17:15 20/07/2016

Cử tri muốn giám sát Formosa thực hiện đầy đủ cam kết

Nguyễn Lê

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo trước Quốc hội khoá 14

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân.
Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước ở Trung ương theo hướng thật sự tinh gọn về tổ chức và nhân sự, nhân sự lãnh đạo phải thực sự có đức, có tâm, có tài.

Nội dung này được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân trình bày trước Quốc hội khoá 14 trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, sáng 20/7.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước.

Ông Nhân cũng đề nghị có cơ chế cụ thể để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, trước hết là đối với những người đứng đầu cơ quan Nhà nước ở cơ sở.

Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng

Báo cáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nêu, cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng do hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản và các làng nghề gây ra, đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của đất nước, các địa phương và khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân và cả thế hệ tương lai.

Cử tri và nhân dân không muốn tiếp tục chấp nhận thực tế là có nhiều nơi nạn “cát tặc” hoành hành, khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều năm, “lâm tặc” chặt phá rừng và vận chuyển gỗ công khai.

Ông Nhân cũng cho biết, việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây nhiều bất bình và bức xúc.
 
Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt, chỉ rõ Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương.

Đề nghị từ cử tri là giám sát Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời chỉ đạo rà soát việc thực thi các quy định pháp luật về cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, quản lý và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp.

Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường, báo cáo nêu rõ.

Lo lắng, bất bình với Trung Quốc

Tập hợp ý kiến trên phạm vi cả nước cho thấy, cử tri và nhân dân lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá trái luật pháp quốc tế thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam.

Những việc này làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Mong muốn của cử tri là Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia, vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ chính nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhân dân; sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực.

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị Đảng, Nhà nước sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Tiếp tục đối thoại, đề ra các giải pháp hòa bình, tham gia xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời tiếp tục có giải pháp giải quyết khó khăn và hỗ trợ sản xuất và đời sống của ngư dân.