09:29 01/03/2021

"Cuộc chơi lớn" smart city: Cơ hội nào cho các startup công nghệ?

Tuyết Nhi

Tham gia phát triển đô thị thông minh (smart city) là một "cuộc chơi lớn" không chỉ dành cho những "tay chơi" có tiềm lực về tài chính và nguồn lực.

Sử dụng công nghệ thông minh cho hệ thống đèn đường trên một nền tảng mở
Sử dụng công nghệ thông minh cho hệ thống đèn đường trên một nền tảng mở

Những startup trẻ, nếu giải quyết được vấn đề tồn tại của mỗi đô thị, biết rõ thế mạnh của riêng mình, cũng có thể cùng hợp tác với những tập đoàn, đưa ra các giải pháp cho thành phố thông minh, tạo ra nhiều tiện ích, đem lại giá trị cho cộng đồng, môi trường và xã hội.

Thành lập cách đây ba năm, VioT hiện là một startup công nghệ tập trung giải quyết các bài toán về phát triển đô thị thông minh. Có thể kể đến sản phẩm của công ty như nút bấm thông minh dùng nền tảng của bluetooth; hệ thống kết nối biển báo quảng cáo ngoài trời và trong nhà, phục vụ cho chính quyền đô thị khi muốn quản lý nội dung số từ xa (DigiAds); rồi Trung tâm điều hành thông minh (Intelligent Operation Center, viết tắt là IoC), có thể quản lý một khu công nghiệp, một thành phố hoặc một cảng biển để tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng cho đô thị...

DÙNG CÔNG NGHỆ ĐỂ GIẢI CÁC "BÀI TOÁN" RIÊNG

Theo số liệu được các chuyên gia đưa ra, trung bình cứ 10 bóng đèn đường thải ra lượng carbon tương đương với lượng thải của một chiếc xe hơi trong một năm. 6% lượng carbon thải ra trên thế giới hiện nay là từ hệ thống đèn đường. Ông Nguyễn Bách Việt, nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Cổ phần VIoT Group chỉ rõ: "Thế giới hiện có 304 triệu bóng đèn đường, có thể đạt 356 triệu bóng đèn đường vào năm 2025, với hàng chục tỷ bóng đèn cao áp ngoài trời. Nhưng vấn đề là tất cả số lượng đèn này đều đã cũ, 1/3 trong số đó đang sử dụng công nghệ từ năm 1970, rất tốn điện, tốn chi phí".

Sử dụng công nghệ thông minh, VIoT Group bắt tay nghiên cứu những thiết bị cảm biến (censor) dành cho hệ thống đèn đường trên một nền tảng mở, nhằm quản lý tập trung, hướng đến giảm thải hiệu ứng nhà kính và giải quyết vấn đề năng lượng. Từ đó, đóng góp vào quá trình chuyển đổi số hạ tầng số, phát triển các ứng dụng cho thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh.

Người ta đã tính, riêng hệ thống đèn đường chiếm đến 35% chi phí điện của Thành phố Hà Nội. Trong khi đó, trên thế giới, con số trung bình này là 16 - 17%. "Khi thấy hóa đơn điện tăng cao, người ta thường sẽ tìm cách cắt điện chứ không tìm cách tối ưu hóa hệ thống đèn. Đây là hà tiện điện chứ không phải tiết kiệm điện", ông Việt nhấn mạnh. Vì vậy, nếu có thể nâng cấp hoặc giải quyết bài toán kết nối hệ thống đèn đường, có thể giảm về mức trung bình của thế giới, thay vì đầu tư mới, sẽ giải quyết bằng việc tối ưu hóa vận hành hệ thống.

Sử dụng sóng radio tầng thấp thông minh, VIoT giải quyết bài toán kết nối được 5.000 thiết bị trong bán kính 30 km. Đèn LED chiếu sáng có thể kết nối từ xa, không dây, và được quản lý tập trung.

