12:26 19/11/2010

Cục Quản lý giá: Giá nhiều mặt hàng trọng yếu có thể còn tăng

Diệu Hương

Tác động từ giá thế giới và lên giá của USD, nhiều mặt hàng trọng yếu đứng trước khả năng tăng giá

Giá gạo có thể tăng do chịu tác động từ giá thế giới.
Giá gạo có thể tăng do chịu tác động từ giá thế giới.
“Trong nửa đầu tháng 11/2010, giá cả một số loại nguyên vật liệu, hàng hóa trên thị trường thế giới như đường, phân bón urê, phôi thép, xăng dầu, khí hóa lỏng biến động theo xu hướng tăng”, báo cáo tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 11 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết.

Tác động vào trong nước, sức ép tăng giá từ thế giới cộng hưởng với tỷ giá VND/USD biến động rất nhanh trong thời gian gần đây. Trên thị trường tự do, tiếp theo đà tăng so với hồi cuối tháng 10, tỷ giá quy đổi USD/VND (bán ra) ở mức 20,45-20,5 nghìn đồng/USD hồi đầu tháng 11 đã vượt qua mốc 21 nghìn đồng/USD, đến giữa tháng 11 dao động ở mức 20,95-21,2 nghìn đồng/USD tăng 730-750 đồng/USD so với đầu tháng.

Trong khi đó, Cục Quản lý giá cũng lưu ý: “Thời điểm cuối năm là lúc nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt là USD tăng nhanh để nhập khẩu các mặt hàng phục vụ Tết và chuẩn bị cho năm sản xuất sắp tới”.

Với thị trường trong nước, đà tăng giá của nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm là một mối quan tâm khác, cũng được Cục Quản lý giá đưa ra.

Giá gạo có thể tăng

Cụ thể, do lũ lụt tại Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã làm giảm sản lượng gạo của nước này so với năm ngoái, tương tự là Indonesia bị ảnh hưởng của lũ lụt, sóng thần; Nga và một số nước thuộc Đông Âu cấm xuất khẩu lúa mỳ do hạn hán, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tăng lại các nước nhập khẩu gạo lớn như Cuba, Indonesia và Philippines đã làm thay đổi cán cân cung cầu gạo trên thế giới.

Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam 15 ngày đầu tháng 11 (giá FOB) loại 5% ổn định trong khoảng 470-475 USD/tấn, nhưng loại 25% tấm tăng nhẹ 5 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 10, lên mức 440-445 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, giá thóc, gạo 15 ngày đầu tháng 11 ở miền Bắc đã tăng so với cùng kỳ tháng 10: giá thóc tẻ thường và gạo tẻ thường đã tăng khoảng 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại miền Nam, giá lúa Hè Thu tăng 550-1.050 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm  tăng 800-850 đồng/kg; gạo 25% tấm tăng 850-1.300 đồng/kg.

Theo dự báo của Chủ tịch Hiệp hội gạo Mỹ, Dwight Roberts, có thể giá gạo thế giới tăng lên 550 USD/tấn vào cuối năm. Cục Quản lý giá cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường gạo của thế giới, vì vậy, dự báo giá gạo của Việt Nam có thể tăng.

Thực phẩm tươi sống sẽ tiếp tục ở mức cao

Giá mặt hàng thực phẩm tươi sống nửa đầu tháng 11 nhìn chung theo xu hướng tăng, trong đó mặt hàng rau củ quả tăng khá mạnh. Theo Cục Quản lý giá, ngoài các nguyên nhân như tình hình dịch bệnh, thời tiết chuyển mùa, lũ lụt ở miền Trung làm ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm... còn có nguyên nhân tăng giá tâm lý.

Cụ thể, so với cùng kỳ tháng 10, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc tăng 1 nghìn đồng/kg; tại miền Nam tăng 3 nghìn đồng/kg.
 
Tương tự, thịt lợn mông sấn tại miền Bắc đã tăng 2-5 nghìn đồng/kg; miền Nam tăng 2 nghìn đồng/kg; thịt bò thăn tại miền Bắc và miền Nam cùng tăng 5 nghìn đồng/kg; thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch tăng 5-10 nghìn đồng/kg... Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản tuỳ loại như tôm sú, cá thu, cá ngừ, mực... cũng tăng khoảng 5-15 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ tháng 10.
 
Với các mặt hàng rau quả tươi, giá hành lá tăng 8-10 nghìn đồng/kg; cà chua tăng 5-8 nghìn đồng/kg; rau cải tăng 3-7 nghìn đồng/kg,  súp lơ tăng 20 nghìn đồng/kg; các loại bầu, bí, mướp cũng tăng 0,5-2 nghìn đồng/kg…

Cục Quản lý giá cho rằng, từ nay đến cuối tháng 11, giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tiếp tục ở mức cao.

Giá đường tiếp tục tăng nhẹ

Do lo ngại về nguồn cung đường toàn cầu sụt giảm, lực mua tăng mạnh đã đẩy giá đường thế giới 15 ngày đầu tháng 11 tăng so với cùng kỳ tháng 10. Tại New York, giá đường thô giao tháng 3/2011 tăng 5,56-7,13 Uscent/Lb; tại Luân Đôn giá đường trắng giao tháng 12/2010 tăng 102,3-139,5 USD/tấn...

Giá bán lẻ đường trắng trong nước 15 ngày đầu tháng 11 khoảng 19-21 nghìn đồng/kg, tăng 1 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ tháng 10. Tại một số điểm bán hàng tại Hà Nội như siêu thị Big C, Hapro, khu vực chợ Đồng Xuân giá đường lên tới 22-23 nghìn đồng/kg.

