13:31 03/08/2021

IMF phân bổ 650 tỷ USD giúp các nền kinh tế chống chọi với Covid-19

An Huy

Đây là đợt phân bổ nguồn lực lớn nhất trong lịch sử IMF, với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia giảm bớt gánh nặng nợ nần và giảm nhẹ những tác động kinh tế mà virus Sars-CoV-2 gây ra...

Tổng giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva - Ảnh: Getty/FT.
Tổng giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva - Ảnh: Getty/FT.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí tăng cường hỗ trợ tài chính nhằm giúp các nền kinh tế vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, bằng cách phân bổ 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - Bloomberg đưa tin.

Theo hãng tin trên, đây là đợt phân bổ nguồn lực lớn nhất trong lịch sử IMF, với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia giảm bớt gánh nặng nợ nần và giảm nhẹ những tác động kinh tế mà virus Sars-CoV-2 gây ra.

Việc tạo ra lượng SDR này đánh dấu đợt phân bổ đầu tiên kể từ khi lượng SDR tương đương 250 tỷ USD được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Tổng giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva gọi đây là “mũi tiêm vào cánh tay của thế giới” nhằm giúp tăng cường sự ổn định kinh tế toàn cầu.

“Đợt phân bổ SDR này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên, giải quyết nhu cầu của thế giới trong dài hạn về dự trữ, xây dựng niềm tin, và củng cố sự vững và và ổn định của kinh tế toàn cầu”, bà Gerogieva nói trong một tuyên bố. “Sự phân bổ sẽ giúp ích đặc biệt cho những quốc gia yếu thế nhất đang phải vật lộn với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Giới chức IMF đã lên kế hoạch cho đợt phân bổ SDR này trong suốt hơn 1 năm qua. Kế hoạch lúc đầu đã bị trì hoãn vào đầu năm 2020, do sự phản đối của Mỹ - nước có đóng góp tài chính lớn nhất trong IMF. Khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng nguồn quỹ này sẽ không đến tay những quốc gia cần nhất.

Lập trường của Mỹ thay đổi sau khi bà Janet Yellen trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. IMF bắt đầu xem xét các lựa chọn để những nước thành viên có vị thế tại chính mạnh hơn phân bổ lại dự trữ nhằm hỗ trợ những nước yếu thế và thu nhập thấp.

Đối với các quốc gia, SDR được xem như một tài sản nước ngoài dự trữ. Theo quy chế hiện hành, SDR được phân bổ cho mỗi quốc gia trong tổng số 190 nước thành viên của IMF tương đương với hạn ngạch (quota) của mỗi nước. Theo đó, 70% SDR sẽ thuộc về nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20), và chỉ 3% được cấp cho các nước thu nhập thấp.

Tổng cộng, 58% lượng SDR mới sẽ về tay các nền kinh tế phát triển, và 42% còn lại dành cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Trong số 650 tỷ USD SDR mới tạo, chỉ có 21 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các ước thu nhập thấp, và 212 tỷ được cấp cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển còn lại, không tính Trung Quốc - theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ.

Vào tháng 6, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã phê chuẩn một kế hoạch phân bổ lại 100 tỷ USD SDR mới cho các nước nghèo hơn. Tuy nhiên, cuộc họp của nhóm G20 vào tháng 7 chỉ ủng hộ việc phân bổ 650 tỷ USD SDR mới, chứ chưa đi đến một kế hoạch chi tiết về phân bổ lại để giúp các nước nghèo hơn.

Việc phân bổ lại SDR sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước châu Phi, nhóm chỉ được cấp khoảng 33 tỷ USD SDR theo hạn ngạch. Pháp đã cam kết sẽ phân bổ lại một phần SDR của nước này cho “lục địa đen”.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa từng nói rằng 1/4 tổng lượng phân bổ SDR mới, tương đương khoảng 162 tỷ USD, nên được cấp cho các nước châu Phi. Ông cũng kêu gọi các nước giàu tài trợ thay vì chỉ cho vay SDR đối với các nước nghèo.