Đặt trụ sở tại Singapore, Công ty QIQ Global chuyên về hệ thống sạc xe điện công cộng, xe đạp điện, scooter và xe ô tô điện, cũng được kỳ vọng đem đến giải pháp cho vấn đề giao thông. Các phương tiện trong hệ thống tự động được kết nối với nhau, với người dùng thông qua phần mềm có thể dễ dàng điều khiển và thanh toán. Tháng 3/2020, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra thông báo về chủ trương thí điểm đầu tư hệ thống xe đạp điện sử dụng phần mềm quản lý điện thoại thông minh tại quận Hoàn Kiếm. Sau khi kết thúc thí điểm hoạt động tại quận Hoàn Kiếm và được cấp phép hoạt động, nhà đầu tư sẽ triển khai hệ thống trên toàn thành phố. Ông Vũ Cao Tùng, Giám đốc Công ty QIQ Vietnam cho hay khó có thể phủ nhận những lợi ích mang lại của hệ thống giao thông thông minh, nhưng các đô thị gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Dù vậy, ông Tùng kỳ vọng "khi metro, đường sắt trên cao đi vào hoạt động, những dự án này có thể thành công, thay đổi thói quen của người tiêu dùng".

CÙNG HỢP TÁC, ĐEM LẠI TIỆN ÍCH CHO NGƯỜI DÂN

Hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5% và số lượng lên tới hơn 813 đô thị. Đây được coi là dấu hiệu đáng mừng cho mức độ phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo nhiều hơn, đầu tư mang tính chất hiệu quả hơn, nhưng cũng đặt ra vấn đề lớn như ô nhiễm môi trường, tắc đường, cơ sở hạ tầng xuống cấp... Ứng dụng công nghệ sẽ giúp thành phố tăng hiệu quả quản lý, giảm chi phí, minh bạch hơn và mang lại giá trị cho từng người dân. Việc phát triển thành phố thông minh, nơi nhiều vấn đề của đô thị hiện đại, được giải quyết nhờ việc ứng dụng các công nghệ sẽ giúp tạo ra môi trường sống tiện lợi và nhân văn hơn.

Đô thị thông minh là "cuộc chơi lớn" không chỉ dành cho các "ông lớn" mà còn cho cả các DN khởi nghiệp. Nhiều startup trẻ, cả trong nước và quốc tế, như VIoT Group, QIQ Global hay Smartlog - startup tiên phong phát triển các giải pháp công nghệ trong quản trị logistics, chuỗi cung ứng... đang triển khai nhiều kế hoạch, "bắt tay" với các doanh nghiệp lớn để đưa ra các giải pháp tiện lợi, phục vụ cho người dân. Ông Nguyễn Bách Việt cho hay: "Nhiều tập đoàn lớn đã bắt đầu biết lắng nghe, chú trọng vào đổi mới sáng tạo ngay trong tập đoàn". Những câu chuyện về sự thành công của các startup trên thế giới, như hãng xe Tesla của tỷ phú Elon Musk, chỉ trong thời gian ngắn, đã có giá trị vốn hóa bằng cả 9 nhà sản xuất xe hơi lớn nhất cộng lại, đã thôi thúc nhiều tập đoàn lớn triển khai trung tâm sáng tạo ngay trong tập đoàn. Từ đó, khuyến khích nhân viên khởi nghiệp và sẵn sàng hợp tác với các startup trẻ để đưa ra giải pháp, giải quyết những vấn đề của thị trường.

"Cuộc chơi lớn" smart city: Cơ hội nào cho các startup công nghệ? - Ảnh 1

Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là một quá trình, không nên hài lòng với những thành quả hiện tại, mà phải cầu thị phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog

Là doanh nghiệp đầu tàu tại Bình Dương, bên cạnh phát triển hạ tầng khu công nghiệp tạo động lực giúp tỉnh phát triển, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đang sát cánh tạo ra các nền tảng để giúp Bình Dương vững chắc tiến vào kỷ nguyên số. Bà Phạm Thùy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ và Trung tâm sản xuất thông minh Becamex IDC cho hay, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong xây dựng thành phố thông minh, tiếp tục vị trí dẫn đầu trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nâng số lượng doanh nghiệp tại Bình Dương đạt mốc 45 nghìn. Bình Dương đã được "Cộng đồng thông minh thế giới" công nhận là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh nhất thế giới.

Becamex IDC cũng được giao trách nhiệm chính để triển khai "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" nhằm kích thích văn hoá đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. "Đại dịch Covid tuy gây ra nhiều khó khăn, nhưng cũng tạo cơ hội cho các startup, doanh nghiệp phát triển đô thị thông minh. Việt Nam đang được coi là điểm đến an toàn trên thế giới. Vì vậy, các startup trẻ cần chủ động nâng cao năng lực, nhanh chóng nắm bắt cơ hội này", bà Linh hồ hởi cho biết.