Cục Quản lý giá dự báo, giá đường sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

Dầu thô chưa rõ xu hướng giá

So sánh bình quân 14 ngày tháng 11 với bình quân tháng 10/2010, giá dầu thô WTI tăng 4,77%, giá xăng RON 92 tăng 3,87%, giá điezen 0,05S tăng 4,48%, giá dầu hoả tăng 4,35%, giá madut tăng 5,06%.

Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý là trong phiên giao dịch ngày 12/11 giá xăng dầu thế giới giảm so với các phiên trước đó do thông tin Trung Quốc có thể nâng lãi suất, những quan ngại về nợ khu vực đồng tiền chung châu Âu và báo cáo cắt giảm dự báo nhu cầu 2011 từ Cơ quan năng lượng quốc tế...

Ở trong nước, ngày 12/11, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước. Công văn cũng cho phép các doanh nghiêp này được tăng mức sử dụng từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở, cụ thể từ 700-1.200 đồng/lit (kg), tùy loại.

Cục Quản lý giá cho rằng, giá dầu thô chưa xác định rõ xu hướng cụ thể.

Giá xi măng nửa cuối tháng 11 tiếp tục ổn định

Theo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng, trong 15 ngày đầu tháng 11, ước tổng sản lượng xi măng sản xuất đạt 712 nghìn tấn, tăng 43 nghìn tấn; mức tiêu thụ đạt 782 nghìn tấn, tăng 133 nghìn tấn so cùng kỳ tháng trước.

Từ ngày 15/10, các công ty sản xuất, kinh doanh xi măng đã tăng giá bán 50 nghìn đồng/tấn (riêng Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 tăng 80 nghìn đồng/tấn) so với mức điều chỉnh ngày 11/8 và được giữ ổn định cho đến nay.

Trên thị trường, giá xi măng ổn định so cùng kỳ tháng trước, tại các tỉnh phía Bắc ở mức 920 nghìn đên 1 triệu đồng/tấn; tại các tỉnh phía Nam ở mức 1,24-1,34 triệu đồng/tấn.     

Cục Quản lý giá dự báo, giá xi măng nửa cuối tháng 11 tiếp tục ổn định.

Giá thép có thể  tăng nhẹ

Trong 15 ngày đầu tháng 11, giá chào phôi thép thế giới tăng nhẹ do sự phục hồi về nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc. Hiện giá chào phôi thép tại thị trường Đông Nam Á phổ biến ở mức 580-600 USD/tấn (CIF), tăng khoảng 20-40 USD/tấn so cùng kỳ tháng trước.

Do giá chào phôi thép thế giới tăng cùng với tác động tăng của tỷ giá VND/USD, nên giá bán thép thành phẩm tại các nhà máy phía Nam tăng nhẹ trong đầu tháng 11, với mức tăng khoảng 200 đồng/kg.

Trên thị trường, giá bán thép hiện ở mức 15.700-16.000 đồng/kg (tại các tỉnh miền Bắc) và 15.400-15.800 đồng/kg (tại các tỉnh miền Trung và miền Nam), tăng khoảng 700 đồng/kg so với 15 ngày tháng 10.

Cục Quản lý giá cho rằng, giá thép thành phẩm trong tháng 11 có thể  tăng nhẹ.

Giá LPG: Thế giới tăng nhẹ, trong nước ổn định

Do một số nước châu Âu và thị trường Mỹ đã có dấu hiệu mua dự trữ cho mùa đông, giá LPG trên thị trường thế giới tiếp tục tăng. Ngày 1/11, giá LPG nhập khẩu tăng 92,5 USD/tấn so tháng 10, lên mức 784,50 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, do giá LPG nhập khẩu và tỷ giá VND/USD tăng, giá LPG cũng tăng tương ứng, khoảng 25 nghìn đồng/bình 12kg kể từ ngày 1/11.

Theo dự báo của Cục Quản lý giá, trong nửa cuối tháng 11, khi thời tiết chuẩn bị vào mùa Đông ở các nước châu Âu, nhu cầu sử dụng LPG sẽ tăng và giá dầu thô thế giới không có biến động lớn thì giá LPG thế giới có thể tiếp tục tăng nhẹ. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, giá LPG trong nước sẽ ổn định.

Dược phẩm có thể tăng giá nhẹ

Theo Cục Quản lý giá, do nhu cầu tiêu thụ thuốc trong nước cao hơn nhiều so với khả năng đáp ứng của thuốc nội và do tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng nên giá một số loại thuốc và nguyên liệu thuốc nhập khẩu tăng. Có khoảng 10% số lượng thuốc nhập khẩu có giá nhập khẩu biến động tăng/giảm trong 15 ngày đầu tháng 11.

Ngược lại nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc giá biến động theo xu hướng giảm, tập trung vào các (nguyên liệu có giá giảm chiếm 75% số nguyên liệu có biến động giá).

Trong 10 tháng đầu năm 2010, kim ngạch nhập khẩu thuốc đã đạt trên 1 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2009.

Cục Quản lý giá dự báo, từ nay đến cuối năm, thị trường dược phẩm trong nước có thể điều chỉnh tăng giá nhẹ; giá thuốc sản xuất trong nước có thể biến động nhẹ phụ thuộc giá nguyên liệu nhập khẩu và sự thay đổi tỷ giá giữa VND và các ngoại tệ mạnh.