó là điều trị ở nhà, nhưng thực chất là bỏ mặc ở nhà”, bà Yukio Edano, thủ lĩnh Đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản, nói với đài NHK.

Hôm thứ Hai, Nhật Bản mở rộng tình trạng khẩn cấp ra ba tỉnh gần Tokyo và tỉnh phía Tây Osaka. Tình trạng khẩn cấp đang áp dụng ở Tokyo - lần thứ tư kể từ khi đại dịch bắt đầu - và ở Okinawa sẽ kéo dài đến ngày 31/8.

Từ đầu đại dịch tới Chủ nhật vừa rồi, Nhật Bản ghi nhận 932.000 ca nhiễm và hơn 15.000 ca tử vong. Nước này hiện đang chật vật ứng phó với sự lây lan nhanh chóng của biến chủ Delta, trong bối cảnh công chúng đã mệt mỏi với các hạn chế, chủ yếu là tự nguyện, đối với các hoạt động và chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp.

Hiện mới có chưa đầy 30% dân số Nhật Bản được tiêm phòng đầy đủ, trong đó tỷ lệ tiêm đủ ở những người từ 65 tuổi trở lên là 3/4.

Theo dữ liệu của Tokyo, số giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19 thể nặng tại thành phố này được sử dụng gần 70% ở thời điểm ngày Chủ nhật.

Ông Sagara của Bệnh viện Đại học Showa nói rằng có sự khác biệt giữa số giường bệnh sẵn có trên lý thuyết và số giường bệnh có thể tiếp nhận bệnh nhân ngay lập tức. “Tôi nghĩ rằng số giường có thể tiếp nhận ngay bệnh nhân gần như không còn”, ông nói, và nhấn mạnh rằng các bệnh viện sẽ phải hạn chế hoạt động phẫu thuật và các cuộc điều trị cho bệnh nhân không phải Covid.

“Chúng tôi phải tránh để xảy ra tình huống là Olympic đang diễn ra mà hệ thống y tế lại bị sập”, ông Sagara phát biểu. “Hiện tại, lây nhiễm đang tăng nhanh và nếu tăng cao hơn, Olympic sẽ bị coi là thất bại”.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Nhật Bản, bệnh nhân Covid-19 thể nặng là những người cần được đưa tới phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc cần thở máy.

Tờ báo Tokyo Shimbun cho biết hiện có 12.000 bệnh nhân Covid đang cách ly tại nhà ở thành phố này, tăng gấp 12 lần so với cách đây 1 tháng.

Thủ tướng Suga và các nhà tổ chức Olympic nói không có mối liên hệ nào giữa đại hội thể thao diễn ra từ ngày 23/7-8/8 với sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm Covid mới ở Nhật.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nói rằng việc Nhật Bản tổ chức Olympic gửi đi một thông điệp khó hiểu về sự cần thiết phải ở yên trong nhà, theo đó đóng góp vào sự gia tăng của số ca nhiễm mới.

Không giống như các biện pháp hạn chế tự nguyện và tỷ lệ tiêm vaccine thấp ở Nhật Bản, hơn 80% số người hiện đang ở tại làng Olympic ở Tokyo – nơi lưu trú cho các vận động viên và huấn luyện viên dự Olympic – đã được tiêm vaccine. Ngoài ra, việc xét nghiệm Covid thường xuyên ở đây là bắt buộc và việc đi lại cũng bị hạn chế.

Các nhà tổ chức Olympic ngày 3/8 cho biết có 18 ca nhiễm Covid mới liên quan đến sự kiện thể thao này, nâng tổng số ca nhiễm liên quan đến Olympic từ hôm 1/7 lên 294 ca.