10:40 19/02/2024

Cuộc đua khuyến mại, lì xì để kích cầu tiêu dùng sau Tết

Băng Hảo

Việc tổ chức những chương trình ưu đãi đang được triển khai tại các siêu thị mang đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn mua sắm tiết kiệm trong những ngày đầu xuân, năm mới, đồng thời kích cầu tiêu dùng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng… tại Hà Nội và TP.HCM đã mở cửa bán hàng 1 buổi từ mùng 2 Tết và trở lại hoạt động bình thường từ ngày mùng 6 Tết. Ghi nhận tại một số siêu thị, các kệ hàng đã được lấp đầy hàng mới, mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, lượng khách mua sắm đầu năm khá thưa thớt. Theo các siêu thị, đa số khách hàng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau củ tươi dùng trong bữa ăn hằng ngày.

ĐẨY MẠNH KÍCH CẦU NGAY TỪ ĐẦU NĂM

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng khi vừa trở lại thành phố làm việc, ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Central Retail đã tung ra chương trình khuyến mại lớn “Giá luôn luôn rẻ”, với mức giảm giá trên 30%, giúp người tiêu dùng không lo về giá, mua sắm tiết kiệm. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết, bên cạnh chính sách giá tốt, siêu thị cũng áp dụng thêm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để người tiêu dùng có những trải nghiệm mua sắm tuyệt vời khi đến siêu thị GO!, Big C ngay từ những ngày đầu năm mới.

Tương tự, tại Co.op Mart từ nay đến hết ngày 28/2, hệ thống siêu thị tổ chức chương trình "Hái lộc vàng phú quý cả năm" với hơn 10.000 lì xì may mắn, 1.000.000 điểm thưởng cùng hơn 1.000 mặt hàng giảm giá. Cụ thể, khách hàng mua sắm tại Co.op Mart trong những ngày đầu năm trị giá trên 500.000 đồng sẽ được tặng ngay lì xì là phiếu mua hàng có mệnh giá lên đến 100.000 đồng. Với chương trình Xúc xắc thần tài phát lộc khai xuân, từ nay đến 25/2: khách hàng có hóa đơn mua sắm từ 400.000 đồng trong các khung giờ vàng sẽ nhận được những phần quà có giá trị hấp dẫn…

Ghi nhận tại một số siêu thị, các kệ hàng đã được lấp đầy hàng mới, mọi hoạt động đã trở lại bình thường.
Ghi nhận tại một số siêu thị, các kệ hàng đã được lấp đầy hàng mới, mọi hoạt động đã trở lại bình thường.

Chính thức mở cửa trở lại từ ngày 4 Tết, hệ thống siêu thị WinMart triển khai chương trình khai xuân rực rỡ với hơn 300 sản phẩm giá siêu rẻ, cùng các chương trình ưu đãi mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1 và hàng ngàn quà tặng hấp dẫn lì xì cho khách hàng mua sắm trong dịp đầu năm mới. Hệ thống 16 siêu thị Lotte Mart trên toàn quốc cũng đã hoạt động bình thường trở lại với chương trình mua sắm thả ga, áp dụng ưu đãi giảm giá lên tới 50% cho nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng gia đình, đồ chơi trẻ em…

Trong khi đó, hệ thống MM Mega Market thì gửi gần 200.000 voucher cho những khách mua hàng thường xuyên để kích cầu. Theo đó, khách mua hàng có hóa đơn trị giá 800.000 đồng trở lên sẽ được giảm ngay 100.000 đồng. "Thống kê đến ngày 16/2, khoảng 2% khách hàng được tặng voucher sử dụng quà tặng này khi mua sắm", đại diện MM Mega Market cho biết.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong Tết Giáp Thìn đã có trên 1.300 điểm bán hàng mở cửa từ mùng 1 và mùng 6 Tết trở đi, các hệ thống bán lẻ hoạt động bình thường. Điều này đã góp phần hạn chế tâm lý tích trữ hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, sau Tết nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa tăng cao. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều chủ yếu vẫn là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản...

Đa số khách hàng chủ yếu mua thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản... dùng trong bữa ăn hằng ngày.
Đa số khách hàng chủ yếu mua thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản... dùng trong bữa ăn hằng ngày.

Thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM cũng cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đang triển khai cung ứng hàng hóa theo kế hoạch chung chuẩn bị cho 2 tháng trước, trong và sau Tết. Trong đó, các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn thị trường giữ ổn định giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, một số loại rau củ… trong 1 tháng sau Tết. Với các doanh nghiệp phân phối, ngoài việc bảo đảm đa dạng nguồn hàng, thì cũng đang đẩy mạnh giải phóng hàng tồn, tăng cường nhập thêm hàng mới. 

NĂM 2024: CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Ngày 16/2/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, giá cả hàng hoá trong Tết tăng nhẹ so với ngày thường, trong đó giá nhiều mặt hàng tăng từ 10 - 15%. Tuy nhiên, các bộ ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn "bão giá" hàng hoá trong và sau Tết Nguyên đán.

Đưa ra 6 nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương tập trung cao độ việc rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ theo thẩm quyền, đồng thời, kịp thời phản ánh với cấp trên những gì vượt thẩm quyền. “Chú trọng phát triển thị trường trong nước bằng việc khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hạ tầng thương mại truyền thống. Từng địa phương phải xem xét, rà soát, sắp xếp lại, cố gắng tạo điều kiện để thương hiệu Việt khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ… từ đó, nâng năng lực của doanh nghiệp Việt”, ông Diên nói.

Các bộ ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn "bão giá" hàng hoá trong và sau Tết Nguyên đán.
Các bộ ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn "bão giá" hàng hoá trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo các chuyên gia, mùa mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán luôn là cú hích thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo thặng dư cho tăng trưởng thị trường nội địa. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ xác định khai thác hiệu quả thị trường nội địa là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, lạm phát ở mức 4 - 4,5% trong năm 2024.

Với dân số hơn 100 triệu dân, trong đó, tầng lớp trung lưu được đánh giá đang ở mức cao (khoảng 20%), thị trường thực sự có tiềm năng và thế mạnh lớn cho tiêu thụ hàng hóa. Do đó, việc kết nối cung cầu, khuyến khích mua sắm và tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất, chính là “chìa khóa” bảo đảm cho nền kinh tế nước ta phát triển ổn định và bền vững trong nhiều năm tới.

Để tiếp tục bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, trong đó có xăng, dầu nhằm bảo đảm cung ứng trên thị trường, tránh tác động đến sản xuất, kinh doanh và giá cả hàng hóa khác, góp phần đẩy mạnh thị trường nội địa, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.