13:27 24/11/2021

Cuộc đua sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có đơn vị nào cán đích

Khởi Anh

Sau 2 năm xuất hiện, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cho nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi điêu đứng. Nhưng vaccine phòng bệnh vẫn chưa hoàn thiện...

Sau thời gian dài nghiên cứu, vacine dịch tả lợn châu Phi của Navetco vẫn chưa sản xuất thương mại
Sau thời gian dài nghiên cứu, vacine dịch tả lợn châu Phi của Navetco vẫn chưa sản xuất thương mại

Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 đến nay cả nước đã xảy ra 1.834 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 112.092 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Nhận định của Cục Thú y cho thấy, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát và phát sinh là rất cao, do đặc điểm của vi rút này rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Hiện nay, đang là những tháng cận kề Tết Nguyên đán càng khiến cho việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh, dịch bệnh cũng vì vậy mà dễ lây lan hơn.

Việc phải tiêu hủy 100% số lợn nhiễm dịch tả châu Phi gây ra thiệt hại rất nặng nề cho nông dân. Việc có vắc-xin được coi là một kỳ vọng lớn trong ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh.

Mặc dù rất được chờ đợi nhưng vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa chính thức được hoàn thiện và cung cấp tới tay nông dân.

Tháng 4/2021, đại diện Bộ NN-PTNT khẳng định với một số cơ quan báo chí, Công ty CP Thuốc thú y Trung ương - Công ty CP Thuốc thú y Trung ương - Naveco (Navetco có 65% vốn sở hữu nhà nước) sẽ đưa được vaccine dịch tả lợn châu Phi ra thị trường vào 7 - 8.

Sau nhiều tháng chờ đợi, hiện nay đã gần hết tháng 11/2021 nhưng loại vacine rất cần thiết này vẫn chưa chốt được ngày hoàn thiện. 

Chưa có vaccine "xịn", nhưng trên thị trường cả trong và ngoài nước đã có vaccine giả, nhái mang thương hiệu của Navetco. Cực chẳng đã, doanh nghiệp này phải đăng thông tin cảnh báo trên website của mình và nêu rõ, hiện Navetco chưa cung cấp bất kỳ liều vaccine kháng dịch tả lợn châu Phi nào ra thị trường.

Cũng đang trong cuộc chạy đua sản xuất vacine kháng dịch tả lợn châu Phi, mới đây nhất, ngày 21/11 Tập đoàn Dabaco có trụ sở tại Bắc Ninh (hoạt động đa ngành nghề, trong đó, lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm) đã tuyên bố, doanh nghiệp đang trên chặng cuối để hoàn thiện vaccine.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, ngay sau khi tiếp nhận việc chuyển giao từ Mỹ virus chủng ASF G-Delta I177L/Delta VLR và dòng tế bào thường trực PIPIC (PIPEC), phòng thí nghiệm Dabaco đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm.

Theo ông Vũ Đăng Đồng - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y Dabaco, từ cuối tháng 10 các chuyên gia trong phòng thí nghiệm của Dabaco đã tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn để đánh giá độ an toàn, và hiệu quả của vaccine.

Được biết thí nghiệm tiêm thử nghiệm được triển khai chia thành 5 lô, trong đó 4 lô tiêm thử nghiệm ở các nồng độ khác nhau và 1 lô đối chứng (không tiêm sản phẩm/hoặc tiêm nước cất) để so sánh, đánh giá khách quan với 4 lô đã tiêm.

Trong quá trình thí nghiệm, lợn được kiểm soát hàng ngày các chỉ tiêu lâm sàng như: thân nhiệt, khả năng ăn uống, các hoạt động của lợn so với đối chứng.

Sau 21 ngày, việc thử nghiệm được Dabaco đánh giá là an toàn với đàn lợn thí nghiệm, vật nuôi không có triệu chứng bất thường sau thời gian 7, 14, 21 ngày tiêm.

Với kết quả thử nghiệm khả quan, vaccine dịch tả lợn Châu Phi của Dabaco đang bước vào những giai đoạn quan trọng để chuẩn bị cho quá trình sản xuất đại trà trong thời gian tới. 

Mặc dù có những dấu hiệu khá tích cực trong việc sản xuất vacine, nhưng nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng như nông dân không mấy mặn mà trong chờ đợi. 2 năm qua, các hộ chăn nuôi đã gặp quá nhiều khó khăn khi cùng lúc xuất hiện cả dịch bệnh Covid và dịch tả lợn châu Phi.

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, Rất nhiều nông hộ và trang trại đã bỏ nghề chăn nuôi, chủ yếu do cạn vốn. Nếu không có vaccine đặc hiệu sớm, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, người chăn nuôi sẽ kiệt quệ và số nông hộ và trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ còn nhiều hơn trước.