“Cú hích” kích cầu du lịch của vùng đất Cố đô Ninh Bình
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới, tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ hội ẩm thực du lịch Ninh Bình và Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương…
Từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến với Ninh Bình tăng trưởng cao, đạt gần 1 triệu lượt, đóng góp lớn vào doanh thu du lịch của tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng để ngành du lịch hoàn thành vượt mức mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2024. Sau đợt cao điểm hè dành cho khách nội địa, từ tháng 10 được xem là “mùa vàng” để Ninh Bình đón khách du lịch quốc tế. Trong đó, phần lớn là khách đến từ các nước Châu Âu, các quốc gia Nam Á yêu thích loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa bản địa.
PHÔ DIỄN VẺ ĐẸP MIỀN CỐ ĐÔ
Lễ hội ẩm thực du lịch Ninh Bình năm 2024 được tổ chức nhằm giới thiệu, trình diễn, giao lưu văn hóa, ẩm thực giữa các huyện, thành phố, các đơn vị kinh doanh ẩm thực trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, nghiên cứu phục hồi các món ăn theo phong cách Cung đình Hoa Lư xưa.
Các hoạt động chính diễn ra trong Lễ hội gồm Không gian trưng bày ẩm thực vùng miền; Hội thi ẩm thực du lịch (ngày 24/10) với các phần thi: Mâm cỗ truyền thống (tiến Vua), chế biến món ăn; tọa đàm về phát triển văn hóa ẩm thực du lịch Ninh Bình (ngày 22/10). Sự kiện thu hút sự tham gia của 8 huyện, thành phố trong tỉnh cùng 100 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia thi, trưng bày. Sự kiện mở cửa miễn phí cho người dân và du khách tham dự.
Trong khi đó, Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương được tổ chức từ ngày 26 - 29/10/2024 với chủ đề “Tuyệt sắc miền Cố đô”. Lễ hội sẽ có 35 Khinh khí cầu và Dù lượn được điều khiển bởi phi công nước ngoài và câu lạc bộ Dù lượn thành phố Hà Nội. Thời gian để người dân và du khách trải nghiệm khinh khí cầu sẽ là từ 7h - 9h và từ 16h30 - 21h. Đối với hoạt động tham quan chụp ảnh check-in bên khinh khí cầu được tổ chức từ 7h30 – 9h30 và từ 15h30 hàng ngày.
Với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh, bền vững; du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng giá trị tự nhiên, lịch sử văn hóa một cách tối đa cùng với cách làm bài bản phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có kết hợp sáng tạo giữa Văn hóa- Nghệ thuật - cảnh sắc thiên nhiên, Ninh Bình đang ngày càng khẳng định vị thế. Mới đây, địa phương cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam.
Theo đó, việc hợp tác này sẽ khởi động, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình, biến Ninh Bình thành trường quay nổi tiếng cho các bộ phim của Việt Nam và thế giới, đặc biệt là các phim cổ trang; thu hút các đoàn phim đến Ninh Bình, qua đó góp phần phát triển du lịch Ninh Bình và các ngành kinh tế, dịch vụ...
Thời gian hợp tác sẽ kéo dài từ năm 2024 đến 2035, gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi động (từ năm 2024 đến 2025), chuẩn bị và triển khai các sự kiện quảng bá qua điện ảnh, thu hút đoàn phim đến Ninh Bình, chuẩn bị kịch bản phim truyện về Ninh Bình… và giai đoạn triển khai diễn ra từ năm 2026 đến 2035.
Nói riêng về chuyện phim trường, hiện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đang tiến hành lập quy hoạch. Trong đó có việc xây dựng công viên lịch sử trung tâm cố đô Hoa Lư, đồng thời khôi phục cảnh quan nguyên gốc theo tư liệu lịch sử, trưng bày các mô hình, tiêu bản phục dựng kinh đô Hoa Lư, hình thành công viên khảo cổ học, được bảo vệ bởi các công nghệ hiện đại.
Dự kiến định hướng các khu vực làm trường quay tại các địa phương: xã Phú Lộc, Quỳnh Lưu, Gia Sơn, Gia Lâm (thuộc huyện Nho Quan); xã Gia Trung, Gia Hưng, Gia Vân (huyện Gia Viễn); xã Ninh Giang, Ninh Tiến, Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư). "Tới đây hy vọng sẽ có các bộ phim của Pháp, Ấn Độ và Việt Nam đến quay tại Ninh Bình", TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cho biết.
ĐỊNH HƯỚNG TRỞ THÀNH MỘT THÀNH PHỐ TOÀN CẦU
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Ninh Bình xác định công nghiệp văn hóa, du lịch là mũi nhọn. Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Ninh Bình với Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, với định hướng, quan điểm phát triển theo hướng “Xanh, bền vững, hài hòa”, tỉnh Ninh Bình tập trung vào 4 “hóa”: tài sản hóa di sản, bảo tàng hóa di sản, phim trường hóa di sản và công viên hóa di sản; chuyển đổi từ hội nhập kinh tế nông sang hội nhập kinh tế sâu.
Ông Đoàn Minh Huấn cho hay, lợi thế khác biệt của Ninh Bình so với 62 tỉnh thành trên cả nước là tỉnh có sự đan xen, hài hoà giữa di sản văn hoá và di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. Đây còn là địa phương duy nhất tại Đông Nam Á được UNESCO vinh danh ở cả hai lĩnh vực di sản thiên nhiên và văn hoá. Tuy nhiên, Bí thư tỉnh Ninh Bình nêu thực trạng, địa phương mới chỉ khai thác các sản phẩm thô mà thiếu những sản phẩm tinh, chẳng hạn như kết hợp yếu tố văn hóa, du lịch với khoa học công nghệ để tạo bản sắc riêng cho du lịch Ninh Bình.
Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, cho rằng thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa sẽ là nền tảng vững chắc để Ninh Bình bước vào chu kỳ phát triển mới nhanh, bền vững và trách nhiệm. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng chia sẻ, gợi mở định hướng, xu hướng phát triển theo quy hoạch không gian xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; khuyến nghị những vấn đề về công tác quy hoạch các tòa nhà, cơ sở hạ tầng thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
TS. Đinh Thanh Hương, Giám đốc Điều hành Tri thức và Dự án tại AVSE Global, đồng thời là Giám đốc Tài chính Pháp, Dịch vụ Tài chính và đầu tư, Ngân hàng BNP Paris, đề xuất chiến lược phát triển cho Ninh Bình thời gian tới dựa trên một chữ “DINH” - theo một dòng họ phổ biến ở Ninh Bình (họ Đinh). Đó là 4 yếu tố gồm D (Digitalization - Số hóa), I (Innovation - Sáng tạo), N (Nature & Heritage - Thiên nhiên & Di sản) và H (Human - Con người).
Với định hướng là một thành phố toàn cầu, các chuyên gia khuyến nghị Ninh Bình cần đặc biệt chú trọng việc khai thác các giá trị văn hóa, thiên nhiên theo hướng đi sâu về chất lượng, các công trình, dự án mang tính biểu tượng. Cùng với đó, xây dựng tiêu chuẩn giảm thiểu khí thải carbon, phát triển du lịch Net Zero và xây dựng tỉnh là một trung tâm tổ chức sự kiện trong nước và quốc tế, trở thành nơi trao đổi văn hóa không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.