Covid-19 và những nguy cơ đến từ bệnh tiểu đường
Những người mang sẵn bệnh nền như tim mạch và tiểu đường được biết là có nguy cơ chịu các biến chứng nghiêm trọng hơn khi nhiễm Covid-19...
Mới đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế còn cảnh báo có nhiều bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có thể làm khởi phát bệnh tiểu đường ở người khỏe mạnh. Bác sĩ Francesco Rubino ở Ðại học Hoàng đế Luân Ðôn (Anh) đã cùng các đồng nghiệp trên khắp thế giới thu thập tư liệu về những ca tiểu đường mới khởi phát có liên quan đến Covid-19.
Từ khi được thành lập, dự án có tên CoviDia này thu thập được những bằng chứng tuy nhỏ nhưng ngày càng nhiều về mối liên quan giữa tiểu đường mới khởi phát và Covid-19. Như trong một phân tích quy mô lớn vào cuối năm ngoái, các chuyên gia đã xem xét dữ liệu lấy từ 8 nghiên cứu và nhận diện được 492 ca bệnh tiểu đường mới trên 3.711 bệnh nhân Covid-19.
Theo tạp chí Study Finds, gần đây, các nhà nghiên cứu theo dõi gần 50.000 bệnh nhân Covid-19 trong 5 tháng và nhận thấy có 4,9% trường hợp được phát hiện mắc bệnh tiểu đường sau nhiều tháng khỏi bệnh.
“SARS-COV-2 có khả năng liên kết với các thụ thể ACE-2, hiện diện trong một số nội tạng chuyển hóa quan trọng - bao gồm tế bào tuyến tụy, mô mỡ, ruột non, gan và thận. Vì thế, nó có thể gây ra nhiều thay đổi đồng thời trong quá trình chuyển hóa glucose, làm phức tạp tình trạng của bệnh tiểu đường sẵn có hoặc dẫn đến các ca tiểu đường mới,” các chuyên gia lý giải về cơ chế gây ra tiểu đường ở bệnh nhân Covid-19.
Trước đó, Viện Y tế Quốc gia Ý cũng đã tiến hành khảo sát 18% trên tổng số hơn 3.000 ca tử vong tại Ý do Covid-19. Trong đó có 35% là người bệnh tiểu đường. Con số này cao thứ 2, chỉ sau tăng huyết áp.
Các nghiên cứu cho thấy người bệnh tiểu đường, đường huyết tăng cao kéo dài gây ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus. Chưa kể đến các bệnh cơ hội như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch vành thường đi kèm với rối loạn chuyển hóa đường (glucose) làm cho hệ miễn dịch vốn đã suy yếu nay càng suy yếu thêm. Khi đó virus SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập và nhanh chóng tấn công xuống phổi, gây viêm phổi.
Theo các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Ý, hai trong số những tác động nghiêm trọng của SARS-CoV-2 với người bệnh tiểu đường đã được phát hiện. Thứ nhất là rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch làm tăng nặng thêm tình trạng nhiễm trùng và mất khả năng kiểm soát sự lây lan của virus. Và thứ hai là tổn thương tim cấp tính như viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp tính, rối loạn nhịp tim làm tăng nguy cơ tử vong.
Với những người có bệnh lý nền là tiểu đường trong mùa dịch, các bác sỹ khuyên rằng họ nên dự trữ ít bột yến mạch, mì miến để thay đổi khẩu vị cho dễ ăn. Đặc biệt, vẫn cần ăn uống điều độ, không bỏ bữa. Nếu không thể ăn đồ rắn, người bệnh có thể nấu cháo súp nhưng cần kiểm tra đường huyết 3 - 4 lần/ngày và bù đủ nước nếu có nôn sốt.
Người bệnh tiểu đường nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày với các bài tập tại nhà như yoga, thiền, dịch cân kinh, chạy bộ với máy tập… Nếu bị đau khớp, bạn có thể tập đạp xe đạp trên không bằng cách nằm thẳng và đạp chân giống như đang đạp xe đạp.
Dọn dẹp nhà cửa (lau sàn, cầu thang, tay nắm cửa, các thiết bị điện tử, dọn phòng vệ sinh, phòng ăn…) cũng là một cách tập luyện hiệu quả. Không chỉ giúp đường huyết ổn định hơn, dọn dẹp còn làm giảm nguy cơ nhiễm virus.